Đẩy mạnh cho vay nông nghiệp công nghệ cao

18/11/2020 13:47 GMT+7
Nông nghiệp, nông thôn, trong đó có sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là một trong 5 lĩnh vực ưu tiên đầu tư vốn tín dụng và đã triển khai nhiều giải pháp chính sách ưu đãi đặc thù nhằm khuyến khích phát triển lĩnh vực này.
Đẩy mạnh cho vay nông nghiệp công nghệ cao - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Tuấn Anh

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Tuấn Anh - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN Việt Nam cho biết, thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, ngành Ngân hàng luôn xác định nông nghiệp, nông thôn, trong đó có sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là một trong 5 lĩnh vực ưu tiên đầu tư vốn tín dụng và đã triển khai nhiều giải pháp chính sách ưu đãi đặc thù nhằm khuyến khích phát triển lĩnh vực này.

Ông có thể cho biết những chính sách tín dụng dành cho lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao trong thời gian qua?

Thứ nhất, chính sách vay không có tài sản bảo đảm tối đa từ 100 triệu đồng đến 3 tỷ đồng, từ 70% đến 80% giá trị dự án, phương án sản xuất kinh doanh đối với HTX, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Thứ hai, chính sách ưu đãi hơn về lãi suất: NHNN đã ban hành riêng một quyết định chỉ đạo các NHTM dành khoảng 100.000 tỷ đồng để cho vay lãi suất thấp hơn lãi suất cho vay thông thường từ 1-1,5%/năm đối với các tổ chức, cá nhân đáp ứng tiêu chí nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo quy định của Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn. Đặc biệt, từ đầu năm 2020 tới nay NHNN đã ba lần giảm trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND đối với các lĩnh vực ưu tiên, hiện nay lãi suất cho vay nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tối đa chỉ có 4,5%/năm - thấp hơn nhiều so với các lĩnh vực khác và là mức thấp nhất từ trước tới nay.

Thứ ba, là chính sách xử lý nợ đặc thù. Đặc thù sản xuất nông nghiệp nói chung và lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao nói riêng đòi hỏi vốn lớn, tiềm ẩn nhiều rủi ro do thiên tai, dịch bệnh, biến động thị trường… Do đó, tại Nghị định 55/2015/NĐ-CP và sau này là Nghị định 116/2018/NĐ-CP, Chính phủ đã quy định cơ chế xử lý rủi ro do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng dẫn đến khách hàng vay gặp khó khăn không trả được nợ vay đúng hạn.

Những chính sách này được triển khai thế nào, có khó khăn gì, thưa ông?

Hiện nay số lượng các khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và số lượng doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được công nhận còn hạn chế; chưa có nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao bài bản, hiệu quả. Một số doanh nghiệp nguồn lực tài chính không được tốt, chưa chứng minh phương án sản xuất hiệu quả, khả thi, chưa đáp ứng tiêu chí nông nghiệp công nghệ cao theo quy định.

Lĩnh vực sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đòi hỏi vốn đầu tư lớn, tuy nhiên thị trường tiêu thụ không ổn định, ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất. Sản xuất nông nghiệp luôn tiềm ẩn rủi ro do thiên tai, dịch bệnh, đặc biệt trong giai đoạn gần đây, ngành nông nghiệp đang phải chịu ảnh hưởng kép: vừa bị ảnh hưởng xấu do dịch Covid-19 vừa chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn và dịch tả lợn châu Phi trong khi các công cụ phòng ngừa và hạn chế rủi ro trong nông nghiệp còn chậm triển khai.

Việc triển khai cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản trên đất nông nghiệp như nhà kính, nhà lưới, nhà màng... phục vụ cho chính hoạt động sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại các địa phương theo Thông tư 33/2017/TT-BTNMT còn chậm, khiến người dân không thực hiện được các giao dịch bảo đảm để thế chấp tài sản tại ngân hàng.

Ông có thể chia sẻ về định hướng chính sách của NHNN thời gian tới đối với lĩnh vực này?

Thời gian tới, NHNN tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, ổn định mặt bằng lãi suất, tỷ giá nhằm hỗ trợ các tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, liên kết chuỗi giá trị nông sản xuất khẩu trong việc giảm chi phí vay vốn. NHNN chỉ đạo các NHTM đẩy mạnh chương trình cho vay ưu đãi với nông nghiệp công nghệ cao. Đến thời điểm này, chương trình cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo Nghị quyết 30/NQ-CP của Chính phủ với quy mô 100.000 tỷ đồng đạt doanh số cho vay lũy kế đạt khoảng 65.000 tỷ đồng (đạt 65%) tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với dư nợ chiếm hơn 90% tổng dư nợ của chương trình.

Vừa qua, trong các tiêu chí ứng dụng công nghệ cao tản mát ở nhiều văn bản từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, Bộ Tài nguyên Môi trường… Mỗi nơi hướng dẫn khác nhau nên ngân hàng gặp nhiều khó khăn khi cho vay. Nhưng mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam đã có sửa đổi quy định bộ tiêu chí công nghệ cao. Tôi hy vọng với sửa đổi trên, thời gian tới, cho vay lĩnh vực này sẽ được đẩy mạnh hơn nữa. Ngoài ra, NHNN yêu cầu các ngân hàng đa dạng hóa các loại sản phẩm tín dụng, dịch vụ phù hợp với từng phân khúc, đối tượng khách hàng tham gia chuỗi liên kết, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao…

Xin cảm ơn ông!

Theo Nguyễn Vũ/Thời báo Ngân hàng
Cùng chuyên mục