Khánh Hòa: Vốn chính sách giúp người dân thoát nghèo bền vững

Công Tâm - Viết Niệm
12/07/2025 16:12 GMT +7
Với mục tiêu giảm nghèo bền vững góp phần bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn, những năm qua, Ngân hàng Chính sách xã hội Thuận Nam, tỉnh Khánh Hòa đã triển khai tốt các chương trình chính sách tín dụng truyền tải được nguồn vốn ưu đãi tới nhiều đối tượng để bà con phát triển kinh tế gia đình.

Từ nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội Thuận Nam, tỉnh Khánh Hòa, nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác đã có vốn phát triển sản xuất, từ đó nâng cao được đời sống cho người dân và là đòn bẩy quan trọng thúc đẩy mục tiêu giảm nghèo.

Chị Trượng Thị Kim (46 tuổi) xã Thuận Nam, tỉnh Khánh Hòa là tấm gương điển hình sử dụng hiệu quả vốn vay Ngân hàng CSXH. Chị Kim cho biết, sau khi lập gia đình kinh tế rất khó khăn, không có vốn sản xuất và không có đất, cuộc sống chủ yếu đi làm thuê kiếm sống.

Nhờ nguồn vốn ngân hàng CSXH Thuận Nam, tỉnh Khánh Hòa mà nhiều hộ nông dân đã thoát nghèo vươn lên làm giàu

Sau thời gian, gia đình chị Trượng Thị Kim được Ngân hàng CSXH Thuận Nam tạo điều kiện cho vay vốn 50 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ nghèo để đầu tư mua 10 con cừu và làm hệ thống trang trại.

Nhận thấy được hiệu quả nghề nuôi cừu, sau đó chị tiếp tục vay vốn 70 triệu đồng để mua giống cừu về nuôi. Với cách chăm sóc bài bản, đàn cừu mỗi năm sinh sản 2 đợt, khi sinh sản con đực con chị chăm sóc bán cho các thương lái và cừu cái gia đình chị giữ lại làm giống.

Thông qua nguồn vốn tín dụng ngân hàng chính sách xã hội Thuận Nam người dân đã nhân rộng mô hình chăn nuôi bò

Đến nay, gia đình chị Kim đã có được 60 con cừu và gia đình chị tiêu biểu cho người dân địa phương từ hộ khó khăn vươn lên thoát nghèo.

Ônh Phạm Văn Quyến - Phó Giám đốc ngân hàng CSXH Thuận Nam cho biết, trong thời gian vừa qua nhiều hộ vay vốn các chương trình hộ nghèo, cận nghèo, thoát nghèo và các chương trình khác đã phát huy được hiệu quả. Nhiều hộ từ khó khăn đã vươn lên trở thành hộ khá giả ở địa phương. Đến nay, tổng dư nợ đạt gần 619 tỷ đồng.

Với những kết quả đạt được, tín dụng chính sách đã góp phần làm thay đổi bộ mặt kinh tế nông thôn, tạo ra bộ mặt mới trong đời sống kinh tế về tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn và góp phần quan trọng vào chương trình xây dựng nông thôn mới, tạo được công ăn việc làm cho người dân lao động.