Đấu giá biển xe ô tô: ĐBQH băn khoăn có công bằng với người dân muốn biển số đẹp nhưng không có tiền đấu giá?

Hoàng Thành Thứ tư, ngày 26/10/2022 10:47 AM (GMT+7)
Đại biểu Quốc hội Dương Ngọc Hải băn khoăn nhiều người dân muốn sở hữu biến số đẹp nhưng không có tiền đấu giá, họ hy vọng khi cấp số ngẫu nhiên sẽ được biển số đẹp. Như vậy có bảo đảm công bằng hay không?
Bình luận 0

Sáng 26/10, tiếp theo Chương trình làm việc, Quốc hội thảo luận tại tổ về "Dự thảo Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn biển số xe ô tô thông qua đấu giá".

Cần quy định khái niệm thế nào là biển số đẹp

Nhất trí với chủ trương thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Đoàn ĐBQH TP.HCM) cho rằng, cách làm thí điểm nên giao Chính phủ tổ chức thực hiện chủ trương, nhiều chi tiết của dự thảo Nghị quyết sẽ nằm trong Nghị định, Nghị quyết của Chính phủ thì hợp lý hơn.

Đại biểu Nghĩa cũng cho rằng dự thảo Nghị quyết còn rất nhiều điều chưa rõ, không nhất thiết trình ra Quốc hội thảo luận, xem xét, quyết định. Trong đó, về cơ quan quản lý đấu giá, dự thảo Nghị quyết quy định mặc định là Bộ Công an tổ chức quản lý, tuy nhiên đại biểu đề nghị có thể giao cho Bộ Tài chính vì chỉ cần căn cứ theo kết quả đấu giá để cấp biển số.

"Những nhiệm vụ không phù hợp với lực lượng vũ trang thì giao cho các bộ ngành khác để lực lượng vũ trang tập trung vào nhiệm vụ chính được giao", ông Nghĩa nói.

Đấu giá biển xe ô tô: ĐBQH băn khoăn có công bằng với người dân muốn biển số đẹp nhưng không có tiền đấu giá? - Ảnh 1.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa - Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM phát biểu tại phiên thảo luận tổ sáng 26/10. Ảnh: Quang Phúc

Đáng chú ý, đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng: "Kho số là tài sản công, biển số là của cá nhân nhưng Nghị quyết này đang coi biển số là tài sản công thì chưa phù hợp". Theo đó, đại biểu cho rằng cần định nghĩa thế nào là số đẹp, phân chia các loại số đẹp, bởi nếu không có khái niệm về vấn đề này thì không tổ chức thực hiện được.

Nêu hai vấn đề có thể là khó khăn với Dự thảo Luật, đại biểu Trần Công Phàn (Đoàn ĐBQH Bình Dương) băn khoăn: Đầu tiên số nào quyết định sẽ đưa ra đấu giá, ai sẽ quyết định đem ra đấu giá.

"Trong dự thảo chưa đưa ra tiêu chí nào, thế nào là đẹp, thế nào là xấu, tổng là 10 nước hay 9 nước? Với nhiều người số rất xấu thì lại rất đẹp", ông Phàn nói và nhấn mạnh tiêu chí phải rõ, ví dụ trong một dãy số phải có quy định những số nào là số đẹp để đem ra đấu giá. "Việc chưa có một tiêu chí gì mà đem ra đấu giá thì rất khó", ông Phàn nhấn mạnh.

Người dân chưa mua được xe có được đấu giá biển?

Đáng chú ý, vị đại biểu là Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Luật gia Việt Nam cũng đặt thêm vấn đề, nếu thích cái khoảng số đó nhưng chưa mua được xe thì có được đấu giá không, hay phải có xe mới được đấu giá. "Tôi thích cái biển đấy, tôi đấu giá khi nào có tiền tôi mua xe để gắn vào có được không?", ông Phàn đặt câu hỏi.

Một ý kiến rất xác đáng được đại biểu Nguyễn Thanh Phương (Đoàn ĐBQH TP.Cần Thơ) nêu ra tại phiên thảo luận tổ là: Với những người dân bình thường không đấu giá thì thì quyền của người dân như thế nào?

Nếu chúng ta đưa hết những số trong kho số dự kiến cấp trong thời gian nhất định lên mạng thì trong thời gian đó những người không muốn đấu giá, muốn bấm biển số bình thường thì thực hiện thế nào?

"Làm thế nào để không ảnh hưởng tới quyền của người dân. Còn nếu chọn số đưa lên kho số thì tiêu chí thế nào?", đại biểu Phương nêu ý kiến.

Về thời gian sở hữu chờ biển số chưa gắn với xe, đại biểu TP.Cần Thơ cho rằng chỉ nên quy định trong thời gian 6 tháng, quy định như 12 tháng hiện nay là hơi dài.

Về giá khởi điểm, đại biểu nhìn nhận nên có mức giá khởi điểm cho toàn quốc. Giá khởi điểm nên cao hơn hiện tại, có thể là khoảng 10% giá trị xe, trung bình khoảng 80 triệu. Bởi muốn có biển số theo nhu cầu thì phải trả giá cao hơn.

Đấu giá biển xe ô tô: ĐBQH băn khoăn có công bằng với người dân muốn biển số đẹp nhưng không có tiền đấu giá? - Ảnh 3.

Đại biểu Dương Ngọc Hải - Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM phát biểu tại phiên thảo luận tổ sáng 26/10. Ảnh: Quang Phúc

Cũng chung nhận định, đại biểu Dương Ngọc Hải (Đoàn ĐBQH TP.HCM) cho rằng, việc nhu cầu sở hữu biển số đẹp là thực tế tồn tại rất lâu của người dân, có khi biển số đẹp bằng giá trị của cả chiếc xe.

Đại biểu nêu ra 3 vấn đề cần nghiên cứu kỹ lưỡng là bảo đảm công bằng, tương thích pháp luật và bảo đảm an ninh, trật tự.

Trong đó, với vấn đề bảo đảm công bằng, đại biểu cho rằng nhiều người dân muốn sở hữu biến số đẹp nhưng không có tiền đấu giá, họ hy vọng khi cấp số ngẫu nhiên sẽ được biển số đẹp. Như vậy có bảo đảm công bằng hay không?

Ngoài ra, dự thảo Nghị quyết quy định quyền sở hữu tài sản (biển số đẹp) nhưng trong vòng 12 tháng phải gắn với xe, không được cho, tặng, thừa kế biển số là vấn đề không hợp lý.

Đại biểu cũng đề nghị rút ngắn thí điểm để sau thời gian thí điểm có quy định chính thức hoặc sửa đổi để bảo đảm tương thích với hệ thống pháp luật. Bên cạnh đó, quy định giá khởi điểm ở vùng 1, vùng 2 là không cần thiết, chưa phù hợp vì có nhiều loại biển số đẹp theo cấp độ khác nhau, không nên cào bằng giá khởi điểm.

Còn đại biểu Trần Hồng Thanh (Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình) nhất trí với tên gọi dự thảo Nghị quyết. Theo đại biểu, chúng ta có thể khai thí điểm trên toàn quốc là phù hợp.

Về mức giá, đại biểu cho rằng, việc phân chia giá khởi điểm khác nhau như TP.HCM, Hà Nội và các thành phố khác trong dự thảo là phù hợp. Đại biểu cũng đề nghị quy định rõ về mức trả giá, bước giá cho phù hợp. Đồng thời, đánh giá kỹ về quyền thừa kế.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem