ĐBQH lo ngành mía đường sụp đổ, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói gì?

Thanh Phong Thứ năm, ngày 07/11/2019 11:46 AM (GMT+7)
Sáng 07/11, tại phiên chất vấn Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh trả lời chất vấn của đại biểu Huỳnh Thanh Phương (Tây Ninh) về nguy cơ sụp đổ của ngành mía đường trong nước khi Hiệp định ATIGA chính thức có hiệu lực từ đầu 2020.
Bình luận 0

Cụ thể, theo đại biểu Huỳnh Thanh Phương, khi Hiệp định ATIGA có hiệu lực, hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đối với mặt hàng đường sẽ được xóa bỏ. Trong bối cảnh, các hành vi gian lận thương mại, buôn lậu đối với ngành đường không được kiểm soát tốt, năng lực doanh nghiệp chưa cải thiện, việc thực thi cam kết trên sẽ khiến ngành mía đường đứng trước bờ vực phá sản.

“Hạn ngạch thuế quan nhập khẩu mặt hàng đường sẽ được xoá bỏ kể từ ngày 1/1/2020 là thời điểm chính thức thực thi cam kết Hiệp định thương mại các nước trong khối Asean. Điều này dẫn đến lo ngại nguy cơ đường của các nước Asean sẽ tràn ngập và chiếm lĩnh thị trường Việt Nam.

Bên cạnh đó, các hành vi gian lận thương mại buôn lậu xuyên biên giới, nhập khẩu đường thô, đường lỏng thiếu kiểm soát. Các hạn chế yếu kém của ngành mía đường trong nước chưa được tháo gỡ một cách thấu đáo. Với phạm vi trách nhiệm của mình, Bộ trưởng có khuyến cáo gì để ổn định thị trường đường cũng như bảo vệ người nông dân trồng mía và doanh nghiệp mía đường trong nước nói riêng trước sân chơi hội nhập đầy thử thách này?” Đại biểu Huỳnh Thanh phương đặt vấn đề.

img

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh trả lời chất vấn trước Quốc hội sáng 07/11.

Trả lời nội dung chất vấn trên, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, Việt Nam là quốc gia cuối cùng của Asean thực hiện mở cửa thị trường cho các nước tham gia trong nội khối. Trong bối cảnh, ngành đường trong nước đang gặp rất nhiều khó khăn trước thềm hội nhập, Bộ trưởng Công Thương cho biết, cần phải tìm cách khắc phục, không thể trì hoãn việc mở cửa thị trường.

“Như ngày hôm qua, qua phần trả lời của Bộ trưởng NN&PTNT, chúng ta thấy thực tế năng lực cạnh tranh của ngành đường đang rất hạn chế do nhiều nguyên nhân cả chủ quan và khách quan. Chúng tôi cho rằng đây là nguyên nhân rất cơ bản, nếu như chúng ta không vượt qua khắc phục được những nguyên nhân chủ quan này, năng lực cạnh tranh của ngành đường sẽ tiếp tục còn kéo dài mức thấp và sẽ gây ra những hiệu quả hậu quả.” Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.

Theo đánh giá của Bộ trưởng Công thương, về nguyên nhân khách quan, năng lực cạnh tranh và lợi thế của của các nước như Thái Lan, Brazil, Trung Quốc Úc hay Ấn Độ… lớn hơn hẳn so với mía đường Việt. 

Bên cạnh đó, vấn đề về đường nhập lậu đang trở thành nguy cơ lớn với quy mô ngày càng gia tăng và được tổ chức tinh vi. Đây chính là trách nhiệm trong công tác quản lý nhà nước của lực lượng quản lý thị trường và của Bộ Công thương. 

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, cần sớm khắc phục những bất cập nêu trên, không thể kéo dài thời gian thực thi Hiệp định ATIGA, nếu không sẽ ảnh hưởng đến các cam kết trong lĩnh vực khác.

“Theo ý kiến của Hiệp hội mía đường và Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương đã tổng hợp và đã phân tích báo cáo với Thủ tướng Chính phủ. Sau đó, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chính thức cho lùi thời hạn  mở cửa thị trường mía đường  đến ngày 1/1/2020, nhưng khi thông báo cho Asean, các nước đều phản ứng rất mạnh mẽ. Thậm chí có nguy cơ họ sẽ tiếp tục phản ứng dưới hình thức trừng phạt hoặc rút lại những cam kết của mở cửa thị trường các lĩnh vực khác của họ đối với chúng ta.” Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.

Ngoài ra, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cam kết, để bảo vệ ngành mía đường khi hiệp định ATIGA có hiệu lực, sẽ có cơ chế áp thuế phòng vệ thương mại nếu các sản phẩm nhập khẩu có dấu hiệu gây ảnh hưởng tiêu cực cho sản xuất trong nước.

“Chính phủ đã thống nhất tiếp tục thực hiện quyết định mở cửa thị trường thị trường đường vào ngày 1/1/2020. Tuy nhiên, trong quá trình hội nhập thì còn có cơ chế, những công cụ pháp lý để đảm bảo bảo vệ được kế hoạch sản xuất trong nước, phòng vệ thương mại.

Nếu như trong một thời điểm sau khi mở cửa thị trường, các mặt hàng đường nhập khẩu nhập vào Việt Nam mà gây ra đe doạ nghiêm trọng đến ngành sản xuất trong nước và lợi ích của người dân trong nước, chúng ta có quyền quyền áp dụng cơ chế phòng vệ áp thuế tự vệ cho các sản phẩm nhập khẩu để bảo vệ các ngành sản xuất trong nước.” Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định.

“Chúng tôi cam kết với Quốc hội sẽ phối hợp chặt chẽ với Hiệp hội mía đường, Bộ NN&PTNT và các chủ thể trong  ngành công nghiệp mía đường để có những giải pháp cụ thể và kịp thời. Trong đó, có cả đấu tranh chống buôn lậu, ngăn chặn nhập khẩu đường gian lận vào Việt Nam cũng như bảo vệ bằng các biện pháp pháp lý cho ngành sản xuất nước.” Bộ trưởng Trần Tuấn Anh thông tin thêm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem