Để đất nước phát triển hùng cường: Bao giờ mới có nghị quyết về nhân tài?

Thành An Thứ sáu, ngày 29/01/2021 07:24 AM (GMT+7)
GS.TSKH Phan Xuân Sơn, Viện Chính trị (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng, nếu sau Đại hội, vấn đề người tài được chuyển thành một chính sách, nghị quyết riêng thì sẽ đáp ứng được cái chúng ta gọi là "khát vọng hùng cường của dân tộc".
Bình luận 0

Chưa có chính sách, nghị quyết về người tài

Đại hội XIII của Đảng đang diễn ra tại Hà Nội. Mỗi kỳ Đại hội Đảng đều có hai nhiệm vụ chính trị quan trọng: Một là xây dựng Văn kiện để làm đường lối lãnh đạo cho cả nhiệm kỳ; hai là bầu ra Ban Chấp hành Trung ương, cơ quan lãnh đạo cao nhất giữa hai kỳ đại hội.

Nếu sau Đại hội, vấn đề người tài được chuyển thành một chính sách, nghị quyết riêng thì sẽ đáp ứng được cái chúng ta gọi là "khát vọng hùng cường của dân tộc", bởi "khát vọng hùng cường mở ra một không gian, môi trường sinh thái cho sự sáng tạo của các cá nhân, cộng đồng, tổ chức, phá hết những cản trở kìm hãm sự sáng tạo của con người Việt Nam, thì lúc này sẽ tạo cơ hội cho người tài xuất hiện và cống hiến".

Chia sẻ với báo Dân Việt, GS.TSKH Phan Xuân Sơn, Viện Chính trị (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng, cả hai nhiệm vụ đều quan trọng, nhưng từ thực tiễn đất nước 5 năm qua kỳ vọng nhất là Đại hội XIII sẽ bầu chọn được những cán bộ chiến lược thực sự xứng đáng về đức, về tài vào Ban Chấp hành Trung ương. Đặc biệt, Đại hội XIII của Đảng sẽ có những chuyển biến lớn trong việc tạo cơ hội cho người tài xuất hiện và công hiến.

Kỳ vọng Đại hội XIII có chính sách, nghị quyết về nhân tài giúp đất nước phát triển hùng cường - Ảnh 1.

GS.TSKH Phan Xuân Sơn, Viện Chính trị (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh).

Trong Dự thảo Văn kiện Đại hội XIII rất chú ý đến vấn đề bồi dưỡng nhân tài. Để định nghĩa được người tài là người như thế nào, GS Phan Xuân Sơn cho rằng, nếu đi vào ngữ nghĩa thì chỉ mang tính tương đối bởi người tài xuất hiện trong từng lĩnh vực, quy mô thường khác nhau. Song, người tài có một số đặc điểm sau. 

Thứ nhất, về tri thức phải hiểu biết rộng rãi, toàn diện các vấn đề để giải quyết được những vấn đề của mình và của cộng đồng đặt ra.

Thứ hai, về kỹ năng thao tác phải thành thạo những nhiệm vụ mình hoặc cộng đồng đặt ra; Thứ ba, về thái độ và đạo đức, phải là những người trong sáng, được cộng đồng chấp nhận và tôn vinh.

"Những người có tri thức và kỹ năng tốt nhưng đạo đức xấu, không được cộng đồng tôn trọng thì cũng không được coi là người tài mà chỉ là người có năng lực chuyên môn", GS Phan Xuân Sơn nói và tóm lại "người tài là người có khả năng giải quyết các nhiệm vụ mà cộng đồng, đất nước đặt ra một cách hiệu quả nhất, mang tính quy mô".

Khẳng định Việt Nam là đất nước có truyền thống trọng hiền tài, từ thế kỷ 16 ông Thân Nhân Trung đã nêu rõ "hiền tài là nguyên khí quốc gia" và bất cứ giai đoạn nào chúng ta luôn luôn nói đến người tài, song GS.TSKH Phan Xuân Sơn cho rằng, đến nay chưa có một chính sách, nghị quyết nào nói về bồi dưỡng, trọng dụng nhân tài và hiện nay việc này cũng có những lúng túng nhất định.

"Vì tài, năng lực, phẩm chất, trí tuệ nó tương đối giống và lẫn vào nhau. Đơn cử như người tài với cán bộ cấp chiến lược (được nêu ra trong Nghị quyết 26) hay người tài với giới tinh hoa, người tài với lãnh đạo cấp cao, người tài với những nhà khoa học lớn… Cho nên, trước mắt tôi đề nghị hiểu một cách đơn giản như tôi vừa nêu", GS.TSKH Phan Xuân Sơn nói.

Kỳ vọng có chuyển biến mới về chính sách dành cho người tài

Bày tỏ vui mừng bởi hiện nay trong Dự thảo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng bắt đầu chú ý đến việc xây dựng và trọng dụng người tài, GS.TSKH Phan Xuân Sơn mong muốn:

Nếu sau Đại hội, vấn đề người tài được chuyển thành một chính sách, nghị quyết riêng thì sẽ đáp ứng được cái chúng ta gọi là "khát vọng hùng cường của dân tộc", bởi "khát vọng hùng cường mở ra một không gian, môi trường sinh thái cho sự sáng tạo của các cá nhân, cộng đồng, tổ chức, phá hết những cản trở kìm hãm sự sáng tạo của con người Việt Nam, thì lúc này sẽ tạo cơ hội cho người tài xuất hiện và cống hiến".

"Tôi kỳ vọng rằng sau Đại hội XIII sẽ có những chuyển biến lớn về việc này", GS.TSKH Phan Xuân Sơn nhấn mạnh.

Kỳ vọng Đại hội XIII có chính sách, nghị quyết về nhân tài giúp đất nước phát triển hùng cường - Ảnh 3.

PGS.TS Lê Minh Thông, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội.

Nêu ý kiến về vấn đề trên, PGS.TS Lê Minh Thông, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội lưu ý, "đừng trừu tượng hóa nhân tài, vẽ nhân tài là người có đầy đủ áo, mũ, ô và mọi thứ thì rất khó. Hãy quan niệm nhân tài ở từng cấp độ khác nhau để trân trọng và bồi dưỡng từng người".

Theo PGS.TS Lê Minh Thông, nhân tài tùy thời điểm, có thể rơi rụng, có những người hôm nay là nhân tài, ngày mai không còn là nhân tài nữa thì cũng là chuyện bình thường. Ví dụ "Muốn có 1 cầu thủ tài năng là phải tốn kém, phải nâng niu, bồi dưỡng từ bé. Nhân tài là tốn kém nhưng mang lại hiệu quả. Đừng có bảo bỏ bao nhiêu tiền mãi chả được gì. Đầu tư nhân tài là đầu tư rủi ro".

Nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cũng chia sẻ, tôi có cảm giác giới trẻ, những người có tài không thích vào khu vực công và cho rằng trong khu vực công đang có nhiều bất ổn về chế độ đãi ngộ, môi trường làm việc và uy tín thấp. Điển hình như hàng loạt vụ bê bối diễn ra, từ cấp cơ sở trở lên, rồi tiêu cực, tham nhũng… tình trạng nhiều công chức "sáng cắp ô đi, tối cắp ô về", hoạt động không hiệu quả...

"Nhân tài vào làm việc để cống hiến, không phải để bị sai vặt, pha trà rót nước nhưng thực tế ít được giao việc vì các "bề trên" ngồi đó cả rồi, các cháu phải đợi các chú về mới đến lượt", PGS.TS Lê Minh Thông cho hay.

Đáng chú ý, PGS,TS Lê Minh Thông cho biết, các nước xem công chức nhà nước là tinh hoa, vào công chức là vô cùng vinh dự. Cho nên, để thu hút nhân tài, phải đổi mới cơ chế chính sách, "làm sạch" bộ máy để người ta thấy vào khu vực công có thể nỗ lực, cống hiến.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem