Đề nghị trả lại vốn đầu tư công: Cần làm rõ cụ thể dự án nào và vì sao xin hoàn trả?

28/07/2020 16:40 GMT+7
Tiến độ giải ngân của các bộ ngành chậm, đặc biệt có 2 đơn vị gửi văn bản đến Bộ Tài chính xin được trả hơn 1.808 tỷ đồng vốn đầu tư công khiến cho dư luận và xã hội cảm thấy rất khó hiểu.

Trong bối cảnh kinh tế đất nước tăng trưởng thấp so những năm trước đây, người dân đang khó khăn về thu nhập do hậu quả Covid-19 gây ra thì đầu tư công là một trong những cứu cánh quan trọng để giúp Việt Nam vượt qua khó khăn, giúp giải quyết việc làm, tạo thu nhập, góp phần tăng trưởng. Tuy nhiên, tiến độ giải ngân của các bộ ngành chậm, đặc biệt có 2 đơn vị gửi văn bản đến Bộ Tài chính xin được trả hơn 1.808 tỷ đồng vốn đầu tư công khiến cho dư luận và xã hội cảm thấy rất khó hiểu.

Đề nghị trả lại vốn đầu tư công: Cần làm rõ cụ thể dự án nào và vì sao xin hoàn trả? - Ảnh 1.

Giải ngân vốn đầu tư công vẫn rất thấp.

2 đơn vị đề nghị hoàn trả vốn đầu tư công

Bộ Tài chính vừa có văn bản báo cáo Thủ tướng về tình hình và tiến độ giải ngân vốn đầu tư công của các bộ ngành trong nửa đầu năm 2020. Đáng chú ý, theo báo cáo này còn tới 34 bộ ngành và 7 địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp dưới 20%. Trong đó, có 10 bộ ngành có tỷ lệ giải ngân chỉ đạt dưới 5%.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, một số cơ quan trung ương đến nay vẫn chưa giải ngân được bất kỳ đồng vốn đầu tư công nào (0%) như Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Ủy ban Quản lý vốn doanh nghiệp Nhà nước...

Nhiều đơn vị cũng mới chỉ giải ngân được dưới 1% vốn đầu tư công trong 6 tháng đầu năm như Đại học Quốc gia TP. HCM, Đài Truyền hình Việt Nam… Bên cạnh đó, có 46 bộ, ngành và địa phương có tỷ lệ thanh toán kế hoạch vốn đầu tư công năm nay trên 30%, bao gồm: Liên minh Hợp tác xã Việt Nam với tỷ lệ 100%, Hội Nhà văn 93,59%, tỉnh Hưng Yên 62%, Ngân hàng Phát triển Việt Nam 61%...

Theo Bộ Tài chính, nguyên nhân khiến giải ngân vốn đầu tư công thấp hiện nay là do phân bổ vốn chậm, dù hết 6 tháng nhưng có đơn vị chưa phân bổ vốn kế hoạch cho năm 2020. Bên cạnh đó, vướng mắc về cơ chế, chính sách đền bù giải phóng mặt bằng đã làm chậm tiến độ các dự án. Dịch Covid-19 cũng ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ giải ngân vốn.

Đặc biệt, theo Bộ Tài chính, đã có 2 đơn vị gửi văn bản đến Bộ Tài chính xin được trả hơn 1.808 tỷ đồng vốn đầu tư công. Đây là số vốn vay nước ngoài mà Chính phủ đã giao và Bộ không có nhu cầu sử dụng.

Trong văn bản của Bộ NN&PTNT gửi Bộ Tài chính mới đây, tổng vốn kế hoạch năm 2020 của bộ này được Thủ tướng giao là 3.600 tỷ đồng thực hiện 25 dự án ODA. Tuy nhiên, căn cứ vào hiệp định vay, thỏa ước với các nhà tài trợ, kế hoạch vốn vay 2020 có thể giải ngân đến ngày 31/1/2021 của 25 dự án trên chỉ khoảng 1.830 tỷ đồng.

Số vốn kế hoạch vốn vay nước ngoài thừa, không sử dụng là hơn 1.800 tỷ đồng. Bộ NN&PTNT đã đề nghị Thủ tướng điều chuyển số vốn này sang cho các bộ, ngành và địa phương khác. Tuy nhiên, đến nay, đề nghị này vẫn chưa được giải quyết.

Ngoài ra, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước đã có công văn gửi Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và đầu tư đề nghị hoàn trả ngân sách nhà nước 1,6 tỷ đồng vốn kế hoạch được giao.

Đề nghị trả lại vốn đầu tư công: Cần làm rõ cụ thể dự án nào và vì sao xin hoàn trả? - Ảnh 2.

PGS., TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế - tài chính cấp cao Học viện Tài chính

Phải giải trình cho những dự án cụ thể nếu muốn hoàn trả vốn

Trao đổi với Dân Việt liên quan đến vấn đề này, PGS., TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế - tài chính cấp cao Học viện Tài chính cho rằng, đối với trường hợp các đơn vị xin trả lại vốn đầu tư công, nguồn vốn này được trả lại ở những công trình, dự án cụ thể nào? Đây là câu chuyện mà cơ quan có thẩm quyền cần xem xét cẩn trọng.

"Trong thời điểm Chính phủ cần các Bộ, ngành cần giải ngân đầu tư công nhằm giải quyết việc làm, tạo thu nhập, góp phần tăng trưởng cho đất nước, thì những trường hợp xin trả lại vốn là là khó hiểu. Thế nhưng, không nhất thiết chúng ta cần giải ngân bằng mọi giá. Đặc biệt là những dự án có thể không có hiệu quả, có thời gian ngừng nghỉ tương đối lâu dài; quá trình thực hiện gặp nhiều khó khăn… Vậy nên, việc có đơn vị xin trả lại tiền vốn là cần thiết để tránh thất thoát, lãng phí thêm", ông Thịnh cho hay.

Tuy nhiên, để trả lại vốn, Cơ quan quản lý nhà nước cũng như Chính phủ phải yêu cầu đơn vị hoàn trả giải trình cho từng dự án cụ thể. Tại sao dự án này tiến hành chậm? không dùng vốn mà xin hoàn lại cho nhà nước? Phương án xử lý vấn đề của từng dự án ra sao?...

Đặc biệt với những công trình đã đầu tư hàng nghìn tỷ trước đó, cần xem xét ai sẽ là người chịu trách nhiệm? Đến đâu? Như thế nào? Ngay cả với những trường hợp đã được phê duyệt rồi nhưng chưa khởi công, bây giờ không muốn khởi công cũng cần phải có lí do cụ thể.

TS. Đinh Trọng Thịnh nhận định, trường hợp các doanh nghiệp trả lại vốn, lập tức cơ quan chức năng phải tìm kiếm những dự án khác thay thế để xem xét phê duyệt theo quy trình, cấp vốn từ số vốn trả lại, sẽ hạn chế được những việc tương tự và nâng cao hiệu quả của sử dụng nguồn vốn.

Ngoài ra, không loại trừ câu chuyện địa phương hay cơ quan ban ngành trước đây vẽ dự án để từ đó xin vốn đầu tư công.

"Có dự án sẽ có công ăn việc làm, có tăng trưởng về kinh tế. Song, trong thời điểm "nhạy cảm" hiện tại, người ta sợ rằng nếu triển khai sẽ phát sinh nhiều vấn đề như hiệu quả không có, tính mù mờ về mục tiêu, có dấu hỏi về năng lực… Vì thế để đáp ứng được về nhu cầu giải ngân, đơn vị chọn cách hoàn trả lại vốn hoặc treo dự án tiếp tục nằm chờ", Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh nói.

Tương tự, Tiến sĩ Cấn Văn Lực hiện là Cố vấn cấp cao Chủ tịch HĐQT (Hàm Phó TGĐ) Ngân hàng BIDV kiêm Giám đốc Trường Đào tạo BIDV cho biết, việc phân bổ vốn ban đầu của Chính phủ cho các dự án  thừa so với nhu cầu mà cơ quan chủ quản cần, do đó, vấn đề có đơn vị xin trả lại vốn đầu tư công là chuyện bình thường. Hiện nay, trong thời điểm ngân sách, nguồn vốn đầu tư bị giảm, việc trả lại vốn đầu tư công này còn giúp Chính phủ có thêm nguồn tiền cho những dự án khác được triển khai.

"Lý do giải ngân vốn chậm lâu nay đã được bàn luận rất nhiều, Bộ Kế hoạch và Đầu Tư cũng đã đưa ra 9 nguyên nhân, song song với đó Thủ tướng cũng đã chỉ đạo rất cụ thể. Đây là câu chuyện về cơ chế, chính sách nên không thể thực hiện trong ngày 1, ngày 2", ông Lực nhận định.

PGS.,TS. Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam: Nền kinh tế sẽ hồi sinh rất cao nếu được bươm " dòng máu" đầu tư công

Trong bối cảnh nguồn vốn đầu tư khu vực tư nhân giảm sút, việc phấn đấu giải ngân hết nguồn lực đầu tư công trong năm 2020 sẽ góp phần quan trọng kích cầu đầu tư xã hội, duy trì đà tăng trưởng của nền kinh tế. Nếu giải ngân được, khu vực doanh nghiệp và nền kinh tế hồi sinh rất cao.

"Mấy trăm nghìn tỷ đồng vốn đầu tư công hiện chưa giải ngân, nếu bơm được "dòng máu" này vào nền kinh tế, sẽ hỗ trợ rất nhiều cho xã hội, doanh nghiệp và toàn bộ nền kinh tế, thúc đẩy sản xuất", PGS.,TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh.

Tiến sĩ Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh: Những lý do gì khiến doanh nghiệp xin trả lại vốn?

Việc các đơn vị giải ngân chậm hay xin trả lại vốn đầu tư công, đứng về mặt logic có 3 khả năng có thể xảy ra bao gồm: Một là đứng về mặt kinh tế không đáng làm.

Hai là nguồn lực đang bị chi phối, cơ quan chủ quản đang tập trung vào những việc khác có lợi ích lớn hơn, quan trọng hơn. Tuy nhiên, khả năng này không cao lắm bởi giai đoạn này giải ngân vốn đầu tư công là việc cần thiết để bơm tiền vào cứu DN, tạo công ăn việc làm cho người dân.

Cuối cùng, thủ tục, quy trình quá tốn kém về mặt thời gian, nhiều công trình đã được đầu tư lâu, lạc hậu, nếu muốn tiếp tục tiến hành cần nghiên cứu phương án, kế hoạch dài kỳ, lúc này, dự án có thể xem như là phải bắt đầu lại từ đầu.

Do đó, chúng ta không nên trách vì sao lại giải ngân chậm, vì sao lại đề nghị trả vốn. Tùy vào từng dự án cụ thể với đầy đủ thông tin mới có thể biết rõ được lý do vì sao đơn vị lại có quyết định như vậy, vì mọi vướng mắc ở từng công trình không giống nhau.

Quang Dân
Cùng chuyên mục