Loạt "ông lớn" ngân hàng vào cuộc hỗ trợ kinh tế: Các lĩnh vực nào được ưu tiên rót tiền?
Luật hóa Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh rằng, năm 2025 là giai đoạn cần tăng tốc, đột phá trong điều hành tín dụng. Định hướng tăng trưởng tín dụng được đặt ở mức 16%, với sự điều chỉnh linh hoạt theo diễn biến lạm phát và nhu cầu thực tế. Một trong những trọng tâm là khai thác các động lực tăng trưởng, đặc biệt là hỗ trợ DN nhỏ và vừa, tín dụng tiêu dùng và tín dụng xanh.
Bên cạnh đó, người đứng đầu ngành ngân hàng cũng đặt mục tiêu đảm bảo ổn định lãi suất và tỉ giá trong bối cảnh chính sách thương mại của Hoa Kỳ có nhiều thay đổi. Để giảm áp lực lãi suất, lãnh đạo NHNN cho rằng, các ngân hàng cần rà soát, tiết giảm chi phí hoạt động, đồng thời tìm kiếm giải pháp thúc đẩy dòng vốn vào nền kinh tế một cách hiệu quả.
![](https://i.ex-cdn.com/danviet.vn/files/news/2025/02/14/toancanh2-17394506677171248645742-171443.jpg)
Riêng về nợ xấu, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cảnh báo đây là vấn đề cần hết sức chú ý. Do đó, cần khẩn trương luật hóa Nghị quyết 42 để có cơ chế xử lý triệt để, đồng thời đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại. NHNN cũng đang nghiên cứu các giải pháp nâng cao tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR), tối ưu hóa quy trình cấp tín dụng và đẩy mạnh chuyển đổi số.
Để hỗ trợ ngành ngân hàng đạt mục tiêu tăng trưởng đột phá trong năm 2025, các ngân hàng kiến nghị Chính phủ và NHNN xem xét một số giải pháp như: Bổ sung vốn điều lệ cho ngân hàng thương mại nhà nước: Agribank đề xuất cấp thêm 10.000 tỷ đồng/năm để duy trì tăng trưởng tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn và các dự án trọng điểm.
Lo ngại "mắc kẹt" trong vòng xoáy nợ xấu nên các ngân hàng đều đồng tình với quan điểm cần Luật hóa Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu. Từ đó, có cơ chế pháp lý rõ ràng hơn để xử lý tài sản đảm bảo, thu hồi nợ xấu hiệu quả.
Tại hội nghị, hầu hết các ngân hàng muốn tham gia thúc đẩy tín dụng xanh, nhưng cũng kỳ vọng cơ quan quản lý cần sớm ban hành tiêu chí phân loại dự án xanh để ngân hàng có căn cứ cấp vốn, đồng thời thu hút nguồn vốn quốc tế.
Bên cạnh đó, để triển khai các sản phẩm tín dụng số một cách thuận lợi hơn, các ngân hàng cũng đề nghị hoàn thiện cơ sở dữ liệu tài chính số, có cơ chế chia sẻ dữ liệu dân cư.
Loạt ngân hàng "vào cuộc" hỗ trợ nền kinh tế đạt mức tăng trưởng GDP từ 8%
Tại cuộc họp, ông Phan Đức Tú, Chủ tịch HĐQT BIDV đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng từ 15 – 16%, triển khai 17 gói tín dụng trị giá hơn 1 triệu tỷ đồng "rót" vào các lĩnh vực ưu tiên như công nghiệp chế biến, nông nghiệp công nghệ cao, năng lượng và kinh tế số. Đáng chú ý, ngân hàng này cũng dẫn đầu trong tín dụng xanh với dư nợ hơn 83.000 tỷ đồng.
![](https://i.ex-cdn.com/danviet.vn/files/news/2025/02/14/bidv-tu1-173945074907728977686-171634.jpg)
Còn ông Nguyễn Thanh Tùng, Chủ tịch HĐQT Vietcombank cho hay: Với tổng tài sản vượt 2 triệu tỷ đồng, lợi nhuận dẫn đầu ngành, ngân hàng này tiếp tục duy trì tỷ lệ nợ xấu dưới 1% và tỷ lệ dự phòng bao phủ nợ xấu cao nhất hệ thống (227%).
Đáng chú ý, ông Tùng cho biết, Vietcombank chính thức nhận chuyển giao Ngân hàng Xây dựng từ ngày 17/10/2024, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để đảm bảo hoạt động của ngân hàng này diễn ra an toàn, liên tục.
"Đây là một bước đi quan trọng trong quá trình tái cơ cấu hệ thống tài chính, góp phần củng cố sự ổn định của thị trường ngân hàng", ông Tùng đề cập.
![](https://i.ex-cdn.com/danviet.vn/files/news/2025/02/14/thanhtungvcb1-17394508346382050247246-171659.jpg)
Trong khi đó, ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch HĐQT TPBank khẳng định: TPBank tiếp tục tài trợ mạnh mẽ cho các dự án BOT giao thông, với tổng dư nợ tín dụng đạt gần 8.000 tỷ đồng. Đồng thời, ngân hàng này cũng tham gia vào chương trình tín dụng xanh và nhà ở xã hội, với cam kết tài trợ 5.000 tỷ đồng trong năm 2025.
Người đứng đầu TPBank chia sẻ: Ngân hàng luôn có chủ trương 3 giảm là: Giảm lãi suất cho vay (trong năm 2024, TPBank đã giảm khoảng 1.900 tỷ cho khoảng 92.000 khách hàng trên tổng dư nợ 183.000 tỷ để hỗ trợ nền kinh tế, hỗ trợ các doanh nghiệp (DN); giảm thủ tục, áp dụng đơn giản hóa các thủ tục; giảm các quy trình nội bộ chưa phù hợp và áp dụng công nghệ sử dụng dữ liệu lớn để ngân hàng ứng dụng có thể đánh giá... Với chiến lược 3 giảm, TPBank vẫn tăng trưởng tín dụng cao, đi đôi với kiểm soát nợ xấu ở mức 1,4%.
"Các ngân hàng nhìn chung có ý thức đồng hành và sẵn sàng chia sẻ những khó khăn DN. Với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, quyết tâm của ngành, đồng thời nền kinh tế đã có bước vào một giai đoạn hồi phục thì tôi nghĩ chắc chắn là có thể tăng trưởng tín dụng 16% như NHNN đặt ra hoàn toàn khả thi", ông Đỗ Minh Phú nói.
Còn ông Trần Minh Bình, Chủ tịch HĐQT VietinBank khẳng định sẽ tập trung vào chiến lược chuyển đổi số, nâng cao chất lượng tín dụng và kiểm soát rủi ro. Chủ tịch Vietinbank đề xuất Chính phủ giãn tiến độ thực hiện quy định nâng CAR nhằm đảm bảo dư địa tăng trưởng tín dụng mà không làm giảm tổng tài sản. Đồng thời, lãnh đạo VietinBank kiến nghị mở rộng hạn mức cho vay đối với các tập đoàn lớn, đặc biệt là các dự án BOT giao thông để có thêm những tuyến cao tốc mở ra không gian phát triển.
Hay như ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng Giám đốc VPBank nhấn mạnh vai trò hỗ trợ DN vừa và nhỏ, thúc đẩy tăng trưởng xanh và tiết kiệm năng lượng. Tuy nhiên, ngân hàng này cũng bày tỏ quan ngại về những khó khăn trong thủ tục pháp lý đối với các dự án bất động sản, vốn là một trong những ngành quan trọng của nền kinh tế.
"Cần có thêm chính sách hữu hiệu tháo gỡ vướng mắc pháp lý để khơi thông dòng vốn cho thị trường bất động sản, giúp tăng trưởng tín dụng hiệu quả hơn", đại diện VPBank nhấn mạnh.