Để tiếng Việt như rừng...

Phạm Quang Vinh Thứ năm, ngày 01/02/2024 09:59 AM (GMT+7)
Nếu nhìn rộng ra một chút, chừng chục năm nay, chúng ta đã quá quen với việc các trường Đại học, các cơ quan công quyền, các cơ quan truyền thông chủ chốt, các doanh nghiệp hàng đầu sở hữu nhà nước… sử dụng tên gọi, biển hiệu tiếng Anh như thể chúng ta là một nước nói tiếng Anh vậy.
Bình luận 0


Mười mấy năm trước, khi con trai bắt đầu đi học, tôi đã rất băn khoăn trong việc lựa chọn môi trường học tập thích hợp cho con mình. Cá nhân tôi tin rằng, trẻ em không chỉ cần có một môi trường giáo dục đủ thoải mái và tôn trọng sự sáng tạo, mà quan trọng hơn, tôi nghĩ cần thông thạo tiếng Việt và hiểu biết tốt về văn hoá Việt Nam. Tôi tin, điều đó là tối cần thiết cho một người Việt trưởng thành.

Sau nhiều trải nghiệm với các trường công và trường tư, rốt cuộc, con tôi vào học ở một trường quốc tế. Và sau đó, cháu tiếp tục học ở các trường quốc tế khác nhau ở Việt Nam và nước ngoài, và hoàn thành việc học tập cho đến bậc thạc sĩ, ở các trường phổ thông và đại học nước ngoài.

Điều khiến tôi có chút hài lòng với mình là con có được vốn tiếng Việt khá phong phú, thành thạo, ở mức độ có thể viết các bài báo trong lĩnh vực của cậu ấy, cho báo chí Việt Nam.

Trong rất nhiều năm, từ những cuộc nói chuyện trong bữa sáng và bữa tối ở nhà, các cuộc gọi khi cháu đi học xa, cá nhân tôi luôn tìm kiếm từ ngữ thuần Việt để sử dụng trong giao tiếp. Cho dù cả gia đình chúng tôi đều là những người nói tiếng Anh thành thạo, ngôn ngữ giao tiếp hàng ngày vẫn luôn là tiếng Việt.

Tất nhiên, sẽ vẫn có những lúc chúng tôi cần sử dụng tiếng nước ngoài khi nói về một khái niệm, sự kiện, hình ảnh nào đó mà tiếng Việt chưa có hoặc khó để diễn tả chính xác thứ cần nói đến.

Trong thời gian các con tôi đi học, dù là lúc ở Việt Nam hay nước ngoài, tôi duy trì việc viết thư hàng tuần, gửi qua email cho con mình, bằng tiếng Việt. Và như một thứ tự nhiên, các con tôi cũng viết thư trả lời bằng tiếng Việt. Những bức thư như vậy cho phép các con tôi thực hành tiếng Việt trong ngôn ngữ viết, và tôi có thể hỗ trợ con mình sử dụng tiếng Việt tốt dần lên.

Nhiều năm làm việc trong các môi trường quốc tế khác nhau, tôi hiểu và chia sẻ với nhiều người về sự cần thiết của việc tiếp cận nhiều hơn, sử dụng tốt hơn các ngôn ngữ phổ biến trên thế giới như tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Trung Quốc, tiếng Nga, tiếng Tây Ban Nha…

Nhưng cũng từ môi trường quốc tế ấy, tôi nhận thấy, điều quan trọng nhất, là có đủ thông điệp, nội dung để diễn đạt, có căn cốt để làm nền tảng, có hiểu biết tốt về lĩnh vực chuyên môn để chia sẻ,… tức là cần có nền tảng tốt về hiểu biết, văn hoá và ngôn ngữ mẹ đẻ.

Những thành công ban đầu của một số ít những người có cơ hội tiếp cận tốt với các cơ hội thời mở cửa nhờ giao tiếp qua ngôn ngữ nước ngoài, vô hình trung, đã trở thành một sự kích thích cho việc học ngoại ngữ. Nhưng cũng chính “phong trào” ấy đã dẫn đến một hệ luỵ khác, khi chúng ta đặt việc học một ngoại ngữ nào đó lên cao quá, mà gần đây, là sự làm dụng thái quá việc học tiếng Anh chẳng hạn.

Thật khó hình dung việc các trường Đại học, Cao đẳng và thậm chí, trường THCS và THPT lấy chứng nhận tiếng Anh của nước ngoài như IELTS làm một tiêu chí để tuyển thẳng sinh viên, học sinh.

Nhưng nếu nhìn rộng ra một chút, chừng chục năm nay, chúng ta đã quá quen với việc các trường Đại học, các cơ quan công quyền, các cơ quan truyền thông chủ chốt, các doanh nghiệp hàng đầu sở hữu nhà nước… sử dụng tên gọi, biển hiệu tiếng Anh như thể chúng ta là một nước nói tiếng Anh vậy.

Những ví dụ như thế rất phổ biển, có ở khắp mọi nơi. Và không khó hiểu khi không chỉ các gia đình Việt Nam đang phải chi hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm cho việc học, luyện thi và thi lấy chứng chỉ IELTS, mà còn là hàng triệu học sinh từ mọi cấp học đã lãng phí thời gian và công sức, thay vì để học những kiến thức phổ thông cần thiết, thì tập trung “cày” tiếng Anh.

Nhưng cũng từ nhiều năm nay, đặc biệt từ khi cơ chế tự chủ giáo dục đi vào thực tiễn, có rất ít nếu không nói là không có những nhà nghiên cứu, cơ sở giáo dục… đầu tư cho việc cập nhật, hình thành học liệu bằng tiếng Việt hay từ điển hoá các thuật ngữ khoa học bằng tiếng Việt.

Xu hướng sử dụng tiếng nước ngoài phổ biến đến mức, các bài báo dài trên nền tảng đa phương tiện cũng mặc nhiên được các cơ quan báo chí gọi luôn là bài Long form, không có từ tiếng Việt nào thay thế.

Ở mức độ nào đó, tôi đồng ý với nhiều người về những hạn chế hiện thời của tiếng Việt, ví dụ khi sử dụng cho các bối cảnh cụ thể đòi hỏi sự chính xác, đơn nghĩa, hoặc để mô tả các khái niệm về khoa học và công nghệ.

Trong nhiều trường hợp, sẽ cần phải “mượn” các khái niệm tiếng nước ngoài để diễn tả chính xác sự vật, hoàn cảnh, nhưng những điều này cũng hết sức bình thường trong thực trạng và sự phát triển của ngôn ngữ, kể cả tiếng Anh, là ngôn ngữ đang được sử dụng phổ biến hàng đầu.

Ví dụ, khi nói đến một vùng nước sâu giữa hai khe núi nối với biển, người ta đều sử dụng cách người Na Uy gọi nó là fjord, kể cả trong tiếng Anh, cũng thoải mái như cách chúng ta gọi cái ghi-đông hay cái líp xe đạp.

Những điểm yếu ấy của tiếng Việt, cũng như những điểm yếu ấy của bất kỳ ngôn ngữ nào khác, chỉ có thể tốt dần lên, khi chúng ta chăm chút, phát triển ngôn ngữ một cách nghiêm túc, không chỉ bằng cách kêu gọi thái độ đúng mực từ công chúng, mà còn là bằng những quy định và quy chuẩn của các cơ quan chính quyền, và những chính sách hiệu quả để phát triển ngôn ngữ.

Ví dụ, trong rất nhiều ngành và lĩnh vực, đã nhiều năm nay, không còn tồn tại hoạt động cập nhật các khái niệm, điển hoá các thuật ngữ chuyên môn. Ví dụ, sẽ cần những chính sách phù hợp khuyến khích việc phát triển các học liệu tiếng Việt để người Việt Nam có thể tiếp cận tốt hơn, rộng rãi hơn với văn minh thế giới bằng ngôn ngữ mẹ đẻ.

102 năm trước, khi việc chính quyền thực dân của Pháp áp đặt việc dạy tiếng Pháp làm ưu tiên, tháng 7/1922, cụ Phạm Quỳnh, khi đó là Tổng Thư ký Hội Khai trí Tiến đức, trong bài phát biểu về "Một vấn đề dân tộc giáo dục" trước Viện Hàn lâm khoa học Pháp, đã từng nói: "Dân tộc Việt Nam chúng tôi không thể ví như một tờ giấy trắng. Chúng tôi là một quyển sách dày đầy những chữ viết bằng một thứ mực không phai đã từ mấy mươi thế kỷ. Quyển sách ấy có thể đóng theo kiểu mới cho hợp với thời trang, nhưng không thể đem một thứ chữ ngoài in lên dòng chữ cũ. Vấn đề là phải giáo dục người Việt Nam thế nào cho vừa truyền được học thuật cao thượng đời nay, vừa không đến nỗi khiến chúng tôi mất giống, không còn quốc tính, để biến thành một dân tộc vô hồn, không còn có tinh thần đặc sắc gì nữa, như mấy thuộc địa cổ của Pháp kia".

Vẫn thường nghe nhiều người cho rằng, Việt Nam ta nhờ có chữ quốc ngữ do các nhà truyền giáo Bồ Đào Nha sáng tạo ra nên mới tiếp cận dễ dàng hơn với văn minh phương Tây, giao lưu tốt hơn với thế giới, sáng tạo hơn. Ngẫm lại đến thời nay, điều ấy có vẻ không đúng lắm, ví dụ với sự trỗi dậy của Nhật Bản và Hàn Quốc, ví dụ như việc các nhà sáng chế Trung Quốc đang nắm giữ nhiều hơn một phần tư, chính xác là khoảng 25,6% tổng số đơn sáng chế được nộp trên thế giới.

Nhưng cái mà những quốc gia Đông Á ấy có, là sự trân trọng và gìn giữ ngôn ngữ và bản sắc văn minh của mình. Ở khía cạnh này, có thể chính việc sử dụng ký tự tượng hình của họ là một thế mạnh, khi các khái niệm của phương Tây, kể cả khoa học kỹ thuật và công nghệ, đều được định nghĩa trong ngôn ngữ của mình, cả về chữ viết và cách gọi. Cho dù có mức độ hội nhập sâu sắc, mãnh liệt với thế giới, cả về kinh tế, công nghệ và văn hoá, ngôn ngữ, chữ viết và văn hoá bản địa là những thứ được chăm chút, phát triển mạnh mẽ, khẳng định được bản sắc của họ.

Việc thúc đẩy học ngoại ngữ để hiểu biết thế giới hơn tất nhiên là cần thiết. Nhưng sẽ là nguy hiểm và rất lãng phí nếu dồn toàn lực vào để học tập một loại ngôn ngữ (tiếng Anh).

Và sẽ nguy hiểm hơn, nếu vì thế, mà bỏ qua việc phát triển, bồi đắp cho tiếng Việt, ngôn ngữ mẹ đẻ của chúng ta.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem