Đề xuất thu phí khai thác dữ liệu dân cư cụ thể ra sao?

PV Thứ hai, ngày 02/07/2018 19:03 PM (GMT+7)
Trước khi UBND TP Hà Nội đề xuất thu giá dịch vụ đối với việc cung cấp, chia sẻ các dữ liệu dân cư, Bộ Tài chính cũng đã đề xuất phí khai thác dữ liệu chi tiết dân cư là 800 đồng/thông tin về công dân.
Bình luận 0

Đó là một phần trong Dự thảo Thông tư Quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí khai thác, sử dụng thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được Bộ Tài chính đưa ra lấy ý kiến từ tháng 10.2017.

Theo dự thảo này, người nộp phí là Cơ quan, tổ chức, cá nhân khi có văn bản yêu cầu khai thác, sử dụng thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và được sự đồng ý của cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì phải nộp phí theo quy định tại Thông tư này; trừ các trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 2 Điều 10 Luật căn cước công dân.

Đơn vị tổ chức thu phí gồm: Cục Cảnh sát đăng ký, quản lý cư trú và dữ liệu quốc gia về dân cư (C72) – Tổng cục Cảnh sát; Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Công an các quận, huyện thuộc thành phố trực thuộc Trung ương; Công an các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.


img

Bộ Tài chính cũng đã đề xuất mức thu phí khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư

Đáng lưu ý, Điều 4 của dự thảo đề nghị Mức thu phí và hình thức nộp phí như sau:

1. Mức thu phí khai thác, sử dụng thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư như sau:

a) Khai thác dữ liệu tổng hợp dân cư

- Báo cáo thống kê tổng hợp dữ liệu dân cư cấp tỉnh, thành phố: 250.000 đồng/báo cáo.

- Báo cáo thống kê tổng hợp dữ liệu dân cư cấp quận, huyện: 200.000 đồng/báo cáo.

- Báo cáo thống kê tổng hợp dữ liệu dân cư cấp xã, phường, thị trấn: 150.000 đồng/báo cáo.

b) Khai thác dữ liệu chi tiết dân cư: 800 đồng/01 thông tin về công dân.

Căn cứ vào nhu cầu khai thác chi tiết dữ liệu dân cư, cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ quyết định và cho phép các tổ chức, cá nhân khai thác số lượng thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phù hợp với quy định của pháp luật và đảm bảo bí mật đời tư của công dân.

(Trong đó: Thông tin về công dân được thu thập, cập nhật vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được xác định gồm 15 thông tin cơ bản theo quy định tại khoản 1 Điều 9 Luật Căn cước công dân ngày 20 tháng 11 năm 2014)

c) Dịch vụ xác minh nhân thân: 10.000 đồng/bản.

2. Người nộp phí nộp phí bằng tiền mặt trực tiếp cho tổ chức thu phí hoặc chuyển khoản vào tài khoản của tổ chức thu phí mở tại Kho bạc Nhà nước khi được cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư cho phép khai thác thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.


img

Theo Bộ Tài chính, cơ sở pháp lý của việc xây dựng Thông tư là khoản 1 Điều 32 Luật Căn cước công dân quy định: Cơ quan, tổ chức, cá nhân khi khai thác, sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phải nộp phí theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí, trừ trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 2 Điều 10 của Luật này.

Bên cạnh đó, Danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật phí và lệ phí quy định: Phí khai thác và sử dụng thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Trong phần thuyết minh dự thảo, tính toán của BỘ Công an cho thấy chi phí cho một lần khai thác thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là 12.000 đồng (cung cấp đầy đủ 15 thông tin). Do đó, chi phí cung cấp 1 thông tin công dân là 800 đồng/1 lần. Bộ Công an dự kiến số tiền phí thu được trong 1 năm là 38.556.000.000 đồng.

img

Dự thảo Thông tư đã được đăng công khai để lấy ý kiến đóng góp

Dự thảo Thông tư đã được đăng công khai trên Cổng thông tin Điện tử Chính phủ và Cổng thông tin Bộ Tài chính.

Chiều 2.7, ở trang có dự thảo Thông tư ở Cổng thông tin Điện tử Chính phủ cho biết đã hết hạn lấy ý kiến đóng góp, phía dưới có dòng chữ “Hiện chưa có góp ý nào cho dự thảo văn bản này”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem