Deepfake: Từ sáng tạo tới mối nguy hiểm của công nghệ siêu làm giả

04/08/2019 19:00 GMT+7
Chỉ mới xuất hiện vào năm 2017 nhưng cho đến nay, Deepfake được coi là thứ vũ khí nguy hiểm bậc nhất khi được các đối tượng có mục đích xấu sử dụng để tạo ra các video giả có nội dung khiêu dâm hoặc để tạo ra tin tức giả và những trò lừa đảo độc hại.

Nghĩa gốc của thuật ngữ "Deepfake" là sự kết hợp giữa "deep learning" (học sâu) và "fake" (giả tạo).

Thủ đoạn “chế tạo” video giả ngày càng tinh vi

Theo The New York Times, Deepfake được dịch nôm na là công nghệ “siêu làm giả” cho phép ghép khuôn mặt của một người này sang cho một người khác trong video với độ chính xác khá cao. Chính vì điều này, deepfake được nhận định là bước tiến nâng cấp của trí tuệ nhân tạo (AI), đồng thời cũng đem tới mối nguy hại và “cao cấp” hơn cả fake news (tin tức giả). Với việc sử dụng các thuật toán Machine Learning (Học máy), deepfake có thể cho phép người dùng chỉnh sửa nội dung đã được văn bản hóa của video để thêm, xóa hoặc thay đổi các từ phát ra từ miệng của người nói trong video.

Deepfake chỉ thực sự được mọi người biết đến khi vào cuối năm 2017, một người dùng trên Reddit sử dụng tên này để công bố một loạt video ghép mặt các diễn viên nổi tiếng như Scarlett Johansson hay Gal Gadot vào cơ thể của những diễn viên  đóng các bộ phim người lớn.

Những video “siêu làm giả” này nhanh chóng chịu “gạch đá” phản đối của người dùng. Các trang mạng xã hội như Reddit hay Twitter đều có động thái ngăn chặn và cấm cửa hàng loạt các bài viết chia sẻ những video deepfake.

Mặc cho những ngăn chặn đó, deepfake vẫn được lan ra với tốc độ chóng mặt bởi những đối tượng có mục đích xấu. Không những vậy, những sản phẩm công nghệ này ngày càng giống thật, khiến các chuyên gia công nghệ cũng khó phân biệt được thật giả. Càng ngày, deepfake càng được chỉnh sửa với nhiều biến thể khác nhau và nạn nhân của nó cũng đa dạng hơn rất nhiều. Không chỉ dừng lại ở các nội dụng phản cảm, Deepfake mang lại hậu quả khó lường khi được sử dụng với mục đích xấu trong chính trị.

Trong phiên điều trần trước Hạ viện Mỹ mới đây về deepfake, Adam Schiff – đại diện của đảng Dân chủ ở Mỹ đã cảnh báo rằng công nghệ này sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng đến việc bầu cử tổng thống Mỹ vào năm 2020. “Những video giả mạo được thực hiện bởi AI là mối đe dọa an ninh quốc gia, chúng ta cần chống lại nó”, ông Adam Schiff nói.

Giọng nói và khuôn miệng của Jordan Peele được sửa để ghép vào video của cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama (Ảnh: BuzzFeed).

Trước đó, năm 2018, trên mạng xuất hiện đoạn video cho thấy một người giống với cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama sử dụng những lời lẽ không hay để chỉ trích đương kim Tổng thống Donald Trump. Video này ngay sau đó đã được lan truyền nhanh chóng và đánh lừa hàng triệu người dùng trên mạng xã hội. Được biết, đoạn video giả này là sản phẩm của BuzzFeed được đăng tải với mục đích cảnh báo về nạn video giả tinh vi có thể khuynh đảo thế giới mạng, gây ra những tổn thất không thể lường trước.

Một đoạn video giả mạo tua chậm ghi lại tình trạng tiều tụy của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi (Ảnh: Crikey).

Mới đây nhất vào tháng 5 năm nay, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi bị trở thành “nạn nhân” của deepfake với những video phát tán sai lệch về sức khỏe. Đoạn video giả mạo được chỉnh sửa chậm lại khoảng 75% tốc độ ban đầu và được điều chỉnh để tạo cảm giác bà Chủ tịch Hạ viện không được khỏe khi phát biểu. Được biết, đoạn video xuyên tạc này được lấy từ một video gốc ghi lại sự xuất hiện của bà Pelosi tại một sự kiện của Trung tâm vì sự tiến bộ của Mỹ.

Một đoạn video bị chỉnh sửa khác của bà Nancy Pelosi cũng được Tổng thống Trump chia sẻ trên tài khoản Twitter. Trong đoạn video được ông Trump chia sẻ, các phát biểu của bà Pelosi tại một cuộc họp báo cũng bị cắt ghép để gây ấn tượng rằng bà đang không ổn.

Các vụ phát tán video sai lệch nhắm về các chính trị gia nổi tiếng đã làm dấy lên lo ngại về nguy cơ tiềm tàng của công nghệ deepfake, khi việc sử dụng trí thông minh nhân tạo bị lạm dụng để sửa đổi các video cho những mục đích xấu.

Nan giải trận chiến chống “nạn Deepfake”

Trước những nguy cơ từ Deepfake, vào tháng 8 năm ngoái, các nhà nghiên cứu tại Cơ quan Chỉ đạo các dự án nghiên cứu quốc phòng tiên tiến (DARPA) thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ đã cho ra mắt công cụ cho phép nhận diện video sử dụng công nghệ ghép mặt bằng cách phân tích quang phổ hoặc ánh sáng của bức ảnh để nhận ra những điểm khác biệt. Tuy nhiên, các nhà khoa học phát minh ra công cụ này cũng thừa nhận họ vẫn phải liên tục phát triển để chạy đua với những kỹ thuật làm giả mới nhất.

Công nghệ làm giả hình ảnh và video phát triển ngày càng nhanh chóng và trở thành công cụ được các đối tượng xấu lợi dụng. Điều này khiến cho các chuyên gia công nghệ cũng phải “đau đầu” tìm hướng giải quyết trong cuộc chiến chống “nạn deepfakes” diễn ra tinh vi và tràn lan trên các ứng dụng smartphone và mạng xã hội.

Jeffrey McGregor, CEO Truepic – startup về công nghệ xác minh hình ảnh nhận định, chưa đầy một năm tới, chúng ta sẽ chứng kiến các hình ảnh, video không thể phân biệt được thật – giả.

Nhằm ngăn chặn vấn nạn công nghệ siêu làm giả, Truepic đang nghiên cứu hợp tác với Qualcomm để đưa công nghệ của mình vào phần cứng điện thoại. Công nghệ sẽ tự động đánh dấu ảnh và videp khi chúng được chụp và quay bằng dữ liệu thời gian, địa điểm để xác minh về sau. Truepic cũng cung cấp ứng dụng miễn phí để người dùng xác minh ảnh chụp trên smartphone.

Dù vậy, trong bối cảnh những kỹ thuật làm giả ngày càng phát triển, các chuyên gia công nghệ cũng phải tiếp tục phát triển các công cụ nhận diện nhằm đối với những chiêu trò giả mạo nhất.

Mặc dù cho đến nay, các nền tảng mạng xã hội như Facebook chưa có chính sách rõ ràng đối với Deepfake nhưng các nền tảng trực tuyến này vẫn đang nỗ lực trong quá trình ngăn chặn thông tin giả mạo, thao túng dư luận và việc đảm bảo quyền tự do ngôn luận của người dùng.

Không chỉ có các chính trị gia hay những diễn viên nổi tiếng bị trở thành trò đùa của deepfake, CEO Mark Zuckerberg cũng trở thành nạn nhân với phát ngôn tiêu cực về Facebook (Ảnh: Washington Post).

Trong cuộc trả lời phỏng vấn khi tham gia Liên hoan ý tưởng công nghệ Aspen, Colorado hồi cuối tháng 6, CEO Mark Zuckerberg cho biết Facebook đang trong giai đoạn xác định xem liệu có cần tách biệt video sử dụng công nghệ deepfake ra khỏi khái niệm “tin giả” nói chung hay không. Đồng thời, Zuckerberg cũng cho biết sẽ dùng một chính sách riêng để đối phó với tình trạng này. Một chính sách khác biệt so với những gì đã được áp dụng trong các trường hợp thông tin trực tuyến giả mạo thường thấy.

Thu Trà
Cùng chuyên mục