Đến 2025 chuỗi Long Châu, Pharmacity và An Khang có thể lên đến 7.300 cửa hàng

21/03/2023 08:53 GMT+7
Báo cáo thường niên của Dược Hậu Giang ước tính, tổng số nhà thuốc của ba chuỗi bán lẻ lớn gồm Long Châu, Pharmacity và An Khang có thể lên đến 7.300 cửa hàng vào năm 2025, tương đương 16% thị phần.

Doanh nghiệp ngành Dược Việt: Thị trường manh mún, quy mô nhỏ lẻ và năng lực tài chính khá yếu

Tại Báo cáo thường niên năm 2022, Công ty CP Dược Hậu Giang (DHG) đã có những phân tích tổng quan về ngành dược Việt Nam cũng như triển vọng của ngành trong năm nay.

Việt Nam là quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh chóng, thu nhập ngày càng tăng cao và người dân ngày càng quan tâm đến các dịch vụ y tế. Cùng với đó, nỗ lực của Chính phủ khiến cho dịch vụ chăm sóc sức khỏe dễ dàng tiếp cận hơn với giá cả phải chăng là những động lực chính thúc đẩy tăng trưởng của ngành dược Việt Nam.

Việt Nam được tổ chức IQVIA xếp vào nhóm Pharmerging Market – nhóm 17 nước có tốc độ tăng trưởng ngành dược phẩm cao nhất toàn cầu. Nhóm Pharmerging Market được phân thành 3 nhóm nhỏ, Việt Nam xếp vào nhóm thứ 3 gồm 12 quốc gia – với mức tăng trưởng 14%, Việt Nam chỉ xếp sau Argentina, Pakistan.

Theo báo cáo Quý III/2022 của IQVIA, giá trị thị trường dược phẩm Việt Nam đạt 177.348 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ. Trong đó, kênh Pharmacy tăng trưởng 28%, chiếm tỷ trọng 66% và kênh Hospital tăng trưởng 7%, chiếm tỷ trọng 34%. Kênh Pharmacy đã gia tăng thị phần đáng kể từ kênh Hospital do các bệnh viện công thận trọng hơn trong hoạt động đấu thầu thuốc.

Chuỗi Long Châu, Pharmacity và An Khang có thể lên đến 7.300 cửa hàng trong năm 2025 - Ảnh 1.

Bức tranh kinh doanh của các doanh nghiệp dược Việt Nam năm 2022 tươi sáng và lạc quan hơn với trên 80% doanh nghiệp có sự tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận. Các doanh nghiệp dược đã gia tăng chi tiêu cho hoạt động nghiên cứu phát triển sản phẩm, đầu tư xây dựng phòng thí nghiệm phục vụ nghiên cứu thuốc và tăng cường chuyển giao công nghệ sản xuất nguyên liệu (mua bằng phát minh, sáng chế, hợp tác, …). Đây cũng là năm các doanh nghiệp dược tăng tốc trong cuộc đua nâng cấp và xây dựng nhà máy theo tiêu chuẩn quốc tế. Điển hình như, DHG Pharma khởi công xây dựng Nhà máy Betalactam đạt tiêu chuẩn Japan-GMP/EU-GMP, Dược Cửu Long đầu tư Dự án Nhà máy Dược phẩm theo tiêu chuẩn EU-GMP, nhà máy IMP4 của IMP đã nhận được chứng nhận EU-GMP. Việc xây dựng các nhà máy đạt tiêu chuẩn cao hứa hẹn sẽ gia tăng khả năng cạnh tranh cho nhiều doanh nghiệp dược nội địa tại những gói thầu có giá trị cao.

Ngoài ra, các chuỗi nhà thuốc hiện đại cũng có sự tăng trưởng mạnh mẽ cả về số lượng lẫn chất lượng khi chiếm thêm thị phần từ các hiệu thuốc truyền thống do Chính phủ đưa ra các quy định khắt khe hơn đối với các nhà bán lẻ dược phẩm, thuốc kê đơn và triển khai hình thức đơn thuốc điện tử và nhu cầu tiêu thụ đối với các sản phẩm vitamin, thực phẩm chức năng, sản phẩm chăm sóc cá nhân, dược mỹ phẩm ngày càng cao. Theo kế hoạch, tổng số nhà thuốc của ba chuỗi bán lẻ lớn gồm Long Châu, Pharmacity và An Khang có thể lên đến 7.300 cửa hàng trong năm 2025, tương đương 16% thị phần.

Tuy nhiên, ngành dược Việt Nam năm 2022 vẫn còn phụ thuộc nhiều vào các nhà cung cấp nguyên liệu nước ngoài, nhất là từ Trung Quốc và Ấn Độ.

Theo Tổng Cục Hải quan, kim ngạch nhập khẩu nguyên phụ liệu dược phẩm đạt 461 triệu USD, tăng 9,9% so với năm trước. Kim ngạch nhập khẩu dược phẩm về Việt Nam năm 2022 đạt 3,5 tỷ USD, giảm 11% so với cùng kỳ. Thị trường cung cấp dược phẩm tương đối phong phú, trong đó các doanh nghiệp nhập khẩu chủ yếu từ Pháp, Mỹ, Đức, Ấn Độ và Bỉ.

Thị trường dược phẩm Việt Nam là một thị trường tiềm năng với tỷ lệ tăng trưởng cao khoảng 10% - 12% mỗi năm và tiềm năng lớn để phát triển thêm các sản phẩm và dịch vụ mới. Điều này mang đến cơ hội cho các công ty dược phẩm trong nước mở rộng thị trường và phát triển sản phẩm mới để đáp ứng nhu cầu khách hàng.

Điểm yếu của doanh nghiệp trong nước chính là thị trường manh mún, quy mô nhỏ lẻ và năng lực tài chính khá yếu. Khả năng tăng đầu tư vào nghiên cứu và trang bị công nghệ sản xuất bị hạn chế, khó khăn trong đầu tư dự án quy mô lớn, trong việc mua các bản quyền sở hữu trí tuệ về dược, thiếu đội ngũ nhân sự chất lượng cao phục vụ công tác nghiên cứu phát triển sản phẩm. 

Phần lớn các doanh nghiệp nội địa đều tập trung sản xuất các loại thuốc thông dụng, trong khi đó các loại thuốc chuyên khoa, đặc trị, đòi hỏi công nghệ bào chế hiện đại lại không được quan tâm. Từ đó gây nên tình trạng sản xuất chồng chéo, tranh giành phân khúc thị trường nhỏ của đại đa số những doanh nghiệp trong nước. Phân khúc thuốc chuyên khoa, đặc trị với chất lượng cao hoàn toàn do các doanh nghiệp nước ngoại thống lĩnh.

Tăng trưởng doanh thu kênh Pharmacy có thể sẽ chững lại 

IQVIA dự báo đến năm 2025, thị trường dược phẩm thế giới đạt 1,7 nghìn tỷ USD (theo giá nhà sản xuất). Fitch Solutions ước tính doanh thu từ dược phẩm trong nước sẽ đạt 169,4 ngàn tỷ đồng vào năm 2023 và 216,4 ngàn tỷ đồng vào năm 2026.

Động lực tăng trưởng của ngành dược trong dài hạn là nhân khẩu học cả nước, sự đầu tư của các công ty dược phẩm đa quốc gia, mở rộng bảo hiểm y tế và thu nhập bình quân đầu người tăng lên. 

Đầu tiên, đối với nhân khẩu học cả nước, số người trên 60 tuổi ngày càng gia tăng, các vấn đề về sức khỏe sẽ xuất hiện nhiều và nhu cầu sử dụng các sản phẩm thuốc đối với người cao tuổi sẽ cao hơn đối với người ở độ tuổi lao động.

Thứ hai, các tên tuổi hàng đầu trong ngành dược phẩm quốc tế đã đầu tư vào hầu hết các doanh nghiệp dược phẩm nội địa trong những năm gần đây và các hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) này dự kiến sẽ tiếp tục diễn ra sôi nổi trong tương lai.

Chuỗi Long Châu, Pharmacity và An Khang có thể lên đến 7.300 cửa hàng trong năm 2025 - Ảnh 3.

Nguồn WHO và Fitch Solutions

Thứ ba, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế tính đến 31/12/2022 đạt 92% dân số và đặt mục tiêu đạt 95% vào năm 2025. Cuối cùng, theo Fitch Solutions, chi tiêu bình quân đầu người dành cho dược phẩm có xu hướng tăng lên từ mức 1,5 triệu đồng năm 2021 lên 2,1 triệu đồng vào năm 2026, tương đương với mức tăng trưởng kép 7,8% trong vòng 5 năm tới, chiếm tỷ trọng trung bình 5% thu nhập bình quân đầu người mỗi năm.

Trong năm 2023, tăng trưởng doanh thu kênh Pharmacy được dự báo sẽ chững lại do dịch bệnh Covid-19 đã lắng xuống nên nhu cầu tiêu thụ tại kênh này không còn tăng đột biến như trước, Chính phủ đang nỗ lực khơi thông kênh Hospital, sự phát triển nhanh chóng của thuốc biệt dược gốc, thuốc generics đã được cấp giấy phép sản xuất và mở rộng độ bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân thúc đẩy tăng trưởng kênh Hospital.

Về cơ cấu, thuốc kê đơn được kỳ vọng sẽ chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong tổng doanh số dược phẩm trong những năm tới, nhờ nhu cầu chữa bệnh tăng cao, việc triển khai bảo hiểm y tế quốc gia, thu nhập tăng, cơ sở hạ tầng chăm sóc sức khỏe tốt hơn và sự phát triển của thuốc gốc.

Về lĩnh vực điều trị, nhu cầu đối với hai nhóm sản phẩm tăng cường hệ miễn dịch, tăng sức đề kháng và điều trị, hỗ trợ điều trị ung thư có xu hướng gia tăng lớn nhất trong tối thiểu một năm tới. Trong khi đó, nhóm sản phẩm vaccine và chống đông máu có xu hướng gia tăng thấp hơn.

Theo Khảo sát của Vietnam Report, Top 3 chiến lược mà doanh nghiệp dược dự kiến sẽ tập trung trong giai đoạn bình thường tiếp theo bao gồm: (1) Nghiên cứu các sản phẩm thuốc mới, phát triển các sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên; (2) Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhân sự chất lượng cao; (3) Đầu tư mở rộng dây chuyền sản xuất thuốc đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Nguồn cung hoạt chất (API) và tá dược vẫn là một vấn đề đáng quan ngại trong năm 2023. Trên 70% API được sử dụng sản xuất thuốc tại Việt Nam có nguồn gốc từ Trung Quốc, quốc gia đã mở cửa trở lại nhưng sẽ mất không ít thời gian để các hoạt động trở lại bình thường như trước nên tình trạng thiếu hàng vẫn có thể xảy ra. Cuộc chiến Nga – Ukraine vẫn đang tiếp diễn nên nguồn hàng nhập khẩu từ Châu Âu có nguy cơ bị thiếu hụt.


An Vũ
Cùng chuyên mục