ĐHĐCĐ Ladophar: Điều chỉnh kế hoạch lợi nhuận năm, tiến tới mục tiêu “dựng lại tượng đài ngành dược”
Sáng 6/5/2022, Công ty CP Dược Lâm Đồng (Ladophar, HNX: LDP) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2022.
Mặc dù chịu ảnh hưởng không nhỏ bởi đại dịch Covid, song kết quả doanh thu của Ladophar vẫn có những điểm sáng tích cực. Bước sang năm 2022, công ty đặt mục tiêu tiếp tục gia tăng doanh thu, ổn định lợi nhuận và đầu tư nghiên cứu, sản xuất các sản phẩm mới nhằm tạo đà phát triển bền vững trong tương lai.
Tại kỳ họp, Ladophar đã thông qua các tờ trình liên quan đến báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021; Kết quả kinh doanh năm 2021; Kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2022; Thù lao HĐQT, BKS năm 2021 và dự kiến 2022; Thông qua tờ trình lựa chọn đơn vị kiểm toán Báo cáo tài chính năm 2022; Tờ trình danh sách ứng viên HĐQT/BKS; Tờ trình về việc thông qua việc góp vốn vào công ty TNHH MTV Nước giải khát thảo dược Ladophar; Tờ trình về việc bổ sung ngành nghề kinh doanh.
Chấm dứt chuỗi thua lỗ liên tiếp trước đó
Kết quả năm 2021 doanh thu Ladophar đạt 161,9 tỷ đồng, giảm 36% so với năm trước, tương ứng mức giảm 90,9 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu hàng thương mại giảm 49%, tương đương mức giảm 84,5 tỷ đồng; doanh thu hàng sản xuất giảm 8%, tương ứng mức giảm 6 tỷ đồng.
So với kế hoạch 2021, doanh thu đạt 55%; hàng sản xuất đạt 57%, tương ứng mức đạt 72,6 tỷ đồng; Hàng thương mại chưa đạt như kỳ vọng, doanh số hàng thương mại đạt 53%, tương ứng mức đạt 87,4 tỷ đồng.
Mặc dù chưa hoàn thành kế hoạch năm 2021, song quý IV năm 2021 lại là quý có kết quả kinh doanh ấn tượng của Ladophar, với lãi ròng cao kỷ lục hơn 55 tỷ đồng, chấm dứt chuỗi 6 quý liên tiếp thua lỗ trước đó. Với kết quả lợi nhuận sau thuế và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của Ladophar tại ngày 31/12/2021 là số dương nên Ladophar chính thức được Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đưa ra khỏi diện bị cảnh báo kể từ từ ngày 22/3/2022.
Mục tiêu 2022: Doanh thu tăng trưởng 271%
Trước đó hồi tháng giữa tháng 1/2022, tại đại hội cổ đông bất thường năm 2021, Ladophar đã đặt mục tiêu doanh thu thuần năm 2022 đạt 760 tỷ đồng, tăng 475% so với 2021, lợi nhuận trước thuế đạt 38 tỷ, tăng 86%.
Lý giải vì sao mục tiêu năm 2022 doanh thu giảm xuống, ông Nguyễn Mai Long, Tổng giám đốc Ladophar cho biết, hiện thị trường chứng khoán đang biến động mạnh, nguồn vốn từ các nhà đầu tư đang chậm lại... theo đó Công ty đã điều chỉnh mục tiêu để phù hợp với thực tế. Tuy nhiên, mức điều chỉnh này cũng đã gấp 4 lần so với thực hiện năm 2021.
Xây dựng nhà máy đạt tiêu chuẩn Japan – GMP, bảo tồn nguồn gen quý
Với mục tiêu “dựng lại tượng đài ngành dược”, Ladophar lên kế hoạch phát triển thương hiệu tại thị trường Việt Nam và từng bước mở rộng, đưa sản phẩm tiếp cận thị trường quốc tế.
Trong năm 2022, Ladophar giới thiệu các dòng sản phẩm hướng tới phân khúc khách hàng là trẻ em, người làm việc có cường độ cao và người lớn tuổi với nước uống thảo dược bổ sung vitamin, nước detox thanh lọc cơ thể, sâm tăng cường sinh lực… Các sản phẩm y tế, mỹ phẩm từ dược liệu: nước súc miệng thảo mộc, khẩu trang thảo dược, gel rửa tay, kem chống nắng thảo dược, mỹ phẩm từ actiso… cũng được phát triển theo tiêu chí xanh, chất lượng và bền vững.
Bên cạnh các sản phẩm dược liệu chất lượng cao đã được công nhận, công ty sẽ phát triển các dòng sản phẩm mới gần gũi, tiện dụng hơn, thích hợp cho việc bồi bổ sức khoẻ hàng ngày như nước đóng lon, kẹo, thạch… Tập trung phát triển mạnh thương hiệu Ladophar Care và dòng sản phẩm nước giải khát tiến tới cung cấp ra thị trường sản phẩm có nguồn gốc từ thảo dược mang tính đột phá và cạnh tranh cao.
Nhằm cụ thể hóa chiến lược đa dạng danh mục sản phẩm, Ladopar sẽ ra mắt trung tâm bảo tồn dược liệu và nghiên cứu trồng các dược liệu sạch, đáp ứng mọi tiêu chuẩn nghiêm ngặt của quốc tế. Đặc biệt, Trung tâm bảo tồn Cankina tại Xuân Thọ với vai trò lưu trữ nguồn gen quý sẽ được triển khai xây dựng.
Để đáp ứng việc tăng sản lượng tiêu thụ trong nước cũng như xuất khẩu, Ladophar sẽ di dời nhà máy sản xuất Ngô Quyền về khu công nghiệp Phú Hội để thuận tiện cho việc tập trung sản xuất theo dây chuyền. Công ty tiếp tục đầu tư máy móc, thiết bị, đồng thời xây dựng thêm một trung tâm nghiên cứu và phát triển sản phẩm Ladophar tại TP. HCM để nhân rộng sản phẩm có chất lượng trên toàn quốc.
Đồng thời, Ladophar sẽ xúc tiến xây dựng nhà máy đạt tiêu chuẩn Japan – GMP nhằm sản xuất thuốc đạt tiêu chuẩn Nhật Bản, mở rộng cơ hội xuất khẩu sang các quốc gia, thị trường khó tính khác.
Bên cạnh thị trường đã khai thác tại Hàn Quốc, Ladophar sẽ tiếp cận các thị trường mới tại châu Âu và châu Mỹ. Các hoạt động marketing, truyền thông nhằm gia tăng nhận biết thương hiệu, sản phẩm thông qua các hội chợ xúc tiến thương mại trong và ngoài nước; bán hàng tại các gian hàng trực tuyến, website thương mại điện tử,.. sẽ được tích cực thực hiện.
Ngoài ra, nhận thức rõ quá trình phát triển của Ladophar cần gắn liền với nền tảng vững chắc từ vùng nguyên liệu tại Lâm Đồng và các tỉnh Tây Nguyên, công ty đã có rất nhiều chương trình đồng hành cùng địa phương. Các hoạt động thiện nguyện như: trồng cây gây rừng, gây quỹ ủng hộ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, thăm và phụng dưỡng các bà mẹ Việt Nam Anh hùng, trao học bổng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại địa phương,… đã và đang được triển khai thường xuyên.
Tại phiên thảo luận, trả lời câu hỏi của cổ đông về việc nguyên Chủ tịch Ladophar Đỗ Thành Nhân bị bắt vì hành vi Thao túng thị trường chứng khoán, ông Nguyễn Mai Long - Tổng Giám đốc Ladophar khẳng định, việc ông Nhân bị liên đới là hoạt động cá nhân của ông Đỗ Thành Nhân không liên quan đến các hoạt động kinh doanh của Ladophar.
"Những hoạt động của ông Đỗ Thành Nhân không liên quan đến Louis nói chung và của Ladophar nói riêng. Vì thế các hoạt động kinh doanh của công ty vẫn hoạt động bình thường. Thậm chí, chúng tôi sẽ quyết tâm mạnh mẽ hơn trong thời gian tới để xóa đi nghi ngờ, và chứng minh cho các đối tác, cổ đông thấy, việc hợp tác với Ladophar là đúng đắn", ông Nguyễn Mai Long nói.