Dệt may TNG: Doanh thu 6 tháng vượt 4.000 tỷ, hoàn thành 50% kế hoạch năm

Linh Anh
01/07/2025 15:44 GMT +7
CTCP Đầu tư và Thương mại TNG (HNX: TNG) đã công bố kết quả kinh doanh sơ bộ 6 tháng đầu năm 2025 với doanh thu ước đạt 4.073 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước, thực hiện 50% kế hoạch năm.

Như vậy, riêng tháng 6, doanh thu đạt 970 tỷ đồng, gấp đôi tháng 1-2. Đây cũng là mức doanh thu cao nhất trong 4 năm trở lại đây theo chu kỳ bán niên, tăng 26% so với 6 tháng đầu 2021.

Tăng trưởng của Dệt may TNG diễn ra trong bối cảnh ngành dệt may Việt Nam ghi nhận dấu hiệu khởi sắc. Kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đạt khoảng 17,8 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm, tăng 10% so với cùng kỳ.

Riêng tháng 5/2025, con số lên tới 3,84 tỷ USD, mức cao nhất từng ghi nhận trong các tháng 5.

Trích ảnh chụp màn hình website TNG.

Giữa đà hồi phục, Dệt may TNG liên tục đẩy mạnh sản xuất và mở rộng quy mô. Các đơn hàng xuất khẩu đã lấp đầy kế hoạch sản xuất đến quý 4/2025, trong đó thị trường châu Âu chiếm 50%, Mỹ 26% và Nga 10%.

Doanh nghiệp dự kiến mở thêm 10 chuyền may và tuyển mới 1.000 lao động, đồng thời ưu tiên các đơn hàng kỹ thuật cao để cải thiện biên lợi nhuận.

Trong diễn biến liên quan, Dệt may TNG phê duyệt chủ trương vay tối đa 1.200 tỷ đồng từ BIDV - Chi nhánh Thái Nguyên nhằm bổ sung vốn lưu động và tài trợ thương mại trong năm 2025. Trước đó, Công ty đã hoàn tất đợt huy động trái phiếu trị giá 400 tỷ đồng vào cuối năm 2024, chủ yếu từ các nhà đầu tư tổ chức.

Tại cuộc họp ngày 27/06, HĐQT đã thông qua việc chấm dứt hoạt động Chi nhánh May Phú Bình 4 từ ngày 01/07/2025, do thay đổi định hướng và phương án kinh doanh. Chi nhánh này sẽ được sáp nhập vào Chi nhánh May Phú Bình 3. Trước thời điểm này, TNG có tổng cộng 20 chi nhánh, trong đó riêng địa bàn xã Phú Bình có 4 nhà máy may, sau thay đổi còn lại 3.

Tại báo cáo của nhóm phân tích của Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (MASVN) cho biết, các thị trường quan trọng của ngành dệt may Việt Nam có nhiều khả năng sẽ tiếp tục vững chắc tăng trưởng vào năm 2025 này, trong đó GDP của Mỹ được dự báo tăng 2,3%; dự báo châu Âu (EU) tăng 1%; Dự báo Nhật Bản tăng 1,2% và Dự báo Trung Quốc tăng 4,5%. Đây là yếu tố hỗ trợ cho nhu cầu tiêu thụ hàng dệt may nước ta.

Tuy nhiên, ngành dệt cũng có thể phải đối mặt với nhiều khó khăn, công thức nhỏ bởi các biến số vĩ mô là vô cùng khó đoán. Song song với bất ổn địa chính trị xoay quanh cuộc chiến Nga - Ukraine và Israel - Hamas, một trong những rủi ro lớn nhất chính là thương chiến Mỹ - Trung 2.0.

Ngay sau khi nhậm chức, chính quyền Tổng thống Trump đã công bố loạt biện pháp thuế quan mới vào Trung Quốc, Canada và Mexico, cũng như kế hoạch áp dụng "thuế quan có đi lại" cho nhiều quốc gia khác.

Dù vậy, may mắn là, chính quyền ông Trump vẫn mở các kênh đàm phán, với thời hạn chuẩn bị kéo dài 180 ngày, tạo cơ hội để doanh nghiệp nước ta tận dụng dư địa chính sách, điều chỉnh chiến lược xuất khẩu cho phù hợp, thậm chí tránh được mức thuế cao.