Di chuyển 7.000 lít dầu siêu độc ra khỏi di sản vịnh Hạ Long

Hoàng Anh Tuấn Thứ ba, ngày 07/10/2014 15:44 PM (GMT+7)
Dưới sự giám sát của đại diện các cơ quan chức năng của Bộ Tài nguyên - Môi trường và tỉnh Quảng Ninh, sáng nay (7.10), Công ty TNHH Xi măng Holcim Việt Nam đã tiến hành vận chuyển lô dầu nhiễm PCB của Công ty CP Đầu tư Cửu Long từ cảng Cái Lân về Nhà máy Xi măng Holcim Việt Nam tại Kiên Giang để xử lý.
Bình luận 0

Theo Bộ TNMT, trước đó Tổ giám sát vận chuyển lô dầu đã được thành lập theo Quyết định số 448/QĐ-TNMT ngày 23.9.2014 của Sở TN&MT tỉnh Quảng Ninh, các bên liên quan đã tiến hành kiểm tra và mở niêm phong hải quan tại cánh cửa 2 container chứa lô dầu và các thiết bị nhiễm PCB tại cảng Cái Lân theo đúng quy định.

img

img

Mỗi thùng dầu siêu độc đưa ra từ thùng container đều được kiểm tra, xử lý, lập biên bản cẩn thận.

 

Công ty TNHH Xi măng Holcim Việt Nam được Tổng cục Môi trường (Bộ TNMT) khẳng định (trong văn bản số 1792/TCMT-KSON ngày 16.9.2014) là đơn vị đã có giấy phép hành nghề quản lý chất thải nguy hại, có mã chất thải nguy hại là dầu thải chứa PCB do Bộ TNMT cấp. Tại cảng Cái Lân, đơn vị này đã chuyển toàn bộ số dầu nhiễm PCB chứa trong 34 phuy lên 2 xe tải vận chuyển về nhà máy của công ty ở Kiên Giang để xử lý.

Theo ông Hoàng Việt Dũng - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường thuộc Sở TM&MT Quảng Ninh thì toàn bộ thiết bị gồm thân máy biến thế và các bộ phận nhiễm PCB có trong 2 container được giữ nguyên. 2 container này được niêm phong kẹp chì theo đúng quy định của hải quan.

 

Theo biên bản giám sát được ký kết giữa các đơn vị liên quan, trong quá trình vận chuyển lô hàng về Nhà máy của Công ty TNHH Xi măng Holcim, công ty có trách nhiệm báo cáo liên tục về Tổng cục Môi trường; đồng thời chịu trách nhiệm hoàn toàn đối với các vấn đề phát sinh trong quá trình vận chuyển lô hàng trên theo đúng quy định của pháp luật. Phía Công ty CP Đầu tư Cửu Long có trách nhiệm liên hệ với các đơn vị có chức năng, tiến hành phân tích, đánh giá mức độ nhiễm PCB đối với toàn bộ các thiết bị còn lại trong 2 container theo đúng chỉ đạo của UBND tỉnh Quảng Ninh tại văn bản số 5210/UBND-MT ngày 19.9.2014.

Trước đó, Công ty CP Đầu tư Cửu Long và Công ty TNHH Xi măng Holcim Việt Nam đã ký kết Hợp đồng xử lý chất thải số 233/GECS/2014. Công ty TNHH Xi măng Holcim Việt Nam đã xây dựng phương án thu gom, vận chuyển dầu biến thế chứa PCB.

Trước khi chuyển về Kiên Giang, đã có một số ý kiến đề xuất các phương án bảo quản, xử lý số dầu có chứa PCB này như: Đưa về Nhà máy Xi măng Thành Công (ở huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương); chuyển về Nhà máy xử lý chất thải nguy hại của Công ty TNHH MTV Môi trường - TKV (xã Dương Huy, TP.Cẩm Phả) để bảo quản, xử lý. Cuối cùng, các cơ quan chức năng đã quyết định chuyển về Nhà máy của Công ty TNHH Xi măng Holcim ở Kiên Giang để xử lý.

Theo báo cáo của các cơ quan chức năng: Từ tháng 11.2007, Công ty CP Đầu tư Cửu Long Vinashin (nay là Công ty CP Đầu tư Cửu Long) có trụ sở tại TP.Hải Phòng nhập về một lô hàng thiết bị điện gồm các máy biến thế đã qua sử dụng tại Hàn Quốc. Sau khi lô hàng về đến cảng Cái Lân, qua kiểm tra, các cơ quan chức năng phát hiện một trong ba máy biến thế của lô hàng có chứa PCB trong dầu biến thế. Do PCB là chất thải nguy hiểm nên lô hàng này phải được tái xuất về nước xuất khẩu. Ngày 17.7.2008, UBND tỉnh có quyết định xử phạt vi phạm hành chính với Công ty CP Đầu tư Cửu Long Vinashin vì vi phạm luật bảo vệ môi trường và buộc phải tái xuất về nước xuất khẩu lô hàng nhiễm PCB nói trên. Tuy nhiên phía công ty này cho biết không thể tái xuất về Hàn Quốc do đối tác xuất khẩu không nhận lại.

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem