Dịch Covid-19 "cản đường" tiêm phòng vaccine bệnh viêm da nổi cục cho trâu bò

Trần Khánh Chủ nhật, ngày 03/10/2021 18:58 PM (GMT+7)
Thời gian qua, nhiều địa phương phải giãn cách xã hội do dịch Covid-19. Nỗ lực tiêm phòng vaccine bệnh viêm da nổi cục trâu bò bị hạn chế rất nhiều...
Bình luận 0

Mưa bão lại đang diễn biến phức tạp ở nhiều tỉnh, thành Đông Nam bộ. Người chăn nuôi càng phải chủ động nhiều biện pháp để bảo vệ tài sản của mình.

Khó hoàn thành tiêm phòng vaccine bệnh viêm da nổi cục trâu bò

Bà Trần Lê Na ở xã Thiện Hưng, huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước có 4 con bò đã bị nhiễm bệnh viêm da nổi cục hơn nửa tháng nay. Dù trước đó, bà thường xuyên phun thuốc để vệ sinh chuồng trại, nhưng 1 con bê 2 tháng tuổi vẫn bị chết.

Lâu nay, đàn bò của gia đình bà vốn chăn nuôi biệt lập, không chăn thả tập trung. Bò trưởng thành đã được tiêm phòng vaccine với nhiều loại bệnh.

"Nhưng bệnh viêm da nổi cục vẫn lây nhiễm, gây hại chóng vánh trên đàn vật nuôi nên gia đình không kịp trở tay" - bà Na nói.

Cán bộ thú y tiêm phòng vaccine cho đàn bò ở huyện Bù Đốp, Bình Phước. Ảnh: Trần Khánh

Cán bộ thú y tiêm phòng vaccine cho đàn bò ở huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước. Ảnh: Trần Khánh

Theo Phòng NNPTNT huyện Bù Đốp, thời gian qua, một số địa bàn phải giãn cách xã hội vì dịch Covid-19 nên nỗ lực tiêm phòng vaccine bệnh viêm da nổi cục trâu bò gặp rất nhiều khó khăn.

Việc tiêm phòng vaccine cho trâu bò phải thực hiện theo phương châm: Xã nào thực hiện ở xã đó. Bệnh lây lan nhanh song lực lượng thú y cấp xã chỉ có 1 người nên việc tiêm phòng vacnie bệnh viêm da nổi cục diễn ra khá chậm.

Như tại xã Thiện Hưng, số trâu bò được tiêm phòng vaccine chỉ trên 850 liều, mới đạt hơn một nửa so với tổng đàn 1.852 con.

Trên địa bàn toàn huyện Bù Đốp hiện có hơn 7.500 con. Huyện đang tiến hành tiêm vaccine với số lượng gần 4.400 liều.

Tại huyện Hàm Tân (tỉnh Bình Thuận), xã Tân Đức là địa phương đầu tiên công bố bệnh viêm da nổi cục hồi tháng 7 vừa qua. Đến nay, 9 xã, thị trấn còn lại của huyện Hàm Tân đều nhiễm bệnh.

Hộ bà Nguyễn Thị Lan ở thị trấn Tân Nghĩa (huyện Hàm Tân) nuôi 4 con bò theo phương thức nhốt chuồng.

Bà Lan kể, cách đây 1 tháng, con bò cái trong đàn bị nhiễm bệnh viêm da nổi cục. 1 tuần sau, con bò này lăn ra chết. Con bò con vừa mới sinh cũng chết theo bò mẹ. 1 con bò khác cũng đang bị bệnh, và nguy cơ chết là rất cao.

Theo bà Lan, do thiếu đội ngũ thú y cơ sở nên khi dịch bệnh xảy, người dân bị động. "Lực lượng thú y tư nhân thì mỏng và dàn trải, không thể bao quát hết công việc trong khi đàn trâu bò nhiễm bệnh liên tục gia tăng", bà Lan nói.

Ông Nguyễn Thành Thúc - Chi Cục phó Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Tây Ninh thì kể, việc tổ chức tiêm phòng và chữa trị cho đàn gia súc gặp khó khăn khi địa phương thực hiện giãn cách xã hội.

Nhiều nơi, lực lượng thú y bị hạn chế đi lại. Nông dân cũng không thể tự mình đi mua vaccine và thuốc điều trị. "Không chỉ bò thịt mà đàn bò sữa của nông hộ cũng bị uy hiếp", ông Thúc nói.

Chủ động bảo vệ đàn trâu bò

Theo Sở NNPTNT Tây Ninh, toàn tỉnh có gần 110.000 con trâu bò. Đến cuối tháng 9/2021, Tây Ninh đã tổ chức tiêm phòng gần 56.900 liều vaccine bệnh viêm da nổi cục. Trong đó có khoảng 40.170 liều trích mua từ nguồn ngân sách tỉnh.

Theo ông Nguyễn Thành Thúc, việc trông chờ nguồn vaccine trích mua từ ngân sách sẽ tốn nhiều thời gian.

Trong khi chi phí tiêm phòng vaccine không quá lớn (khoảng 35.000 đồng/liều) so với giá trị đàn gia súc (khoảng 15 triệu đồng/con bò).

Tiêm phong vaccine viêm da nổi cục trâu bò ở tỉnh Tây Ninh. Ảnh: Minh Dương

Tiêm phong vaccine viêm da nổi cục trâu bò ở tỉnh Tây Ninh. Ảnh: Minh Dương

Ông Thúc cho rằng, nỗ lực khống chế dịch bệnh, giảm thiểu thiệt hại kinh tế cần thêm sự chủ động nguồn vaccine từ phía người dân.

Ông Trác Xuân Cường - Phó Chủ tịch UBND huyện Hàm Tân (Bình Thuận) - cho biết: Chính quyền địa phương đã hỗ trợ 7.000 liều vaccine cho đàn trâu bò tại 10 xã, thị trấn. Ngoài ra, người dân cũng tự chủ động tiêm phòng gần 3.850 liều vaccine cho đàn gia súc của mình.

Theo ông Cường, viêm da nổi cục là loại dịch bệnh mới nên chưa có chính sách hỗ trợ riêng. Huyện Hàm Tân đang kiến nghị Sở NNPTNT tỉnh chi hỗ trợ cho người thiệt hại theo Nghị định 02 năm 2017 của Chính phủ, để bà con khôi phục sản xuất do thiên tai dịch bệnh.

"Chính quyền và người chăn nuô huyện Hàm Tân đang nỗ lực các biện pháp để đến cuối tháng 10 sẽ công bố hết dịch viêm da nổi cục trâu bò" - ông Cường cho biết.

Tiêm phòng viêm da nổi cục trên đàn trâu ở tỉnh Bình Phước. Ảnh: Trần Khánh

Tiêm phòng viêm da nổi cục trên đàn trâu ở tỉnh Bình Phước. Ảnh: Trần Khánh

Ông Trần Văn Phương – Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Bình Phước cho biết: Đến cuối tháng 9/2021, tỉnh đã tổ chức tiêm vaccine phòng bệnh được hơn 42.600 liều trên tổng số 46.300 liều theo kế hoạch.

Việc tiêm vaccine bệnh viêm da nổi cục được hỗ trợ miễn phí cho người chăn nuôi. Người dân cần chủ động phối hợp với lực lượng thú y ở cơ sở để tiêm phòng đầy đủ; từ đó sớm dập tắt bệnh viêm da nổi cục trên trâu bò.

Lúc này mưa lớn xảy ra trên diện rộng, càng tạo điều kiện tốt cho bệnh viêm da nổi cục phát triển.

"Bên cạnh việc tiêm phòng vaccine, người chăn nuôi cần chủ động các biện pháp an toàn dịch, không nên lơ là để dịch bệnh tiếp tục phát tán và gây thiệt hại kinh tế gia đình", ông Phương khuyến cáo.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem