Dịch COVID-19 sáng 24/5: “Bí quyết” nào giúp Nhật Bản kiểm soát dịch bệnh dù không phong tỏa?

Đức Sơn (Tổng hợp) Chủ nhật, ngày 24/05/2020 09:59 AM (GMT+7)
Tình trạng khẩn cấp do virus ở Nhật Bản sắp kết thúc khi các trường hợp nhiễm COVID-19 giảm dần chỉ còn vài chục ca nhiễm mới mỗi ngày. Đáng chú ý, Nhật Bản không áp dụng biện pháp phong tỏa hay cách ly xã hội.
Bình luận 0

Mời độc giả đón đọc bản tin tổng hợp về dịch bệnh COVID-19 vào lúc 10h và 20h hằng ngày, trên mục Tin tức trong ngày.

Bloomberg dẫn lời một số chuyên gia y tế cho hay, Nhật Bản đã phản ứng sớm với mối nguy dịch bệnh khi số ca nhiễm virus bắt đầu có dấu hiệu gia tăng. Đây là yếu tố quan trọng giúp Nhật Bản kiểm soát thành công dịch COVID-19.

Các chuyên gia y tế cho rằng, phản ứng nhanh với dịch bệnh là một trong những lợi thế của Nhật Bản trong cuộc chiến với COVID-19. Từ năm 2018, các trung tâm y tế tại Nhật Bản đã tuyển dụng hơn 25.000 nhân viên y tế có kinh nghiệm trong việc truy vết tiếp xúc. Trước khi dịch COVID-19 bùng phát, những người này có nhiệm vụ theo dõi tiếp xúc những ca bệnh hô hấp có nguy cơ lây lan cao như cúm hoặc lao.

Trong khi một số nước như Mỹ, Anh chỉ bắt đầu thuê và đào tạo các nhân viên y tế làm nhiệm vụ truy vết tiếp xúc khi muốn mở cửa lại kinh tế trong dịch COVID-19, Nhật Bản đã thực hiện điều này từ khi mới phát hiện ra những ca nhiễm virus đầu tiên trong cộng đồng. Thành quả của việc đó là đường cong lây nhiễm COVID-19 tại Nhật Bản đã được san phẳng. Số người tử vong vì virus tại Nhật Bản thấp hơn mốc 1.000 (thấp nhất trong 7 quốc gia có nền kinh tế phát triển nhất thế giới).

Tính đến 6h ngày 24/5, Việt Nam có tổng cộng 325 ca nhiễm COVID-19, trong đó có 184 ca nhiễm nhập cảnh được cách ly ngay.

Tính từ 18h ngày 23/5 đến 6h ngày 24/5, Việt Nam ghi nhận 1 ca mắc COVID-19 mới là bệnh nhân (BN) 325, nữ, 34 tuổi, trở về Việt Nam từ Mátxcơva (Nga) ngày 13/5, được cách ly ngay sau đó, không có khả năng lây nhiễm ra cộng đồng.

Về tổng số người cách ly: 15.412, trong đó:

- Cách ly tập trung tại bệnh viện: 58

- Cách ly tập trung tại cơ sở khác: 8.523

- Cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 6.831

Tính đến 6h ngày 24/5, số ca mắc trên thế giới là 5.323.885, số người tử vong chạm mốc 340.324 người, trong đó Mỹ vẫn là quốc gia có số ca mắc và tử vong vì COVID-19 nhiều nhất trên thế giới (1.645.353 người mắc; 97.655 người tử vong).

Reuters đưa tin, theo các chuyên gia về nhà ở, tình trạng chủ nhà ép người thuê phải quan hệ tình dục để được tiếp tục thuê nhà đang ngày càng đáng báo động tại Mỹ. Nguyên nhân của vấn đề này là do dịch Covid-19 tác động tiêu cực đến kinh tế và nhiều người Mỹ phải rất vất vả mới xoay xở được tiền thuê nhà.

Một khảo sát do tổ chức National Fair Housing Alliance (NFHA) thực hiện cho thấy, số lượng các vụ quấy rối tình dục trong hoạt động thuê nhà tại Mỹ đã tăng 13% kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát.

Trong một phát biểu mới nhất, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez nêu rõ: "Tây Ban Nha đã đạt được nhiều kết quả tốt trong việc chống dịch Covid-19. Chân trời mới đang mở ra với tất cả mọi người, mọi hoạt động cần phải được trở lại như bình thường. Từ ngày 8/6/2020, giải bóng đá La Liga sẽ được phép thi đấu trở lại."

Một loạt đầu báo uy tín của Tây Ban Nha như AS, Marca, Mundo Deportivo hay Sport đều đã đăng tải lại thông tin này. Trước đó, chủ tịch La Liga Javier Tebas đã bác bỏ khả năng giải đấu hàng đầu xứ Bò tót bị hủy sớm và trao chức vô địch cũng như các vị trí xuống hạng căn cứ theo BXH hiện tại.

Theo nguồn tin từ Football Espana, trái bóng La Liga sẽ lăn trở lại vào ngày 12/6 tới và mở màn bằng trận derby giữa Sevilla và Real Betis.

Một trong nhiều loại vắc xin ngừa Covid-19 do Trung Quốc sản xuất đã được thử nghiệm trên 108 tình nguyện viên và kích hoạt phản ứng miễn dịch của họ. Tuy nhiên, tiến sĩ Peter Hotez – chuyên gia nghiên cứu về vắc xin hàng đầu tại Mỹ - đã bày tỏ nghi ngờ về hiệu quả của loại vắc xin nói trên.

Theo ông Peter Hotez, mặc dù kháng thể chống Covid-19 đã xuất hiện ở những người tham gia thử nghiệm nhưng vẫn còn quá sớm để chắc chắn rằng, vắc xin do Trung Quốc sản xuất thực sự có hiệu quả.

“Điều chúng ta thấy rõ là mật độ kháng thể trung hòa có trong cơ thể người được tiêm thử nghiệm vắc xin ngừa Covid-19 tại Trung Quốc là chưa cao”, ông Peter Hotez nhận xét.

“Câu hỏi đặt ra là, liệu loại vắc xin nói trên có đủ để kích hoạt phản ứng miễn dịch hay không?”, ông Peter Hotez bày tỏ nghi ngờ.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem