Dịch virus corona giảm nhiệt, Chính quyền Tập Cận Bình nỗ lực phục hồi nền kinh tế tê liệt
Đây là khu chợ bán buôn lớn nhất thế giới, với không gian rộng tương đương 770 sân vận động bóng đá và các quầy hàng bán tất cả mọi thứ từ túi da cho đến bộ giảm thanh xe máy. Ngày 24/2, sau hơn 1 tháng đóng cửa do bùng nổ dịch virus corona, khu chợ này mở cửa trở lại trong sự vui mừng của nhiều người, nhất là với 200,000 thương lái và người mua hàng đến chợ hàng ngày.
Tuy nhiên, bầu không khí rộn ràng của ngày mở cửa trở lại không thực sự như những gì người Trung Quốc có thể hình dung, với khẩu trang trắng xuất hiện khắp nơi, bao gồm cả đoàn múa lân. Khi buổi lễ kết thúc và khu chợ chính thức mở cửa, tất cả những người ra vào chợ phải thông qua khu vực kiểm dịch và được khuyến cáo nên giữ im lặng vào giờ ăn trưa để tránh lây lan vi khuẩn do nói chuyện.
Yiwu được các chuyên gia kinh tế ví von như bức tranh thu nhỏ của nền kinh tế Trung Quốc. Chính phủ nước này vừa ra thông báo dịch virus corona đã được kiểm soát và hầu hết các khu vực ở Trung Quốc có thể quay trở lại làm việc. Tuy nhiên, việc khôi phục năng lực sản xuất trong nước không đơn giản đến vậy. Hơn 100 triệu người lao động vẫn mắc kẹt ở quê nhà, trong khi chính phủ nỗ lực trung chuyển họ đến các nhà máy đang thiếu hụt nhân công trầm trọng bằng việc cắt cử tàu và xe bus đi đón nhân công từ khắp mọi miền đất nước. Trung Quốc cũng đồng thời muốn thu hút đối tác từ khắp nơi trên thế giới bằng cách gợi ý chi trả tiền vé máy bay và nơi ở nếu họ đến Trung Quốc trước ngày 29/2.
Thị trường đang dần ổn định hơn, dù thử thách lớn nhất lúc này nằm ở việc không có đơn đặt hàng và nhân công để đưa chuỗi sản xuất vận hành bình thường.
Kể từ khi dịch virus corona bùng nổ, các chuyên gia kinh tế và nhà đầu tư cố gắng từng ngày lý giải và phân tích những thiệt hại trong và sau cuộc khủng hoảng này cũng như theo sát từng trạng thái biến động của nền kinh tế.
Để có được cái nhìn chính xác nhất của viễn cảnh khôi phục kinh tế, các chuyên gia kinh tế xem xét các số liệu hàng ngày được công bố, bao gồm sản lượng tiêu thụ than đá, ùn tắc giao thông và buôn bán bất động sản.
Theo các số liệu, tất cả đều có xu hướng tăng dần, nhưng vẫn còn ở mức rất thấp so với mức độ an toàn. Thị trường chứng khoán Trung Quốc giảm mạnh xuống hơn 10% sau khi dịch virus corona bùng nổ vào cuối tháng Một nhưng dần đi lên, một phần bởi niềm tin vào chính phủ nước này có thể sẽ có biện pháp bất ngờ kịp thời nhằm kích hoạt mức tăng trưởng. Tuy nhiên cho đến thời điểm này, chính phủ Tập Cận Bình vẫn chưa đưa ra mức hỗ trợ cần thiết: kéo dài kì hạn nợ, cắt giảm thuế và hỗ trợ chi phí thuê mặt bằng, nhất là với các nhà máy lớn.
Nhưng rõ ràng là Trung Quốc đã chuyển hướng tập trung, theo công bố của Chủ tịch Tập Cận Bình. Ở những khu vực nơi virus corona không còn là hiểm họa lớn nhất, các công ty đang bắt đầu hoạt động sản xuất. Vì vậy, bên cạnh báo cáo về các ca nhiễm mới cập nhật hàng ngày, hiện nay các công ty và doanh nghiệp mở cửa trở lại cũng được nhắc đến trong báo cáo.
Chiết Giang – trung tâm sản xuất của Trung Quốc và là nơi có khu chợ Yiwu đã chứng kiến hơn 90% các công ty công nghiệp lớn bắt đầu hoạt động sản xuất trở lại. Nhưng hầu hết các công ty này vẫn còn hoạt động với công suất thấp, bởi tâm lý lo ngại và nhiều khó khăn từ thiếu hụt nhân công đến thiếu hụt nguyên liệu do chuỗi cung ứng gián đoạn.
Hầu hết các nhà máy rải khắp nước này áp dụng quy trình quản lý nghiêm ngặt hơn, các nhân viên phải đo nhiệt độ cơ thể nhiều lần một ngày, họ được yêu cầu ngồi cách xa nhau khi ăn trưa. Trong các nhà máy, các nhân viên này buộc luôn phải đeo khẩu trang, dù tình trạng thiếu nguồn cung ứng khẩu trang cho các nhà máy vẫn là thách thức. Sức ép vẫn rất lớn với lãnh đạo các công ty, bởi chính phủ nước này thông báo nếu bất cứ công nhân nào nhiễm bệnh, họ sẽ bị buộc phải đóng cửa trở lại.
Với cái nhìn khách quan nhất, nhiều chuyên gia phân tích cho rằng các công ty ở Trung Quốc có thể đạt được công suất thông thường trước cuối tháng Ba. Nhiều chuyên gia kinh tế từ các ngân hàng lớn dự đoán mức tăng trưởng tăng khoảng 4% trong quý 1. Dù là mức thấp kỉ lục, nhưng con số này vẫn dấy lên mối nghi ngờ về độ đáng tin cậy của các dữ liệu được công bố. Rủi ro đồng thời cũng chuyển hướng khi vi rút Corona đang trên đà tấn công các quốc gia khác như Hàn Quốc, Ý, Pháp… Trung Quốc giờ phải đối mặt với viễn cảnh không mấy sáng sủa với nhu cầu ngày càng giảm của khách hàng toàn cầu cũng như rủi ro dịch bùng phát trở lại trong chính quốc gia này.
Thậm chí nếu thế giới có thể ngăn chặn tốc độ lây lan của đại dịch, tác động hiện hữu lên nền kinh tế Trung Quốc là điều không chỉ nhiều công ty lớn gánh chịu, nhiều thương lái cũng như doanh nhân nước ngoài có mối liên hệ với Trung Quốc về mặt nguyên liệu và chuỗi cung ứng đã và đang gặp phải nhiều khó khăn để vận hành việc kinh doanh của họ do việc di chuyển vẫn còn là rào cản, nhiều hãng máy bay vẫn tiếp tục ngừng mở chuyến tới Trung Quốc… Nỗ lực lấy lại phong độ kinh tế của Trung Quốc sẽ gặp phải nhiều thách thức hơn triển vọng, theo tờ The Economist cho hay.