Điểm chuẩn tăng, chất lượng đầu vào có tăng?

Thứ hai, ngày 19/09/2022 16:08 PM (GMT+7)
Như dự đoán, điểm chuẩn đại học năm 2022 tăng cao kỷ lục. Tuy nhiên, điểm chuẩn tăng có đồng nghĩa với chất lượng đầu vào tăng?
Bình luận 0

Tính đến 17h ngày 17/9, các trường đại học trên cả nước hoàn thành công bố điểm chuẩn trúng tuyển. Điểm mới của mùa tuyển sinh năm nay là Bộ GDĐT thực hiện lọc ảo chung ở tất cả các phương thức xét tuyển.

Với quy trình lọc ảo chung, điểm chuẩn đại học năm nay có biến động. Nhiều ngành học thu hút lượng lớn thí sinh đăng ký có điểm chuẩn tăng mạnh. Số ngành học có điểm chuẩn từ 27, 28 điểm trở lên xuất hiện rất nhiều. Thậm chí có nhiều ngành có mức điểm trúng tuyển gần tuyệt đối 30/30 điểm.

Điểm chuẩn tăng, chất lượng đầu vào có tăng? - Ảnh 1.

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2022.

Điểm “chạm trần” do đâu?

Kết quả mùa tuyển sinh đại học năm 2022 cho thấy, một số ngành như Báo chí, Quan hệ công chúng, Truyền thông đa phương tiện… có sức hút mạnh với đông đảo thí sinh khi điểm chuẩn gần tiệm cận tuyệt đối.

Tiếp đến là ngành Sư phạm, đặc biệt là ngành Sư phạm Lịch sử. Nếu như những năm trước điểm chuẩn ngành Sư phạm Lịch sử thường ở mức thấp trong nhóm ngành đào tạo giáo viên, thì năm nay, nhìn chung điểm chuẩn ngành này của các trường có bước “nhảy vọt”, vượt qua nhiều ngành sư phạm khác. Thậm chí có trường điểm chuẩn ngành này tăng đến 9,5 điểm so với năm 2021.

Tại khu vực phía Bắc, theo công bố của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, điểm chuẩn dao động từ 16,75 đến 28,5 điểm. Trong đó, ngành Sư phạm Lịch sử tại tổ hợp C00 là một trong 3 ngành lấy điểm chuẩn cao nhất của trường với 28,5 điểm. Hai ngành top đầu còn lại là ngành: Giáo dục chính trị, tổ hợp C19 và C20; Sư phạm Ngữ văn, tổ hợp C00. Với mức điểm này ở cả 3 ngành có điểm chuẩn cao hơn năm ngoái 0,25 đến 1 điểm.

Điểm chuẩn tăng, chất lượng đầu vào có tăng? - Ảnh 2.

Thí sinh tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022.

Trường Đại học Quy Nhơn cũng đưa ra mức điểm chuẩn ngành Sư phạm Lịch sử 28,5; tăng 9,5 điểm so với 2021. Trường Đại học An Giang cũng tăng hơn 6,5 điểm so với năm trước, với mức 26,5. Tương tự điểm chuẩn ngành này tại Trường Đại học Hồng Đức (Thanh Hoá) là 39,92. Như vậy, tính trung bình thí sinh phải được 9,98 điểm mỗi môn mới trúng tuyển.

Bên cạnh đó, một số ngành như công nghệ thông tin, máy tính năm nay điểm chuẩn cũng tăng mạnh, từ 2 - 3 điểm so với năm 2021.

Điểm chuẩn đại học tăng mạnh nói lên điều gì? Theo phân tích của nhiều chuyên gia, các trường tuyển sinh bằng các phương thức khác khiến chỉ tiêu dành cho tuyển sinh theo phương thức xét tuyển điểm thi tốt nghiệp THPT rất ít, dẫn đến mức điểm chuẩn tiệm cận ngưỡng tuyệt đối của nhiều trường. Việc này khiến tuyển sinh bằng điểm thi THPT không mấy hiệu quả.

Theo GS.TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trường Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, trong khi chỉ tiêu có hạn mà số lượng thí sinh mong muốn vào trường rất lớn. Trường chỉ lấy đúng chỉ tiêu theo quy định dẫn tới điểm chuẩn luôn cao. Tuy nhiên, không chỉ riêng năm nay mà 2 năm trở lại đây, đặc biệt, sau khi Nghị định số 116/2020/NĐ-CP có hiệu lực, sức hút ngành sư phạm có xu hướng tích cực hơn.

Tránh tình trạng "giỏi ảo"

Với các thí sinh đạt điểm chuẩn trúng tuyển, ngưỡng cửa cuộc đời đã rộng mở. Tuy nhiên, trong niềm vui đó, có nỗi buồn của nhiều thí sinh vì trượt đại học dù đạt tổng điểm rất cao. Với phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT, nhiều ý kiến lo ngại, liệu có bỏ sót người tài.

Để tránh điểm chuẩn cao ngất ngưởng, trong danh sách công bố điểm chuẩn, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội có 5 chương trình chỉ tuyển theo điểm đánh giá tư duy, không sử dụng phương thức dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT 2022. Những chương trình này đều thuộc nhóm ngành có điểm chuẩn đánh giá tư duy cao nhất.

Điểm chuẩn tăng, chất lượng đầu vào có tăng? - Ảnh 3.

Thí sinh dự thi đánh giá tư duy của Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội tổ chức.

Một số ngành tuy điểm chuẩn phương thức đánh giá tư duy không cao nhưng điểm chuẩn phương thức dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT khá cao, như Hệ thống thông tin quản lý có điểm chuẩn là 26,54 điểm, Toán tin là 26,45 điểm, Kỹ thuật ô tô là 26,41 điểm, Kỹ thuật cơ điện tử là 26,33 điểm.

PGS. TS Nguyễn Phong Điền, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho hay, 5 chương trình này có tính cạnh tranh cao nhất, nếu sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT 2022 thì điểm chuẩn những chương trình này có thể “chạm trần”.

Theo PGS.TS Nguyễn Phong Điền, việc phải đặt ra điểm chuẩn quá cao là bất đắc dĩ. Điều đó thể hiện một môi trường tuyển sinh không thực sự lành mạnh, bởi có nguy cơ đánh trượt nguyện vọng 1 cả những thí sinh xuất sắc, vì sơ suất nhỏ khi làm bài mà điểm các em không đủ cao.

Đánh giá toàn cảnh điểm chuẩn năm nay, TS Nguyễn Đức Nghĩa, nguyên Phó Giám đốc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh cho rằng, những trường đại học, ngành tuyển sinh bằng kỳ thi riêng, không còn phụ thuộc 100% vào kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022 đã phần nào kiểm soát được mức độ lạm phát của điểm chuẩn.

Điển hình như điểm chuẩn 8 trường khối ngành công an đều giảm mạnh so với năm 2021, hay điểm vào Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh... đều giảm đáng kể. Điều này cho thấy định hướng xây dựng các kỳ thi riêng đang đúng hướng, các trường cần phát huy tốt hơn trong mùa tuyển sinh năm sau.

Mặt khác, với những ngành điểm chuẩn vẫn gần kịch trần, Bộ GDĐT cần tính toán lại việc ra đề thi năm sau, siết lại các kiến thức trong đề thi tốt nghiệp THPT để tránh tình trạng "giỏi ảo".

Theo hướng dẫn của Bộ GDĐT, sau khi các trường đại học công bố điểm chuẩn, từ ngày 18/9 đến 17h ngày 30/9, Bộ sẽ mở hệ thống để thí sinh xác nhận nhập học trực tuyến.

Theo quy định, trước 17h ngày 30/9, tất cả thí sinh phải xác nhận nhập học trực tuyến trên hệ thống. Thí sinh không thực hiện quy trình này coi như từ chối cơ hội học tập đã trúng tuyển.

Dự báo điểm chuẩn tuyển sinh Đại học tăng nhẹ. Clip: VTV.VN

Nguyễn Hoài (daidoanket.vn)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem