Đồ điện tử sẽ đắt hơn nữa khi các gã khổng lồ chip tăng giá

Huỳnh Dũng Thứ tư, ngày 25/05/2022 15:02 PM (GMT+7)
Các nhà máy đúc chip lớn nhất thế giới - bao gồm Công ty Sản xuất Chất bán dẫn Đài Loan, Samsung và Intel - đang xem xét việc tăng giá thêm nữa.
Bình luận 0

Nhà phân tích thị trường bán dẫn Peter Hanbury của Bain nói với đài CNBC rằng: "Các xưởng đúc chip đã tăng giá 10-20% trong năm qua. Chúng tôi dự đoán sẽ có một đợt tăng giá nữa sắp tới, nhưng nhỏ hơn (chỉ ở mức 5-7%)".

Các xưởng đúc chip đang tăng giá vì nhiều lý do thị trường, chuỗi cung ứng khác nhau, nhưng cũng vì để họ tài trợ cho các hoạt động đang phát triển của mình.

"Các hóa chất được sử dụng trong sản xuất chip đã tăng 10-20%, tương tự, lao động cần thiết để phục vụ trong các cơ sở bán dẫn mới cũng bị thiếu hụt và mức lương cho lao động này lại ngày càng tăng lên", Hanbury nói.

Các nhà máy đúc chip lớn nhất thế giới - bao gồm Công ty Sản xuất Chất bán dẫn Đài Loan, Samsung và Intel đang xem xét việc tăng giá thêm nữa. Ảnh: @AFP.

Các nhà máy đúc chip lớn nhất thế giới - bao gồm Công ty Sản xuất Chất bán dẫn Đài Loan, Samsung và Intel đang xem xét việc tăng giá thêm nữa. Ảnh: @AFP.

TSMC đã cảnh báo khách hàng lần thứ hai trong vòng chưa đầy một năm rằng họ có kế hoạch tăng giá, tờ Nikkei Asia đưa tin hôm 10/5. Ở đây, TSMC, nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới, đang có kế hoạch tăng giá theo "tỷ lệ phần trăm một chữ số" trên cả công nghệ sản xuất chip trưởng thành và tiên tiến, theo sáu chuyên gia nắm rõ vấn đề này tuyên bố. Họ cho biết kế hoạch tăng giá sẽ có hiệu lực vào đầu năm 2023. TSMC đã viện dẫn những lo ngại về lạm phát, chi phí gia tăng và các kế hoạch mở rộng của chính họ là lý do khiến giá tăng.

Hai chuyên gia cho biết mức tăng giá sẽ dao động khoảng 5% đến 8% đối với các công nghệ quy trình khác nhau, từ sản xuất các sản phẩm từ bộ xử lý tiên tiến, chip kết nối và cảm biến, đến vi điều khiển và IC quản lý nguồn.

"Thông báo sớm là để cung cấp cho khách hàng một số bước đệm để chuẩn bị cho việc điều chỉnh giá, trong khi động thái tăng giá của TSMC là để giải quyết chi phí và nhu cầu vốn ngày càng tăng cho các đợt mở rộng quy mô lịch sử", một trong những người có hiểu biết vấn đề này chia sẻ với tờ Nikkei Asia.

Chi phí sản xuất tăng cao đang gây áp lực lên các nhà sản xuất chip, vào thời điểm nhu cầu về điện thoại thông minh và máy tính cá nhân tăng chậm lại do những bất ổn của thị trường gây ra bởi lạm phát, chiến tranh Ukraine và tình trạng đóng cửa liên quan đến COVID ở Trung Quốc. Việc tăng giá cũng phản ánh chi phí quá lớn cho việc thúc đẩy mở rộng của chính TSMC: Công ty đang chi 100 tỷ đô la cho đến năm 2023 để tăng công suất, với 40 tỷ đến 44 tỷ đô la dành riêng cho năm nay.

Các đối thủ nhỏ hơn như United Microelectronics và Semiconductor Manufacturing International Co. đã tăng giá nhiều lần trong năm ngoái và trong một số trường hợp, thực tế tính phí cao hơn TSMC. Tuy nhiên, một động thái hiếm hoi như vậy của TSMC đã làm chao đảo ngành công nghiệp chip. Không chỉ vậy, ASML- nhà sản xuất công cụ sản xuất chip lớn nhất châu Âu, nói với các nhà đầu tư rằng họ phải đối mặt với lo ngại lạm phát, chi phí lao động, vật liệu và năng lượng tăng, cũng như các khoản phí bổ sung cho việc bảo đảm các bộ phận.

Trong một diễn biến khác, đối thủ Samsung sẽ tăng giá sản xuất chip lên tới 20%, theo báo cáo của Bloomberg vào thứ sáu tuần trước. Samsung đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận nào từ CNBC.

"Với sự thiếu hụt tiếp tục của chip bán dẫn, các nhà sản xuất có thể tính phí cao hơn khi khách hàng tiếp tục thúc đẩy để đảm bảo nguồn cung", Hanbury nói và cho biết thêm rằng, hy vọng sự thiếu hụt sẽ bắt đầu giảm bớt đối với một số loại chip nhất định vào cuối năm nay. Hiện tại, Intel đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận nào của CNBC.

Sự thiếu hụt chip đang làm tăng giá mặt hàng công nghệ điện tử. Ảnh: @AFP.

Sự thiếu hụt chip đang làm tăng giá mặt hàng công nghệ điện tử. Ảnh: @AFP.

Tăng theo lạm phát

Nhà phân tích Glenn O'Donnell của Forrester nói với CNBC rằng, giá chip tăng sẽ không khiến ai ngạc nhiên trong bối cảnh kinh tế hiện tại với nguy cơ lạm phát bắt đầu xâm lấn. Trong khi đó, hai năm qua, đại dịch Covid-19 đã góp phần thúc đẩy tình trạng thiếu chip toàn cầu.

O'Donnell cho biết: "Các nhà sản xuất chip phải đối mặt với các vấn đề về nguồn cung khan hiếm ngày càng gia tăng, do cuộc chiến ở Ukraine trở nên trầm trọng hơn. Giá năng lượng cũng đang tăng, bao gồm cả điện. Trong khi việc sản xuất chip đòi hỏi một lượng điện năng khổng lồ. Vì thế mà bất chấp cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt ngày càng gia tăng, các công ty tích hợp chip vào sản phẩm của họ có thể phải bắt đầu chuyển chi phí cho người tiêu dùng cuối".

"Giá chip tăng sẽ gây thêm căng thẳng cho tất cả các khách hàng cuối, điều này sẽ gây khó khó khăn trong môi trường kinh doanh hiện tại, hoặc các công ty chấp nhận mức lợi nhuận thấp hơn. PC, ô tô, đồ chơi, điện tử tiêu dùng, thiết bị gia dụng và nhiều sản phẩm khác sẽ đắt hơn", O'Donnell nhận định, Ông còn nói: "Tỷ suất lợi nhuận của các sản phẩm như vậy đã eo hẹp, vì vậy họ không có lựa chọn nào khác ngoài việc tăng giá". 

Syed Alam, trưởng bộ phận bán dẫn toàn cầu tại Accenture nói với CNBC rằng, mức độ tăng giá sẽ phụ thuộc vào tỷ trọng chi phí bán dẫn trong tổng giá thành sản phẩm. Ông nói thêm rằng, nó cũng sẽ phụ thuộc vào khả năng các nhà sản xuất cắt giảm chi phí trong các lĩnh vực khác và cả bối cảnh cạnh tranh của từng loại sản phẩm. Alam nói: "Nhìn vào những yếu tố này, các sản phẩm sử dụng chip cao cấp hơn như GPU (bộ xử lý đồ họa) và CPU cao cấp (bộ xử lý trung tâm) có khả năng tăng giá mạnh".

Còn Hiệp hội Công nghệ Người tiêu dùng Quốc tế, cơ quan đại diện cho các công ty như LG Electronics, Verizon và Amazon cho biết, người tiêu dùng có thể thấy một chút khó khăn hơn khi thanh toán. Rick Kowalski, giám đốc cấp cao về tình báo kinh doanh tại CTA, cho biết: "Chúng ta sẽ thấy giá tăng lên. Các nhà bán lẻ sẽ khó có thể giữ giá cố định như trước đây".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem