Độ mặt ca-lăng, logo, cản trước/sau vẫn bị Đăng kiểm từ chối: Chuyên gia lý giải điều này

Khải Phạm Thứ tư, ngày 28/12/2022 13:00 PM (GMT+7)
Theo chủ xe, việc độ lại một số chi tiết ngoại thất như mặt ca-lăng, logo, cản trước/sau... giúp xe đẹp hơn chứ thực tế không làm gia tăng kích thước, khó ảnh hưởng đến an toàn. Tuy nhiên, các Trung tâm Đăng kiểm vẫn từ chối, vì sao?
Bình luận 0

Độ xe ô tô là một nhu cầu không thể thiếu của các chủ xe khi mua xe mới, đặc biệt những bản thiếu với những trang bị sơ sài nên người dùng muốn bổ sung những tính năng mới, gia tăng sự hầm hố cho xe.

Độ mặt ca-lăng, logo, cản trước/sau vẫn bị Đăng kiểm từ chối, vì sao? - Ảnh 1.

Những loại mặt ca-lăng độ chế khác với hình ảnh do nhà sản xuất đăng ký. Ảnh Khải Phạm.

"Thường chủ xe mua về sẽ độ cho chiếc xe mình đẹp hơn, thông minh hơn. Tuy nhiên, thời gian độ có thể là 5 năm trước rồi mà bắt trở về nguyên bản thì người ta sẽ không còn những đồ như vậy nữa. Về quy định an toàn đạt tiêu chuẩn đăng kiểm, tôi nghĩ Cục Đăng kiểm nên đưa ra hướng dẫn cụ thể như kích thước tăng lên là bao nhiêu để đo lường nhằm đảm bảo đủ tiêu chuẩn an toàn", ông Nguyễn Đăng Trung - CEO & Founder xưởng độ Chung Auto chia sẻ.

Góc nhìn của người trong cuộc làm nghề lâu năm cho thấy, những chi tiết như mặt ca-lăng, logo hay cản trước/sau nếu không làm thay đổi kích thước tổng thể của xe thì khó có thể nói là vi phạm quy định an toàn.

"Thực tế, đến nay Cục Đăng kiểm Việt Nam vẫn chưa có quy định cụ thể về việc độ mặt ca-lăng, logo hay cản trước/sau bị cấm. Việc độ này nhằm gia tăng tính thẩm mỹ và trước đó vẫn đăng kiểm bình thường, nhưng nay siết chặt khiến nhiều chủ xe bất ngờ không kịp trở tay nên cần có văn bản hướng dẫn độ vượt quá kích thước tiêu chuẩn bao nhiêu thì không đạt chuẩn an toàn", ông Trung nói thêm.

Ở góc độ người dùng, anh Nguyễn Mạnh Cửu Long (Mê Linh - Hà Nội) cho biết: "Những trường hợp thay đổi hẳn như la-zăng mới, mặt ca-lăng dài hơn so với kích thước thực tế thì đúng là không an toàn khi đi phố. Còn những trường hợp độ nhẹ, đơn giản là việc gắn thêm logo cũng chỉ để giúp xe đẹp hơn thôi mà cũng bị từ chối đăng kiểm thì quả thực khắt khe".

Tuy nhiên, dưới góc độ cơ quan quản lý, đánh giá chuyên ngành hay các chuyên gia thì những việc này ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến yếu tố an toàn.

Trao đổi với Dân Việt dưới góc nhìn chuyên gia, PGS.TS Lê Hồng Quân - Chủ nhiệm khoa Công nghệ ô tô, trường Đại học Công nghiệp Hà Nội cho biết: "Khi sản xuất, các chuyên gia, nhà thiết kế đã nghiên cứu kỹ lưỡng và thử nghiệm xe ở những điều kiện vận hành thực tế khác nhau để tạo ra một hình dáng chuẩn, đảm bảo an toàn của một chiếc xe. 

Do đó, việc tự ý thay đổi chỉ vì tính thẩm mỹ là việc không nên vì sẽ làm giảm độ nhận diện, thiết kế được nghiên cứu sẽ dẫn đến việc thiếu an toàn của xe. Nhà sản xuất đăng ký với Cục Đăng kiểm thế nào thì người dùng nên để yên như thế sử dụng".

Độ mặt ca-lăng, logo, cản trước/sau vẫn bị Đăng kiểm từ chối, vì sao? - Ảnh 2.

Các xe tự ý thay đổi thiết kế tổng thể xe là không đúng quy định. Ảnh Khải Phạm.

Dưới góc độ luật pháp, một vị luật sư trích dẫn quy định về việc này. Theo Khoản 2, Điều 55, Luật Giao thông đường bộ năm 2008  có quy định: "Chủ phương tiện không được tự thay đổi kết cấu, tổng thành, hệ thống của xe không đúng với thiết kế của nhà sản xuất hoặc thiết kế cải tạo đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt".

Về hình thức xử lý những xe tự ý thay đổi kết cấu xe sẽ được Cảnh sát giao thông xử phạt khi kiểm tra những thay đổi trái tiêu chuẩn đăng kiểm. Theo đó, việc thay đổi kết tổng thành khung, tổng thành máy (động cơ), hệ thống phanh, hệ thống truyền động (truyền lực) hệ thống chuyển động hoặc tự ý cải tạo kết cấu, hình dáng, kích thước của xe không đúng thiết kế của nhà sản xuất hoặc thiết kế đã đăng ký với cơ quan đăng ký xe hoặc thiết kế cải tạo đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.... sẽ bị phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 12.000.000 đồng đến 16.000.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự xe ô tô theo Điểm a, Khoản 9, Điều 30 Luật Giao thông đường bộ năm 2008.

Sau nhiều lần liên hệ, Giám đốc một Trung tâm Đăng kiểm tại Hà Nội có chia sẻ nhanh với Dân Việt về việc siết chặt đăng kiểm và những trường hợp bị từ chối. 

Trước khi bán ra thị trường, nhà sản xuất đã đăng ký bản quyền, đăng ký kiểu dáng Công nghiệp và đăng kiểm với Cục Đăng kiểm Việt Nam về các hạng mục như hình dáng, chiều dài, rộng của xe, mặt trước/sau và có ảnh chụp chi tiết xe. Do đó, Trung tâm Đăng kiểm dựa vào những hình ảnh này để chấp nhận hay từ chối xe khi đăng kiểm theo đúng quy định.

"Ford Ranger là chiếc xe hay được chủ độ lên đời Raptor nhất, việc độ này gần như đã thay đổi thành một chiếc xe khác về hình dáng bên ngoài rồi nên dĩ nhiên không đảm bảo an toàn kỹ thuật. Một chiếc xe bình thường không thể chạy với hình dáng một xe hiệu suất cao được nên từ chối đăng kiểm không oan. Còn thay đổi logo thì không đúng nhà sản xuất, ai dám chứng nhận đăng kiểm cho các xe như thế", vị này khẳng định.

Như vậy, có thể thấy việc độ lại những chi tiết như cản trước/sau, mặt ca-lăng, logo đều ít nhiều ảnh hưởng đến an toàn của một chiếc xe. Nhà sản xuất đã nghiên cứu, thử nghiệm và đăng ký, đăng kiểm với cơ quan chức năng như nào, người dùng nên thực hiện theo nhằm đảm bảo an toàn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem