"Đỏ mắt" tìm nhân lực ngành công nghệ thông tin

Thùy Anh Thứ năm, ngày 21/01/2021 17:00 PM (GMT+7)
Việc Chính phủ đẩy nhanh chuyển đổi số, cộng với tác động từ dịch bệnh Covid -19 càng khiến cho hoạt động chuyển đổi số, áp dụng công nghệ thông tin diễn ra mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Nhu cầu nhân lực công nghệ thông tin vì thế cũng trở nên "hot" hơn.
Bình luận 0


Tuyển dụng nhân lực ngành công nghệ thông tin ngày càng khốc liệt 

Sáng 21/1, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đã tổ chức Phiên giao dịch việc làm chuyên đề Công nghệ thông tin và ra mắt Cổng thông tin Dịch vụ việc làm Việt Nam (Esip) tại Hà Nội.

Tham gia phiên giao dịch có hơn 50 doanh nghiệp, tuyển hơn 1.000 chỉ tiêu. Mức lương dao động trong khoảng từ 7-10 triệu đồng/tháng. Cá biệt có một số vị trí quản lý, kỹ thuật nâng cao, lập trình, sử dụng Big Data; trí tuệ nhân tạo AI ... thì mức lương có thể lên tới vài nghìn đô.

Ông Lê Duy Thứ - Trưởng Ban Công nghệ thông tin, Công ty Cổ phần tập đoàn Công nghệ Thăng Long cho biết, công ty đang có nhu cầu tuyển dụng 100 nhân sự ở các vị trí về công nghệ thông tin nhưng không dễ chút nào.

"Lý do là bởi nhu cầu về ngành này đang rất lớn, các doanh nghiệp mới trong lĩnh vực công nghệ thông tin ra đời ngày càng nhiều dẫn đến cạnh tranh khốc liệt. Chỉ doanh nghiệp nào có tiềm lực kinh tế, có chế độ phúc lợi, lương thưởng hấp dẫn mới có thể giữ chân được lao động", ông Thứ nói.

nhân lực ngành công nghệ thông tin

Việt Nam đang thiếu hàng trăm nghìn nhân lực ngành công nghệ thông tin (Phiên tuyển dụng việc làm ngành công nghệ thông tin. Ảnh: Nguyệt Tạ)

Theo ông Thứ, có 3 ngành hot nhất trong lĩnh vực công nghệ thông tin đó là: Big Data; Công nghệ AI; lập trình mạng. Những lao động có trình độ, kinh nghiệm ở lĩnh vực này mức thu nhập có thể lên tới 40-50 triệu đồng/tháng. Mặc dù lương cao vậy nhưng vẫn khó tuyển dụng.

Ông Nguyễn Tùng Anh - Phó hiệu trưởng Trường CĐ Cộng đồng cũng cho biết, công nghệ thông tin đang là ngành hot. Liên tục trong 2 năm qua, ngành này tuyển sinh vượt chỉ tiêu từ 5-7%. Không ít doanh nghiệp lớn vào tuyển dụng lao động ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

"Theo khảo sát, có tới 80% sinh viên của trường tốt nghiệp ra có việc làm, riêng ngành công nghệ thông tin đạt 100%", ông Tùng Anh nói.

"Số hóa, hiện đại hóa thông tin việc làm là mục tiêu trọng tâm trong năm 2021. Trên cơ sở chuyển đổi số về công nghệ, Cục Việc làm quyết tâm thực hiện giao dịch việc làm số, mở đầu là thực hiện phiên giao dịch việc làm ở TP Hồ Chí Minh và Hà Nội. Sau phiên khởi động này, việc kết nối sàn thông tin về việc làm giữa các vùng ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ và khu vực miền Trung, miền Nam sẽ được diễn ra thuận lợi hơn".

Ông Nguyễn Văn Bình - Cục trưởng Cục Ciệc làm (Bộ LĐTBXH)

Nhân lực công nghệ thông tin có thể tìm việc trong cả nước

Cũng trong sáng nay, 21/1, Sở LĐTBXH TP Hà Nội đã tổ chức triển khai hoạt động Cổng thông tin Dịch vụ việc làm Việt Nam (Esip) tại Hà Nội. Theo các chuyên gia, đây là cơ hội để phát triển, minh bạch thị trường lao động, đồng thời là cơ hội để lao động vùng miền ra nhập thị trường lao động quốc gia, xóa bỏ rào cản địa hình trong việc tuyển dụng ở các vùng miền.

Ra mắt Cổng thông tin Dịch vụ việc làm Việt Nam

Ra mắt Cổng thông tin Dịch vụ việc làm Việt Nam. Ảnh: Tạ Nguyệt

Ông Nguyễn Văn Bình - Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐTBXH) cho biết, Cổng thông tin Esip sẽ giúp thúc đẩy giao dịch về việc làm trên thị trường, tạo điều kiện cho người lao động, và doanh nghiệp kết nối với nhau một cách dễ hơn. Chi phí giao dịch qua môi giới sẽ giảm xuống một cách đáng kể. Đây chính là động lực để thúc đẩy thị trường lao động trong bối cảnh dịch bệnh Covid -19 hiện nay.

Việc thúc đẩy thị trường việc làm trong thời gian tới được thực hiện bài bản, mục tiêu xác định cung cầu trên toàn quốc, giữa người sử dụng lao động và người lao động, kết nối giữa các vùng, với các vùng, kết nối giữa các ngành với các ngành.

"Đặc biệt, qua cổng thông tin Esip, chúng ta có thể thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu ngành, cơ cấu lao động theo hướng tích cực, từ ngành thừa sang ngành thiếu, đặc biệt tạo ra những cơ hội việc làm cho lao động phi chính thức. Đây cũng là cách thức để hiện thực hóa mục tiêu giải quyết việc làm cho 8 triệu lao động trong năm 2021", ông Bình chia sẻ.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem