Đổ tiền vào thị trường Ấn Độ, nhiều công ty công nghệ Trung Quốc 'thua đau'
Căng thẳng Trung - Ấn: công ty công nghệ Trung Quốc "trắng tay"
Căng thẳng Trung - Ấn đã leo thang từ tháng 6 năm nay sau vụ xung đột biên giới ở khu vực dãy Himalaya khiến 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng. Lâu nay, hai quốc gia vẫn thỉnh thoảng xảy ra tranh chấp tại khu vực biên giới kéo dài 3.500km. Cuộc đụng độ tại vùng biên giới Ladakh, Himalaya đối diện Tây Tạng mới đây là lần xung đột tồi tệ nhất kể từ năm 2017 đến nay. Dù chính phủ hai nước đã thúc đẩy ngoại giao để xoa dịu căng thẳng ở biên giới, nhưng nhiều cuộc khảo sát chỉ ra tình cảm của người dân Ấn Độ với các sản phẩm, thương hiệu có nguồn gốc Trung Quốc đang ngày một xấu đi. Nhiều nhãn hàng thậm chí bị dân Ấn Độ kêu gọi tẩy chay.
Cho đến nay, căng thẳng quân sự có dấu hiệu hạ nhiệt nhưng các lĩnh vực khác thì không. Chính phủ của Thủ tướng Modi đã tung ra nhiều biện pháp trên các mặt trận thương mại và công nghệ nhằm trực tiếp đến nhiều doanh nghiệp Trung Quốc. Ví dụ, các quan chức New Delhi tuyên bố cấm hàng loạt ứng dụng Trung Quốc, bao gồm các ứng dụng của nhiều ông lớn công nghệ Trung Quốc như ByteDance, Alibaba, Tencent… Hồi tháng trước, New Delhi đưa thêm hàng chục ứng dụng khác vào danh sách cấm với lý do quan ngại an ninh quốc gia. Phía Ấn Độ cũng được cho là cấm thiết bị viễn thông Huawei trong mạng 5G tương lai của nước này.
Loạt động thái của New Delhi gây áp lực lên các doanh nghiệp công nghệ ở cả hai phía, nhưng Trung Quốc được cho là bên gánh chịu tổn thương lớn nhất. Theo số liệu mới nhất của chính phủ, Ấn Độ hiện là thị trường với 750 triệu người dùng Internet, tăng gấp đôi chỉ trong 4 năm (2016-2020). Atlas VPN, một công ty nghiên cứu thị trường, ước tính Ấn Độ sẽ có 1 tỷ người dùng Internet vào năm 2025. Bị hạn chế khỏi thị trường rộng lớn này sẽ là bước cản đáng kể với các công ty Trung Quốc trên con đường toàn cầu hóa.
Một minh chứng cụ thể, ứng dụng TikTok của ByteDance đã mất 200 triệu người dùng Ấn Độ kể từ khi bị New Delhi cấm cửa hồi cuối tháng 6. Con số này gấp đôi số người dùng trên thị trường Mỹ. Theo Greg Paull, nhà phân tích từ công ty nghiên cứu thị trường R3, ByteDance hiện chưa kiếm được tiền từ TikTok Ấn Độ, nhưng công ty này đã chi rất nhiều tiền để thiết lập và mở rộng thị trường ở đây cho những mục đích tương lai. Giờ đây, khoản đầu tư này gần như hoàn toàn “đổ sông đổ bể”.
Mặt khác, lượng người dùng Internet đa dạng về nhân khẩu học và ngôn ngữ tại Ấn Độ cũng tạo nên kho dữ liệu đa dạng, cần thiết để các công ty công nghệ như ByteDance sử dụng trong nghiên cứu và xây dựng các sản phẩm Internet tốt hơn. Việc mất đi khả năng tiếp cận với nguồn dữ liệu từ Ấn Độ sẽ cản trở sự phát triển của các ứng dụng Trung Quốc trên thị trường toàn cầu.
Abishur Prakash, một nhà nghiên cứu địa chính trị, đồng sáng lập của Trung tâm Đổi mới Tương lai nhận định: “Chiến lược toàn cầu hóa của các công ty công nghệ Trung Quốc hiện đang vấp phải lực cản lớn”, do các công ty này từng dựa vào thị trường Ấn Độ để xây dựng, thử nghiệm sản phẩm mới. “Khi Ấn Độ mạnh mẽ bài xích công nghệ Trung Quốc, mọi thứ mà các công ty công nghệ Trung Quốc đặt cược để xây dựng và thành công ở thị trường Ấn Độ đang sụp đổ”.
Ngoài việc phát triển các sản phẩm riêng, các công ty công nghệ Trung Quốc hiện đang đầu tư hàng tỷ USD vào lĩnh vực khởi nghiệp công nghệ Ấn Độ. Nhưng những quy định hạn chế thắt chặt đầu tư nước ngoài của Ấn Độ gần đây nhiều khả năng sẽ tác động tiêu cực đến lợi nhuận thu về của các nhà đầu tư Trung Quốc.
Từ tháng 4, trước khi căng thẳng biên giới Trung Ấn bùng nổ, chính phủ Ấn Độ đã cho thấy những tín hiệu kiềm chế ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở quốc gia này thông qua dự luật kiểm soát các khoản đầu tư trực tiếp nước ngoài từ các quốc gia chung biên giới với Ấn Độ. Ông Sukanti Ghosh, người đứng đầu nhóm nghiên cứu Albright Stonebridge trụ sở tại Washington chỉ ra rằng động thái này nhằm trực tiếp đến các dòng đầu tư từ Trung Quốc.
Sau đó, khi xung đột biên giới nổ ra vào tháng 6, chính quyền bang Maharashtra phía Tây Ấn Độ đã đình chỉ hoặc hủy bỏ một số thỏa thuận đầu tư đã ký với các công ty hàng đầu Trung Quốc.
Các doanh nghiệp Ấn Độ khó tránh tổn thương, nhưng không lâu dài
Trong lĩnh vực thanh toán kỹ thuật số và công nghệ tài chính, Ant Financial - một công ty liên kết của Alibaba - hiện đang là kẻ tiên phong toàn cầu. Nếu Ant và các công ty công nghệ Trung Quốc ngừng hoạt động tại Ấn Độ, các doanh nghiệp Ấn Độ có khả năng lỡ mất những công nghệ tiên tiến hàng đầu trong ngắn hạn.
Thêm vào đó, các công ty công nghệ Trung Quốc đang bơm lượng lớn tiền mặt vào nền kinh tế Ấn Độ. Tencent hiện là nhà đầu tư chiến lược lớn vào các dự án khởi nghiệp Ấn Độ. Còn hãng smartphone Xiaomi đã rót gần 500 triệu USD vào Ấn Độ chỉ trong một năm, tạo việc làm cho khoảng 50.000 người Ấn Độ. Tâm lý bài xích Trung Quốc tại Ấn Độ lúc này có thể tạo thành rủi ro đe dọa lượng lớn công việc đó.
Ông Blaise Fernandes, giám đốc Gateway House và thành viên hội đồng quản trị Blaise Fernandes cho rằng các công ty công nghệ toàn cầu đang gấp rút tiến vào Ấn Độ để lấp đầy khoảng trống mà các nhà đầu tư Trung Quốc để lại. Do đó trong dài hạn, có thể Ấn Độ sẽ không chịu nhiều ảnh hưởng.