Ấn Độ gặp khó trong nỗ lực "chia tay" hàng nhập khẩu Trung Quốc

22/11/2020 18:30 GMT+7
Nỗ lực tự lực nền kinh tế của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi nhằm hạn chế sự phụ thuộc vào Trung Quốc có vẻ đang gặp những thách thức lớn khi kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc tăng lên đáng kể trong tháng qua.

Trong năm nay, chính phủ Ấn Độ đã đưa ra hàng loạt hạn chế nhằm giảm thiểu tối đa sự hiện diện kinh tế của Trung Quốc: từ việc cấm hàng trăm ứng dụng di động cho tới hạn chế đầu tư. Nhưng với nhiều thương nhân, việc giảm sự phụ thuộc vào hàng nhập khẩu Trung Quốc là vô cùng khó khăn.

Trung Quốc hiện không chỉ vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Ấn Độ, mà tỷ trọng kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc đã tăng từ 13,7% lên 18,3% trong quý II và quý III năm nay so với cùng kỳ năm ngoái bất chấp những nỗ lực tự lực kinh tế của chính quyền ông Modi. Phần lớn nguyên nhân là do bản chất nhập khẩu hàng hóa bán thành phẩm của Ấn Độ cũng như những lời kêu gọi khó đi vào thực tiễn của New Delhi.

Ấn Độ gặp khó trong nỗ lực "chia tay" hàng nhập khẩu Trung Quốc - Ảnh 1.

Chính quyền Thủ tướng Ấn Độ Modi kêu gọi giảm sự phụ thuộc vào nền kinh tế Trung Quốc, nhưng thực tế không đơn giản như khẩu hiệu

Sameer Thadani, 31 tuổi, một thương nhân nhập khẩu các loại phụ kiện trang trí Trung Quốc để sản xuất túi xách cao cấp xuất khẩu sang Châu Âu đang chật vật vì lệnh hạn chế của chính quyền. Anh bày tỏ quan ngại sẽ mất lượng khách lớn một khi sử dụng các phụ kiện thay thế do Ấn Độ sản xuất. “Phụ kiện sản xuất ở Ấn Độ không thể so sánh về chất lượng và mẫu mã với các phụ kiện nhập khẩu từ Trung Quốc. Nếu các phụ kiện không chất lượng, toàn bộ diện mạo chiếc túi xách sẽ bị ảnh hưởng”.

Saurebh Potnis, giám đốc một công ty chuyên xuất khẩu bồn rửa tay cũng lâm vào tình trạng tương tự vì không thể tìm được loại van nào sản xuất trong nước có chất lượng và giá cả ngang với các loại van nhập khẩu từ Trung Quốc.

Chỉ một số ít lĩnh vực của nền kinh tế Ấn Độ ghi nhận sự sụt giảm kim ngạch nhập khẩu nguyên liệu từ Trung Quốc, nhưng nguyên nhân chủ yếu là do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 chứ không phải chính sách của chính phủ. Ví dụ, Santosh Kamble, chủ sở hữu doanh nghiệp sản xuất balo túi xách Bizcraft Solutions Private Limited có năng lực sản xuất khoảng 3 triệu sản phẩm mỗi năm cho hay: “Các thương hiệu lớn thường nhập khẩu túi may sẵn từ Trung Quốc. Các thương hiệu nội địa thì nhập khẩu khoảng 60% nguyên liệu từ Trung Quốc. Giờ đây, kim ngạch nhập khẩu đã giảm xuống mức gần 0, nhưng nguyên nhân là do ngành công nghiệp túi xách bị ảnh hưởng trầm trọng bởi đại dịch”.

Ông Kamble cho rằng kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ sớm phục hồi ngay khi đại dịch được kiểm soát. Ông kêu gọi chính phủ Ấn Độ tận dụng sự gián đoạn nhập khẩu hiện tại để tái cơ cấu chuỗi cung ứng quốc gia. Nhưng Ấn Độ có vẻ không đủ nguồn lực cần thiết cho một cuộc tái cơ cấu quy mô như vậy, nhất là khi quốc gia này trở thành một trong những ổ dịch Covid-19 lớn nhất toàn cầu.

Tuần trước, Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ xác nhận đất nước đã bước vào một cuộc suy thoái kỹ thuật “lần đầu tiên trong lịch sử”, sau khi ghi nhận mức tăng trưởng âm quý thứ hai liên tiếp. Cụ thể, quý II/2020, nền kinh tế lớn thứ ba Châu Á chứng kiến tăng trưởng -24%. Trong quý III/2020, kinh tế Ấn Độ tiếp tục tăng trưởng -8,6%. Các nhà phân tích kinh tế Oxford Economics trong tuần này dự báo kinh tế Ấn Độ sẽ tiếp tục tăng trưởng chững lại ở mức khoảng 4,5% cho đến năm 2025.

Mặc dù vậy, chính phủ ông Modi vẫn quyết tâm đi theo con đường ‘tự lực cánh sinh’. Một ngày sau khi 15 quốc gia Châu Á ký kết Hiệp định Hợp tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) mà không có Ấn Độ, Ngoại trưởng Jaishankar cho biết New Delhi quyết tâm rời bỏ các thỏa thuận thương mại để hướng tới “Ấn Độ tự cường” nhằm “củng cố sức mạnh quốc gia toàn diện”. Kết quả là các nhà sản xuất Ấn Độ ngày càng lâm vào cảnh khó khăn. Năng lực sản xuất trong nước không đủ để đáp ứng yêu cầu khách hàng nếu không có hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. 


NTTD
Cùng chuyên mục