Doanh nghiệp Âu - Mỹ sẽ tốn 1.000 tỷ USD để đưa các nhà máy rời Trung Quốc
Theo CNBC, nghiên cứu mới của Bank of America (BofA) cho thấy từ trước khi dịch Covid-19 bùng lên tại Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc) rồi lan rộng khắp thế giới, nhiều tập đoàn phương Tây đã bắt đầu quá trình dịch chuyển dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc tới các nước khác vì xung đột thương mại Mỹ - Trung, giá lao động ở Trung Quốc tăng cao...
Dịch Covid-19 là chất xúc tác khiến quá trình này tăng tốc mạnh mẽ. Theo thống kê của BofA, đại dịch khiến 80% lĩnh vực kinh doanh toàn cầu đối mặt với tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng.
Khoảng 67% doanh nhân tham gia vào khảo sát Global Fund Manager của BofA cho rằng việc các công ty đưa chuỗi cung ứng từ Trung Quốc về quê hương hoặc đến các thị trường khác sẽ là thay đổi lớn nhất trong thời kỳ sau dịch Covid-19.
BofA ước tính việc chuyển dây chuyền sản xuất hàng xuất khẩu không dành cho thị trường Trung Quốc ra khỏi quốc gia 1,4 tỷ dân có thể khiến các công ty Mỹ và châu Âu tiêu tốn 1.000 tỷ USD trong vòng 5 năm tới.
Nhóm chuyên gia của BofA nhận định các công ty toàn cầu có thể đối mặt với tình trạng suy giảm về tài sản và khả năng thanh toán. Điều đó có nghĩa là các tác động tiêu cực của xu thế di dời khỏi Trung Quốc "sẽ đáng kể nhưng không quá nghiêm trọng".
BofA cho rằng chính phủ các nước cần hỗ trợ doanh nghiệp dịch chuyển dây chuyền sản xuất ra khỏi Trung Quốc, có thể bằng các biện pháp như giảm thuế, cho vay lãi suất thấp, trợ cấp... Mỹ, Nhật Bản, EU hay Ấn Độ đều đã có những chương trình hỗ trợ doanh nghiệp.
BofA tin rằng cổ phiếu của ngành kỹ thuật xây dựng và máy móc, tự động hóa và robot, sản xuất thiết bị điện và điện tử, phần mềm ứng dụng và nhiều dịch vụ tương tự sẽ tăng nhờ xu hướng này. Các ngân hàng ở Bắc Mỹ, châu Âu và Nam Á cũng sẽ hưởng lợi nhờ những hoạt động kinh tế liên quan đến quá trình di dời.