Doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn: Cần bãi bỏ quy định cản trở kinh tế tuần hoàn

Thế Anh Thứ năm, ngày 21/09/2023 12:30 PM (GMT+7)
ĐBQH Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực UBKT của Quốc hội cho biết, không có đạo luật nào riêng về kinh tế tuần hoà mà các cơ chế chính sách sẽ nằm nhiều ở các quy định khác, các chính sách đầu tư khác.
Bình luận 0

Không có đạo luật riêng về kinh tế tuần hoàn

Đề án "Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam" đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 687/QĐ-TTg ngày 7/6/2022 đã xác định, cần "Tập trung ban hành các chính sách dài hạn nhằm khuyến khích, ưu đãi, tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế tuần hoàn trên cơ sở nâng cao nhận thức, sự chủ động, phát huy đổi mới sáng tạo và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, khuyến khích lối sống có trách nhiệm của từng cá nhân đối với cộng đồng và xã hội".

Doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn: Cần  bãi bỏ quy định cản trở kinh tế tuần hoàn - Ảnh 1.

ĐBQH Phan Đức Hiếu cho rằng, cần rà soát quy định pháp luật liên quan, nếu phát hiện quy định nào không tạo thuận lợi hoặc cản trở kinh tế tuần hoàn thì bãi bỏ ngay. Ảnh: TA

Nhằm phổ biến kiến thức, khuyến nghị chính sách và tạo đồng thuận xã hội, góp phần thúc đẩy phát triển nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn trong nước, ngày 21/9, tạp chí Nhà đầu tư đã ra mắt cuốn sách "Kinh tế tuần hoàn & những mô hình tiên phong".

Sáng 21/9, tại Hà Nội, Tạp chí Nhà đầu tư đã tổ chức lễ ra mắt cuốn sách "Kinh tế tuần hoàn & những mô hình tiên phong" và tọa đàm về những giải pháp tiếp theo nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn (KTTH) tại Việt Nam.

Đây là cuốn sách "Kinh tế tuần hoàn & những mô hình tiên phong" dày 540 trang khổ lớn, xuất bản song ngữ, tiếng Việt và tiếng Anh, đăng tải nhiều bài viết, công trình nghiên cứu của các tác giả là các nhà quản lý, các chuyên gia có uy tín, lãnh đạo các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Đánh giá về nội dung cuốn sách này, ĐBQH Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cho biết: "Cuốn sách có ý nghĩa cả về khoa học và thực tiễn, và là một tài liệu quý giá đối với cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước cũng như với các cơ quan hoạch định chính sách".

Ông Hiếu nhấn mạnh: "Cuốn sách là tập hợp các trường hợp điển hình về kinh tế tuần hoàn nên chủ đề đa dạng, đầy đủ và ấn tượng".

Doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn: Cần  bãi bỏ quy định cản trở kinh tế tuần hoàn - Ảnh 2.

ĐBQH Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội. Ảnh: Trọng Hiếu

Theo ông Hiếu, không chỉ có những thông tin mang tính chất nghiên cứu mà còn có những thông tin đa chiều, người đọc từ đó vừa phản biện, vừa chắt lọc với nhiều thông tin hữu ích. Thông tin không chỉ hữu ích với bạn đọc mà còn hữu ích với các cơ quan, bộ ngành liên quan trong công tác nghiên cứu, triển khai nhiệm vụ được đề ra tại Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về kinh tế tuần hoàn.

Bên cạnh những nội dung đã được đề cập trong cuốn sách, ông Hiếu hiểu rằng: "không có đạo luật nào riêng về kinh tế tuần hoà mà các cơ chế chính sách sẽ nằm nhiều ở các quy định khác, các chính sách đầu tư khác.

Cá nhân ông Hiếu cho rằng: "Trước hết cần rà soát quy định pháp luật liên quan, nếu phát hiện quy định nào không tạo thuận lợi hoặc cản trở kinh tế tuần hoàn thì bãi bỏ ngay.

Cũng theo ông Hiếu, đây có thể là giải pháp quan trọng. Trước khi có chính sách ưu đãi, thúc đẩy thì rà soát các quy định cản trở đã là hành động thiết thực. Điểm thứ 2 hiện nay là nhiều quy chuẩn.

Vì vậy, nếu rà soát tiêu chuẩn sản phẩm, việc quá chi tiết, cứng nhắc sẽ làm doanh nghiệp khó thay đổi, sáng tạo để phù hợp kinh tế tuần hoàn. Nên rà soát để làm sao có quy định những gì có hại doanh nghiệp không được làm còn lại doanh nghiệp có thể tự chủ.

Sau cuốn sách này nên có thêm 1 nghiên cứu hướng tới tập trung nghiên cứu sâu hơn để có những thực tiễn, chính sách tốt ở quốc tế, hay từ kinh nghiệm của cả Việt Nam để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn. Đối với doanh nghiệp, cần có nhiều trường hợp điển hình nhưng cũng nên cụ thể hơn ở các hướng dẫn để bắt đầu chuyển đổi kinh tế tuần hoàn như thế nào?

Doanh nghiệp nhỏ và vừa đang gặp nhiều khó khăn

Ở một góc nhìn khác, GS-TSKH. Nguyễn Mại nhận định kinh tế tuần hoàn không phải vấn của riêng Việt Nam mà chung của thế giới.

Tại Việt Nam, các tập đoàn kinh tế lớn đã có mô hình kinh tế tuần hoàn, nhưng doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) đang gặp nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh nên không có đủ nguồn lực chuyển sang kinh tế tuần hoàn.

Do vậy, cần có chính sách hỗ trợ DNNVV trong việc chuyển từ kinh tế tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn, cần điều tra, khảo sát lý do những doanh nghiệp muốn chuyển sang KTTH nhưng quá trình lại chậm và khó khăn.

Doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn: Cần  bãi bỏ quy định cản trở kinh tế tuần hoàn - Ảnh 3.

GS-TSKH. Nguyễn Mại. Ảnh: TA

"Còn đối với người dân, họ cũng đã có ý thức tự giác trong việc bảo vệ môi trường, tái chế nhựa,.. Tuy vậy, số lượng người dân hiểu về kinh tế tuần hoàn rất hạn chế. Vì vậy, các cấp ban ngành cần tham gia tuyên truyền nâng cao quan điểm, nhận thức cho người dân về kinh tế tuần hoàn", GS-TSKH. Nguyễn Mại bày tỏ.

Về phía doanh nghiệp, ông David Riddle, Tổng giám đốc điều hành Tập đoàn Tân Hiệp Phát cho rằng, để kinh tế tuần hoàn đi vào đời sống là một quá trình có thể mất thời gian và đòi hỏi sự thay đổi tư duy trong nhiều thế hệ. Trong đó, cần có cách tiếp cận mới, thậm chí cần động lực có tính chất kinh tế được đưa ra để khuyến khích tái chế.

Ông David Riddle dẫn chứng, như đặc khu hành chính Hồng Kông (Trung Quốc) đã tạo ra những biện pháp ngăn cản người tiêu dùng sử dụng nhựa dư thừa.

Ví dụ như thuế túi nhựa áp dụng cho tất cả các túi mua sắm bằng nhựa cho thành phố, điều này có nghĩa là nhựa dư thừa có giá trị. Hãy nghĩ đến nhựa tái chế như 1 nguyên liệu thô mới cho ngành công nghiệp rất thành công sắp tới. Điều này sẽ củng cố Việt Nam trở thành một quốc gia xanh hơn và có thể tạo ra hàng trăm ngàn nếu ko nói hàng triệu công việc mới.

Hiện tại trên thế giới đã có khá nhiều công nghệ để tạo ra và sử dụng nhựa tái chế. Thách thức nằm ở việc có cơ sở hạ tầng phù hợp để thực hiện điều này, trên quy mô lớn. Và một lần nữa đó là lý do tại sao việc hợp tác trên quy mô chưa từng có là cần thiết và cấp thiết.

"Đã đến lúc các doanh nghiệp cần phải tham gia một cách thực chất. Cần phải có hành lang pháp lý mạnh mẽ hơn quy định trách nhiệm cụ thể cho các nhà sản xuất, nhà phân phối về thu hồi, phân loại và tái chế hoặc thanh toán chi phí xử lý thải cho các sản phẩm thải bỏ", ông David Riddle kiến nghị.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem