Doanh nghiệp đầu mối có "lo" được nguồn cung hàng triệu tấn xăng dầu khi Nhà máy Nghi Sơn tạm dừng?

An Linh Thứ năm, ngày 27/07/2023 17:22 PM (GMT+7)
Chuyên gia xăng dầu cho rằng khi Lọc dầu Nghi Sơn dừng hoạt động 55 ngày để bảo dưỡng sẽ có một số xáo trộn, khó khăn. Còn doanh nghiệp xăng dầu đầu mối lo ngại khó đáp ứng nếu chính sách giá chưa sát thị trường và đảm bảo lợi ích cho doanh nghiệp.
Bình luận 0

Ai sẽ thay vai cho lọc dầu Nghi Sơn để đảm đương 40% nhu cầu xăng dầu cả nước?

Thông tin Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn sẽ dừng hoạt động 55 ngày kể từ ngày 25/8 đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận bởi hiện xăng dầu Nghi Sơn đang đáp ứng khoản 35-40% nhu cầu trong nước. Việc dừng hoạt động của Nhà máy Nghi Sơn trong hơn 1 tháng rưỡi đồng nghĩa với 35%-40% nhu cầu xăng dầu trong nước sẽ phải dồn lên vai doanh nghiệp khác, trong đó có Lọc hóa dầu Bình Sơn (Dung Quất) và 35 doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu phải đáp ứng nhu cầu cả nước.

Người dân lo ngại hơn khi mới trong năm 2022, thị trường xăng dầu biến động bất thường, thiếu xăng cục bộ xảy ra ở nhiều địa phương như TP. HCM, Hà Nội... do các doanh nghiệp đầu mối lỗ tỷ giá, giá xăng thế giới biến động lên xuống theo ngày, trong khi định kỳ 10 ngày, giá xăng trong nước mới được điều chỉnh. Chính việc chậm điều chỉnh này, khiến doanh nghiệp đầu mối, đại lý bán lẻ lỗ, khiến nhiều vấn đề cung cầu và thị trường xăng dầu bất ổn.

Doanh nghiệp đầu mối có "lo" được nguồn cung hàng triệu tấn xăng dầu khi Nhà máy Nghi Sơn tạm dừng? - Ảnh 1.

Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn sẽ tạm dừng hoạt động 55 ngày để bảo dưỡng, bắt đầu từ 25/8 (Ảnh BCT).

Trao đổi với PV Dân Việt về việc đầu mối xăng dầu có thể thay thế Nghi Sơn, cung ứng đủ 35-40% nhu cầu thiếu hụt sắp tới, ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội xăng dầu Việt Nam cho rằng: Thị trường xăng dầu có thể sẽ ảnh hưởng đôi chút về nguồn cung trong nước, song sẽ không quá lớn.

Ông Bảo cho rằng, kế hoạch tạm dừng hoạt động của Nghi Sơn đã được báo trước từ sớm, hơn 30 đầu mối nhập xăng dầu lớn trong nước đủ năng lực để nhập khẩu hàng. Hơn nữa, trước đây, chúng ta nhập khẩu 100% vẫn tốt, hiện nay cơ cấu nhập 30% nhu cầu, thì nhập thêm 35-40% của Nghi Sơn cũng không thành vấn đề.

Theo ông Bảo, thông lệ trên thế giới, các nhà máy lọc dầu cũng đều phải đại tu, sửa chữa sau 2 năm hoạt động. Việc dừng hoạt động sẽ phải lấy nguồn khác để bù vào.

Trước lo ngại giá biến động lên xuống thất thường sẽ ảnh hưởng đến lượng xăng dầu mà các doanh nghiệp cam kết nhập khẩu, ông Bỏa cho rằng: "Giá xăng dầu bao giờ cũng biến động, ngành kinh doanh xăng dầu là ngành kinh doanh đặc thù nên khi tham gia vào doanh nghiệp phải có chủ động về vấn đề này. Có thể lãi, có thể lỗ do tỷ giá là điều chấp nhận được. Nhưng về cách tính đúng tính đủ, hiện nay doanh nghiệp băn khoăn, lo lắng nhất. Họ mong chờ chính sách mới sẽ đưa ra để phần nào khắc phục nhược điểm về cơ chế giá trong suốt thời gian qua".

Ông Bảo cho rằng, cái gì thuộc về thị trường, nên để thị trường nên để thị trường quyết định. Nhà nước muốn quản lý tốt thị trường xăng dầu, cần có chính sách làm sao để nguồn cung đảm bảo, tính đúng, đủ của giá thành xăng dầu để đảm bảo doanh nghiệp nhập xăng về không chịu cảnh lỗ do giá bán.

Doanh nghiệp đầu mối có "lo" được nguồn cung hàng triệu tấn xăng dầu khi Nhà máy Nghi Sơn tạm dừng? - Ảnh 2.

Ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam

Cũng chia sẻ với Dân Việt, ông Phạm Văn Thoại, Chủ tịch HĐQT Saigon Petro cho rằng: Bộ Công Thương đã tăng phân giao thêm cho doanh nghiệp hơn 20.000 tấn/tháng, như vậy việc nhập khẩu mỗi tháng của doanh nghiệp là khoảng 70.000 tấn, đây là khối lượng rất lớn, doanh nghiệp rất khó khăn đáp ứng.

"Lỗi lo không hẳn là tỷ giá mà từ năm 2022 đến nay vẫn là cách tính đúng, đủ trong cơ chế giá bán. Mỗi lần nhập sẽ mất trung bình 7-10 ngày, nếu giá xăng dầu thế giới biến động theo ngày, trong nước 10 ngày mới thay đổi, doanh nghiệp đầu mối vẫn gặp bài toán cũ là lỗ do chênh lệch giá mua - giá bán", ông Thoại cho hay.

Thực tế, theo báo cáo của Bộ Công Thương, kể từ khi chính thức đi vào vận hành đến ngày 31/12/2022, Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn đã tiếp nhận khoảng 39,1 triệu tấn dầu thô, sản xuất khoảng 30 triệu tấn sản phẩm các loại, trong đó PVN đã bao tiêu khoảng 22,5 triệu tấn sản phẩm xăng dầu các loại. Trong năm 2022, Nhà máy đã cung cấp cho thị trường trong nước trên 6,2 triệu tấn xăng dầu các loại, đạt 92% so với kế hoạch đề ra.

Việc 100% sản lượng xăng dầu Nghi Sơn được bao tiêu, khiến phần còn lại của thị trường xăng dầu, trong đó có xăng dầu nhập khẩu phụ thuộc lớn vào cách "chia bài" - phân giao nguồn nhập về các đầu mối của Bộ Công Thương.

Quý I/2022, Bộ Công Thương cũng phân giao thêm sản lượng nhập khẩu xăng dầu cho doanh nghiệp đầu mối do nguồn cung của Nghi Sơn không đảm bảo. Tuy nhiên, ngay sau đó thị trường xăng dầu trong nước đã gặp bất ổn khi đầu mối nhập khẩu lỗ do chênh lệch giá bán lẻ thấp hơn giá thành và chi phí xăng dầu nhập khẩu về Việt Nam.

"Năm 2022, giá xăng dầu thế giới tăng theo ngày, tuần, trong khi giá bán lẻ trong nước vẫn 10 ngày thay đổi/ lần. Giá lên xuống khiến nhà nhập khẩu lỗ do chênh lệch giá, tỷ giá, rủi ro nhập khẩu tăng cao, doanh nghiệp nhận bài học lớn. Không biết sắp tới, họ có hồ hởi với kế hoạch tăng sản lượng mua thêm để gánh cho Nghi Sơn hay không", đại diện đầu mối xăng dầu phía Nam cho hay.

Theo doanh nghiệp, rủi ro lớn nhất của đầu mối chính là chênh lệch giá mua bán. Giá nhập theo cơ chế thị trường, nhưng giá bán vẫn quản lý theo định giá, trong điều kiện bình thường, giá ít biến động, tghị trường xăng dầu sẽ không gặp vấn đề. Tuy nhiên, trong điều kiện giá thế giới biến động theo ngày, thị trường sẽ dao động, rủi ro lớn cho doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem