Doanh nghiệp du lịch "đói mốc" sau giãn cách ly xã hội, hàng nghìn người lao động mất việc

Quang Dân Thứ năm, ngày 07/05/2020 12:34 PM (GMT+7)
Mặc dù quy định về giãn cách xã hội đã được nới lỏng, nhưng hầu hết các công ty du lịch vẫn gặp nhiều khó khăn do tâm lý hạn chế đến chỗ đông người, thắt chặt chi tiêu của khách hàng. Điều này khiến cho các dịch vụ hỗ trợ ngành du lịch cũng lao đao, hàng nghìn lao động gần như không có việc làm
Bình luận 0
Kinh doanh sau cách ly xã hội, DN ngành du lịch đang đối diện với những khó khăn gì? - Ảnh 1.

Chồng chất khó khăn

Ông Hồ Xuân Phúc, Tổng giám đôc Công ty Cổ phần Du lịch Thương mại và Đầu tư Hà Nội (HANOTOURS) cho biết, sau 3 ngày mở cửa đi làm trở lại, nhu cầu quan tâm của thị trường du lịch có dấu hiệu phục hồi. Tuy nhiên, tâm lý người dân khi làm việc với các đơn vị du lịch vẫn lo sợ tiền đặt cọc, mua tour không được hoàn trả khi dịch Covid-19 có nguy cơ bùng phát.

Ông Phúc cho rằng, thị trường quốc tế vẫn chưa được khôi phục, nhu cầu đi du lịch quốc tế không có. Bên cạnh đó, năm nay lịch học của học sinh, sinh viên bị thay đổi hoàn toàn, nên các trường học, doanh nghiệp chưa thể tính toán được lịch đi nghỉ dưỡng thế nào? ở đâu? như mọi năm.

Theo Tổng giám đốc HANOTOURS,  ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến toàn bộ doanh nghiệp đình trệ trong sản xuất kinh doanh, không có doanh thu, dẫn đến nhiều công ty tiến hành cắt giảm, không tổ chức hoạt động du lịch, thăm quan trong hè năm nay. Trong khí đó, đây là phân khúc khách hàng chiếm tỷ trọng lớn trong cao điểm du lịch, nên khả năng phục hồi trong thời gian này của ngành du lịch là rất khó.

"Bản thân những doanh nghiệp du lịch luôn luôn tìm kiếm kênh sản phẩm mới, để làm sao đáp ứng được nhu cầu của khách hàng để tăng nguồn thu. Thế nhưng hiệu quả đạt được không nhiều", anh Phúc cho hay.

Tương tự, đại diện của Công ty Thuê xe Trang Minh (Hà Nội) chia sẻ, dù công ty đã có chính sách giảm 30% so với giá thực để kích cầu, tuy nhiên nhu cầu đi lại vẫn còn thấp, lượng khách hàng trong thời gian qua chỉ đạt 20% so với cùng kỳ năm ngoái.

Dù giá xăng dầu giảm, song thực tế chi phí xăng dầu chiếm tỉ trọng không đáng kể so với chi phí cầu đường, bảo dưỡng xe, bảo hiểm xe... Trong đó có thể kể đến chi phí đường bộ, tuy Chính phủ đã hỗ trợ trong khoảng thời gian xe dừng hoạt động sẽ không phải đóng, nhưng thực tế để làm hoàn thiện các thủ tục thì rất khó, nên nhiều doanh nghiệp vẫn chấp nhận phải đóng khoản phí này.

"Xe vẫn phải tháo bình ắc quy ra gửi bãi, thậm chí để lâu quá không hoạt động chuột đã làm tổ trên xe, cắn đứt dây điện. Để có kinh phí duy trì hoạt động, công ty tiến hành cắt giảm nhân sự, tìm kiếm thêm khách hàng nhưng tình hình khó khăn vẫn chồng chéo thêm", vị đại diện này nói.

Cũng theo đại diện của Công ty Thuê xe Trang Minh, Chính phủ cũng có nhiều chính sách hỗ trợ, tuy nhiên doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận được với những chính sách thiết thực và hậu quả. Về phía ngân hàng vẫn được hỗ trợ nhưng chỉ đồng ý giãn nợ cho các tháng 4,5,6,. Dựa trên tình hình thực tế, sắp hết tháng 5 rồi nhưng vẫn chưa định hình được nguồn tiền trả nợ trong thời gian tới.

Kinh doanh sau cách ly xã hội, DN ngành du lịch đang đối diện với những khó khăn gì? - Ảnh 2.

Nhiều doanh nghiệp du lịch kêu cạn kiệt tiền khi tái khởi động kinh doanh sau cách ly xã hội

Chờ đợi gì trong thời gian tới?

Không chỉ các công ty du lịch bị ảnh hưởng bởi Covid-19, mà cả hàng ngàn hộ sản xuất, kinh doanh ăn theo du lịch cũng đang chật vật ứng phó với điều kiện hoạt động kinh doanh sau khi lệnh cách ly xã hội được dỡ bỏ.

Một chủ cửa hàng bán đồ lưu niệm trên phố Thợ Nhuộm (quận Hoàn Kiếm) cho biết, "Mặc dù đã được mở cửa trở lại từ cuối tháng 4, nhưng lượng khách của cửa hàng vẫn thưa thớt. Một phần do nhiều người vẫn hạn chế đến nơi công cộng, một phần khách du lịch nước ngoài - vốn thường mua sắm ở cửa hàng của chúng tôi chưa có cơ hội trở lại Hà Nội. Hiện tại, đã qua kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5, dịch Covid-19 tiếp tục được kiểm soát tốt, hy vọng lượng khách sẽ đông trở lại".

Trước đó, tại buổi tọa đàm về các giải pháp để hồi phục, phát triển kinh tế trong giai đoạn "bình thường mới" hậu Covid-19 ngày 5/5 tại TP. HCM, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Vietravel, doanh nghiệp lữ hành lớn nhất cả nước, cho biết dù quy định giãn cách xã hội đang từng bước được nới lỏng, ngành du lịch vẫn gặp rất nhiều khó khăn.

Ông dẫn chứng cơ sở lưu trú được mở cửa nhưng không có khách nên chi phí vận hành rất lớn, các địa phương chưa công bố kế hoạch mở cửa điểm đến đồng bộ nên doanh nghiệp lúng túng.

"Các công ty lữ hành ở TP. HCM và gần như trên cả nước đóng cửa 100%, đều phải cho nhân viên nghỉ không lương. Nhà hàng, khách sạn có tài sản thế chấp còn doanh nghiệp lữ hành chỉ có uy tín, thương hiệu, vay ngân hàng không được vì không có tài sản thế chấp nên ngân hàng không cho vay, dòng tiền cạn kiệt", Chủ tịch Vietravel nói.

Với chính sách hỗ trợ giãn nợ của hệ thống ngân hàng, ông Kỳ cho biết nếu xin giãn nợ, doanh nghiệp sẽ vào nhóm tín dụng xấu và việc vay vốn sau này sẽ rất khó. Trong khi đó, mức lãi suất với gói cho vay ngắn hạn 6 tháng sau khi giảm còn trên 5%/năm theo ông vẫn chưa giúp doanh nghiệp đỡ gánh nặng chi phí tài chính.

Về gói hỗ trợ 1,8 triệu đồng cho mỗi lao động bị tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ không lương tại các doanh nghiệp, ông Kỳ nêu thực tế việc giải ngân gói hỗ trợ này không đồng bộ giữa các địa phương và 1.700 nhân viên của Vietravel rất vất vả khi tiếp cận.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem