Doanh nghiệp FDI cần trợ lực từ người lao động địa phương

PV Thứ tư, ngày 23/03/2022 16:21 PM (GMT+7)
Tham vọng tăng doanh thu lên mức 300 triệu USD trong năm 2022, Công ty TNHH Giấy Lee & Man Việt Nam (Hậu Giang) quyết tâm vẫn duy trì mục tiêu bản địa hóa nhân sự, mở ra cơ hội việc làm cho người lao động địa phương và làm kinh tế hiệu quả.
Bình luận 0

Từ tháng 11/2021, Việt Nam ghi nhận số vốn đăng kí doanh nghiệp mới gần 150.000 tỷ đồng, chỉ số sản xuất công nghiệp cũng tăng 5.6% so với cùng kì năm trước bất chấp làn sóng dịch bệnh nghiêm trọng hơn.

Doanh nghiệp FDI cần trợ lực từ người lao động địa phương - Ảnh 1.

Công ty TNHH Giấy Lee & Man Việt Nam.

Khu vực "điểm hút vốn FDI" ĐBSCL cũng phát ra những tín hiệu tích cực khi đón nhận hơn 5.642 tỉ USD vốn đầu tư khối ngoại. Bên cạnh đó, ĐBSCL cũng chứng kiến sự vươn mình mạnh mẽ của các doanh nghiệp "lâu năm", đơn cư như Công ty TNHH Giấy Lee & Man Việt Nam (Công ty Giấy Lee & Man). Công ty này đã báo cáo con số doanh thu ròng hơn 6.700 tỉ đồng, tương đương với kết quả kinh doanh của năm 2020.

Nhiều chuyên gia nhận định năm 2022, kinh tế Việt Nam sẽ "vượt vũ môn" và hồi phục mạnh mẽ, với đóng góp lớn từ khối doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài. Ông Chung Wai Fu - Tổng giám đốc Công ty Giấy Lee & Man Việt Nam đã có khái quát hóa tình hình doanh nghiệp FDI tại Việt Nam và quan điểm lấy con người làm gốc rễ cho phát triển bền vững doanh nghiệp.

Thưa ông, tình hình dịch bệnh năm qua đã gây nhiều áp lực lên nền kinh tế, ông nhận định về tình hình thị trường trong năm nay như thế nào?

- Từ quý cuối năm ngoái, các doanh nghiệp tại TP. HCM và tỉnh thành phía Nam đã nhanh chóng trở lại quỹ đạo ban đầu, góp phần nâng mức tăng trưởng GDP toàn quốc ước tính tăng gấp rưỡi so với 2020.

Doanh nghiệp FDI cần trợ lực từ người lao động địa phương - Ảnh 2.

Ông Chung Wai Fu - Tổng giám đốc Công ty Giấy Lee & Man Việt Nam.

Tuy nhiên, đó cũng chỉ là bước đầu trong quá trình phục hồi. Doanh nghiệp vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức lớn, như: đứt gãy chuỗi cung ứng, giá nguyên vật liệu tăng,... đặc biệt đối với doanh nghiệp FDI, khi chuyên gia kỹ thuật, quản lý gặp khó khăn để vào Việt Nam. Từ đó làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu hụt lao động có chuyên môn cao, áp lực duy trì đơn hàng cuối năm, thiếu vốn để sản xuất, kinh doanh,...Theo tôi, đây là khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp FDI kể từ khi có dịch bệnh.

Vậy Công ty Giấy Lee & Man đã vượt qua được khó khăn trên như thế nào để giữ vững được thành tích kinh doanh ổn định?

- Với hoàn cảnh đặc biệt cuối năm ngoái, chúng tôi quyết tâm hoàn thành mục tiêu kép chống dịch hiệu quả, sản xuất an toàn và không ngừng chăm lo cho đời sống an sinh của người lao động địa phương. Trong tầm nhìn dài hạn, chúng tôi luôn lấy yếu tố con người làm gốc rễ, bên cạnh yếu tố môi trường và tạo ra tiêu chuẩn sản phẩm của riêng mình. Có thể nói, chiến lược đó chính là chìa khóa để Lee & Man vượt qua khủng hoảng.

Ở góc độ người dân địa phương, họ cần một công việc ổn định và nâng cao chất lượng cuộc sống. Ở góc nhìn doanh nghiệp, chúng tôi cần cả chất lượng và số lượng nguồn nhân lực lành nghề và tận tâm cống hiến. Cùng tầm nhìn lấy con người làm gốc, chúng tôi tập trung triển khai chiến lược bản địa hóa nhân sự, đưa người dân địa phương lên vị trí lãnh đạo trong công ty, chúng tôi tin rằng nhà máy chỉ có thể thành công nếu được vận hành bởi những người am hiểu từng cành cây, chiếc lá ở đây.

Chiến lược bản địa hóa nhân sự được thực thi với những hoạt động cụ thể nào, thưa ông?

- Chúng tôi đã có nhiều hoạt động đào tạo đội ngũ cán bộ, nhân viên nâng cao trình độ tay nghề. Ví dụ chương trình đào tạo ngành sản xuất và kỹ thuật điện cho cán bộ nhân viên. Chúng tôi còn thông qua chính sách đãi ngộ về tiền lương, tiền thưởng, bảo hiểm…, để đảm bảo đời sống cho họ. Chỉ sau 2 năm, Lee&Man tự hào xây dựng thành công đội ngũ nhân viên trình độ tay nghề cao. Tính đến nay, 95% nhân viên công ty là lao động địa phương, trong đó 50% nhân sự điều hành cấp cao là người Việt.

Lực lượng lao động tỉnh Hậu Giang sẽ được lợi như thế nào từ chiến lược đó?

- Thông qua bản địa hóa nhân sự, người lao động địa phương dần có thu nhập ổn định, bớt lệ thuộc vào nghề trồng trọt, thuê mướn bấp bênh hay chuyển sang địa phương khác. Chất lượng cuộc sống khu vực từ đó dần cải thiện, giải quyết phần nào vấn đề an sinh.

Ở khía cạnh doanh nghiệp, nhờ không nhỏ vào chính sách đó, chỉ sau 4 năm hoạt động, chúng tôi đã vươn lên dẫn đầu ngành sản xuất Việt Nam, cùng 4 giải thưởng CSI của VBCSD liên tiếp các năm. Như đã nói, chính chiến lược này giúp Lee&Man vượt qua giai đoạn Covid nặng nề nhất. Trong năm 2022, chúng tôi kì vọng tăng doanh thu lên 300 triệu USD; tiếp tục mở rộng đội ngũ cán bộ, nhân viên trình độ tay nghề cao và gắn bó lâu dài với công ty.

Chúng tôi tự hào khi đã chọn đúng chiến lược ngay từ ngày đầu hoạt động tại Việt Nam. Đây vẫn sẽ là chiến lược mục tiêu của Lee & Man trong những năm sắp tới. Tôi tin rằng, bản địa hóa nhân sự chính là xu hướng cốt lõi cho sự phát triển bền vững của các doanh nghiệp FDI Việt Nam.

Cảm ơn chia sẻ của ông!


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem