Doanh nghiệp không đóng bảo hiểm xã hội: Học kinh nghiệm xử lý từ Trung Quốc!
Chiều 4/10, báo cáo việc quản lý, sử dụng Quỹ bảo hiểm xã hội tại phiên họp của Uỷ ban về các vấn đề xã hội, Bộ trưởng Lao động Thương binh Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, tiền thu theo quy định đến hết 2018 là gần 220.500 tỷ đồng, tăng 12,9% so 2017.
Trong khi đó, tổng chi bảo hiểm xã hội ước thực hiện năm 2018 hơn 155.600 tỷ đồng. Số lượng người tham gia bảo hiểm thất nghiệp, tự nguyện đã tăng vượt kế hoạch.
Tổng số dư quỹ bảo hiểm xã hội đến năm 2018 là hơn 727.800 tỷ đồng, trong đó đầu tư trái phiếu Chính phủ hơn 620.500 tỷ đồng (chiếm 85,26%), đầu tư vào các ngân hàng thương mại gần 107.300 tỷ đồng (chiếm 14,74%). Trong 620.535,5 tỷ đồng đầu tư trái phiếu Chính phủ có 6.000 tỷ đồng trái phiếu chính phủ Chính phủ nhận nợ. Kết dư toàn bộ quỹ tăng mỗi năm khoảng 20% trong 5 năm qua.
"Việc cựu lãnh đạo bảo hiểm xã hội bị bắt và "xử lý một vài nghìn tỷ đồng" không ảnh hưởng đến quỹ này. Không có chuyện quỹ khó khăn này nọ đâu; không phải vì chuyện bắt bớ, xử lý một vài nghìn tỷ đồng mà ảnh hưởng đến quỹ và cho là vỡ quỹ", ông Dung khẳng định.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Lao động Thương binh Xã hội cho hay, một khó khăn lớn đối với Bảo hiểm xã hội là lượng lớn lao động, doanh nghiệp diện bắt buộc nhưng chưa tham gia bảo hiểm. Cụ thể, 610.000 doanh nghiệp đang hoạt động nhưng chỉ mới 327.000 doanh nghiệp đóng bảo hiểm xã hội.
Như vậy, có tới hơn 283.000 doanh nghiệp hoạt động chưa đóng bảo hiểm xã hội. Theo ông Dung, đây là một con số rất lớn, nếu chúng ta không siết chặt thì sẽ khó khăn.
Với vấn đề này, Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm từ Trung Quốc. Tại Quốc gia này, tất cả doanh nghiệp không đóng bảo hiểm xã hội sẽ bị phạt tiền, nếu vẫn không chấp hành thì phong tỏa tài sản." Đây là kinh nghiệm tốt mà Việt Nam có thể học hỏi", vị này khẳng định.
Ngoài ra, ký hợp đồng với cơ quan thuế để thu bảo hiểm xã hội cũng là cách Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề xuất. Theo ông, thu thuế được thì cũng sẽ thu bảo hiểm được.
Hiện nay, quỹ bảo hiểm xã hội cũng có khoản nợ khó thu do doanh nghiệp mất tích, phá sản, giải thể, chủ bỏ trốn khoảng 2.500 tỷ đồng.
Trong số đó, doanh nghiệp đã phá sản, giải thể hơn 500 tỷ, còn lại là doanh nghiệp mất tích 1.300 tỷ đồng. Tuy nhiên, luật hiện hành chưa quy định cách nhận diện loại doanh nghiệp này nên Bộ trưởng Lao động Thương binh Xã hội đề nghị cơ quan chức năng bàn thêm giải pháp để xử lý.