Doanh nghiệp muốn được việc phải “chung chi”

Hoàng Thắng Thứ tư, ngày 17/05/2017 12:58 PM (GMT+7)
“Một bộ phận cán bộ, công chức vẫn thể hiện sự thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm. Không hướng dẫn hoặc hướng dẫn không hết mà tìm cách bắt lỗi DN, không coi DN là đối tượng phục vụ. Do đó, DN phải đi đêm, chung chi, theo tinh thần của công chia ba, của nhà chia đôi” - Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Nguyễn Văn Thân chia sẻ.
Bình luận 0

img

ÔngThân cho biết oanh nghiệp muốn được việc phải “chung chi”

Nhìn lại kết quả 1 năm thực hiện Nghị quyết 35 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp (DN) đến năm 2020, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) thể hiện sự đồng tình với các báo cáo của Văn phòng Chính phủ, VCCI, Bộ KH&ĐT.

Theo đó, Hiệp hội hiểu rõ khó khăn của DN. Đồng thời, đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ, Thủ tướng, các Bộ, ngành, địa phương trong tháo gỡ rào cản cho DN.

Song  DN vẫn gặp phải khó khăn, nổi bật nhất chính gánh nặng chi phí. Về chi phí chính thức, kết quả cải cách thủ tục hành chính và thể chế đã giúp giảm nhiều chi phí chính thức, nhất là trong những lĩnh vực như thuế, hải quan, tạo một bước tiến về môi trường kinh doanh.

Tuy nhiên, chi phí tuân thủ pháp luật trong một số lĩnh vực còn cao, một số quy định chồng chéo, phức tạp làm tăng thời gian và chi phí cho DN. Chi phí tiếp cận một số dịch vụ công như cấp chứng chỉ hành nghề, trong lĩnh vực đất dai, xây dựng, tiếp cận tín dụng… chưa có sự cải thiện.

Trong các lĩnh vực mà DN thường xuyên bị kiểm tra như thuế, hải quan, đánh giá tác động môi trường, phòng cháy chữa cháy… DN còn phải chi các khoản không chính thức. Chi phí còn cao khiến giá thành sản phẩm cao, làm giảm khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, ảnh hưởng tới quyền lợi người tiêu dùng.

Lý giải nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên, ông Nguyễn Văn Thân cho biết: “Dù Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách, giải pháp. Song khâu thực thi vẫn là khâu yếu nhất, một bộ phận cán bộ, công chức vẫn thể hiện sự thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm. Không hướng dẫn hoặc hướng dẫn không hết mà tìm cách bắt lỗi DN, không coi DN là đối tượng phục vụ.

Do đó, DN phải đi đêm, chung chi, theo tinh thần của công chia ba, của nhà chia đôi. DN hiểu một phần lý do là tiền lương của cán bộ, công chức còn thấp, đạo đức công vụ thấp, nên họ phải tìm nguồn thu nhập thêm”.

Tuy nhiên, ông Thân cũng cho rằng lỗi không tới từ một phía, bởi một bộ phận DN nhận thức không đúng về kinh tế thị trường, thiếu năng lực cạnh tranh nên tìm cách cạnh tranh bằng quan hệ, đi đêm, đi ngầm…

img

Để xảy ra tình trạng chung chi, lỗi không tới từ một phía

Một số khác do bị sức ép từ các công chức nên phải chi để được việc mặc dù nhận thức được việc làm này là không đúng, vi phạm pháp luật. Nhưng vì sự tồn tại của DN, vì việc làm, nên họ vẫn miễn cưỡng thực hiện.

“Nếu các chi phí không chính thức không được đẩy lùi, sẽ gây muôn vàn khó khăn cho DN, khiến DN mệt mỏi, chán chường, nản chí kinh doanh, bóp méo tư tưởng cạnh tranh, giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp và của quốc gia, làm hỏng bộ máy, giảm niềm tin của nhân dân”, ông Thân bày tỏ quan điểm.

Theo ông Thân, để dẹp nạn lót tay, chung chi, cần sự chung tay và thực tâm từ hai phía là cơ quan Nhà nước và doanh nghiệp. Về phía các DN, cần xây dựng tập quán, thói quen tuân thủ pháp luật, đề cao đạo đức, văn hóa kinh doanh, làm giàu chân chính là yêu nước, nói không với tiêu cực, nâng cao năng lực quản trị…

Theo đó, Hiệp hội mong muốn các tập đoàn, DN lớn, DN FDI hỗ trợ, liên kết với các DN nhỏ và vừa trong chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ, tiêu thụ… để các DN nhỏ và vừa tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị.

Với Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng, các Bộ, ngành, cần có giải pháp tăng cường kỷ luật, kỷ cương, khen thưởng kịp thời các cán bộ công chức có trách nhiệm, nêu cao tinh thần phục vụ doanh nghiệp. Chỉ đạo các cơ quan phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội trình Quốc hội Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, đây là đạo luật quan trọng, trong đó đề nghị Quốc hội giao nhiệm vụ cụ thể cho Hiệp hội.

Theo báo cáo sơ kết về kết quả thực hiện Nghị quyết 35 vừa được VCCI công bố. Về chi phí không chính thức, theo kết quả nghiên cứu PCI, 66% trong số 11.000 doanh nghiệp được hỏi xác nhận trả loại phí này. Nhìn chung, tình hình không có mấy cải thiện qua các năm. Có từ 9 - 11% doanh nghiệp tham gia điều tra từ năm 2014- 2016 cho biết các khoản chi phí cho riêng mục này chiếm tới hơn 10% tổng doanh thu của họ, cao hơn hẳn mức 6 - 8% giai đoạn 5 năm trước.

Tình trạng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp vẫn phổ biến, chỉ tiêu này dù được cải thiện trong 2 năm qua, giảm từ 65% trong giai đoạn 2013 - 2014 xuống còn 58% vào năm 2016. Tuy nhiên, con số này vẫn cao so với kết quả điều tra các năm trước đó. Các thường phải trả các chi phí không chính thức khi làm thủ tục cấp mặt bằng sản xuất kinh doanh, tiếp đón thanh tra, kiểm tra, thủ tục cấp giấy phép kinh doanh có điều kiện.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem