'Doanh nghiệp nỗ lực giữ việc làm cho người lao động là điều đáng khích lệ nhất trong bối cảnh hiện nay'
LTS: Covid-19 khiến cả thế giới lao đao cũng chính là thời điểm mà tầm vóc doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam được khắc họa rõ nét nhất.
Không chỉ bản lĩnh, kiên cường vượt qua khó khăn, các doanh nhân còn đồng hành, chung tay cùng Chính phủ hỗ trợ người dân, đối tác, hỗ trợ nước bạn trong phòng chống dịch.
Đặc biệt, những nỗ lực của cộng đồng doanh nhân - những người chủ doanh nghiệp, trong việc giữ việc làm và thu nhập cho người lao động trong bối cảnh khó khăn hiện nay, có thể xem là một đóng góp to lớn đối với sự ổn định và phát triển của kinh tế - xã hội quốc gia.
Nhân kỷ niệm 16 năm ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10/2004 – 13/10/2020), VietnamFinance có cuộc trao đổi với chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan để thấu suốt hơn sự đóng góp to lớn mà lặng thầm này của cộng đồng doanh nhân Việt Nam:
- Theo dõi tình hình kinh tế - xã hội hơn 9 tháng qua, bà có nhận định thế nào về sức khỏe của các doanh nghiệp Việt Nam?
Bà Phạm Chi Lan: Có thể nói chưa bao giờ tình hình hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp lại trở nên khó khăn như năm nay. Trừ một vài ngành phục vụ cho công tác chống dịch như sản xuất khẩu trang, sản xuất các sản phẩm y tế liên quan… phần lớn hoạt động kinh doanh của các công ty đều không thuận lợi.
Các ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất có thể kể đến là du lịch, vận tải hàng không… và đặc biệt khó khăn vào thời điểm giãn cách xã hội.
Những khó khăn này dẫn đến tốc độ tăng trưởng của cả nước bị suy giảm, thể hiện ở con số GDP thấp kỉ lục qua từng quý.
Những khó khăn của doanh nghiệp cũng không hẳn chỉ đến từ trong nước, từ giãn cách xã hội mà còn một phần do thị trường thế giới, khi các nền kinh tế lớn đều tăng trưởng chậm lại, nhất là về tiêu dùng.
- Trong bối cảnh đó, việc giữ được việc làm, thu nhập cho người lao động là một nỗ lực rất lớn và có thể xem là một đóng góp to lớn cho nền kinh tế nước nhà của cộng đồng doanh nghiệp...
Chắc chắn rồi! Đây có lẽ là điều đáng khích lệ nhất trong bối cảnh khó khăn chung do dịch bệnh gây ra. Mặc dù nhà nước cũng đã cố gắng thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công để hỗ trợ tăng trưởng nhưng công tác này vẫn diễn ra quá chậm, không đáp ứng được yêu cầu. Do vậy, đóng góp vào tăng trưởng trong năm vừa qua, có phần khá lớn đến từ cộng đồng doanh nghiệp.
Tôi đánh giá cao những đóng góp vào tăng trưởng của cộng đồng doanh nghiệp, dù có thấp hơn so với các năm trước những vẫn thuộc vào loại khá trên thế giới.
- Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều gói hỗ trợ để giúp cộng đồng doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Tuy nhiên, các gói hỗ trợ đến nay vẫn chưa phát huy được tối đa vai trò của mình. Bà có nhận định như thế nào về tình trạng này?
Chính phủ đã phản ứng rất kịp thời trong việc đưa ra giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp, tuy nhiên số doanh nghiệp tiếp cận được các gói hỗ trợ này lại quá ít, đây là điều rất đáng tiếc. Đáng ra, nếu Chính phủ đã có chính sách hỗ trợ thì các thủ tục phải đơn giản và hợp lý hơn.
Thực tế cho thấy việc người lao động và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 tiếp cận được các gói hỗ trợ của Chính phủ là cực kỳ khó. Đây là thực tế hết sức bất cập và điều này phần nào đó thể hiện tinh thần thiếu trách nhiệm, thậm chí là vô cảm của các cấp thực hiện.
Nếu các gói hỗ trợ này đến được tay của người lao động và các doanh nghiệp trong thời điểm khó khăn thì điều này có thể giúp họ phần nào đó vượt qua nghịch cảnh và trụ lại được.
Có thể nói chủ trương chung của nhà nước rất tốt, nhưng việc thực thi lại có rất nhiều vấn đề. Đáng lẽ ra, vào thời điểm này, cơ quan nhà nước cần có một cách tiếp cận khác để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận các gói hỗ trợ.
- Theo bà, Chính phủ nên làm gì đối với các gói hỗ trợ tiếp theo?
Theo tôi, trước hết nhà nước cần phải điều chỉnh những quy định bất hợp lý. Ngoài ra, nhà nước cũng cần xem xét điều chỉnh lại các lĩnh vực cần được hỗ trợ, bởi càng ngày sự ảnh hưởng của dịch bệnh tới các ngành càng rõ hơn.
Bên cạnh đó, ngoài việc hỗ trợ cho những nơi đang gặp khó khăn, nhà nước cũng nên tính đến việc hỗ trợ cho những ngành mới. Nguyên nhân là trên thị trường hiện nay có nhiều nhu cầu đã thay đổi, có những ngành có thể sống được và cũng có những ngành đã không còn tương lai nữa.
Điều này cho thấy rằng chúng ta cũng cần phải tính toán, rút bớt sự quan tâm cho những ngành không có tương lai để tập trung cho những lĩnh vực có tương lai tốt hơn.
Xin cảm ơn bà về cuộc trao đổi này!
TS Vũ Tiến Lộc: 'Muốn vượt bẫy thu nhập trung bình phải phá bẫy chất lượng thể chế trung bình'