Doanh nghiệp vận tải "kiệt sức" lao đao nguy cơ phá sản

08/09/2021 18:31 GMT+7
Những ngày qua, nhiều doanh nghiệp vận tải đều bày tỏ sự lo lắng khi "sức cùng lực kiệt", đối diện nguy cơ phá sản bởi không có nguồn thu, nhưng vẫn phải gồng gánh các khoản thuế, phí, nợ ngân hàng...

Theo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 và 8 tháng năm 2021 của Tổng cục Thống kê đánh giá, hoạt động vận tải trong tháng 8 gặp khó khăn khi nhiều địa phương tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg.

Đáng chú ý, tính đến nay, đã có 540 doanh nghiệp vận tải, kho bãi đã hoàn tất thủ tục giải thể. Nhiều doanh nghiệp vận tải lao đao đi tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn.

Tổng cục Thống kê cho biết, tình hình hiện nay coi là bi đát nhất từ đầu năm, khi vận tải hành khách tháng 8 ước tính đạt 60,7 triệu lượt khách vận chuyển, giảm sâu 75,9% so với cùng kỳ năm trước và luân chuyển 2 tỷ lượt khách.km, tụt dốc 80,3%.

Doanh nghiệp vận tải "kiệt sức" lao đao nguy cơ phá sản - Ảnh 1.

Phương tiện vào bến xe Nước Ngầm để tài xế test nhanh Covid-19. Ảnh: Thế Anh

Vận tải hàng hóa tháng 8 ước tính đạt 91,1 triệu tấn hàng hóa vận chuyển, giảm 39,3% so với cùng kỳ năm trước và luân chuyển 21,1 tỷ tấn.km, giảm 21,8%.

Tính chung 8 tháng năm 2021, vận tải hành khách đạt 1.926,7 triệu lượt khách, nối tiếp đà giảm 18,8% so với cùng kỳ, cùng kỳ năm 2020 cũng giảm 28,4%. Luân chuyển đạt 80,1 tỷ lượt khách.km, giảm 25,9%, cùng kỳ 2020 giảm 34,2%.

Trong đó, vận tải trong nước đạt 1.926,6 triệu lượt khách, giảm 18,7% và 79,7 tỷ lượt khách.km, giảm 19,1%. Vận tải ngoài nước đạt 98,4 nghìn lượt khách, giảm 96,4% và 484,8 triệu lượt khách.km, giảm 95%.

Xét theo ngành vận tải, vận tải hành khách đường bộ 8 tháng dẫn đầu, đạt 1.782 triệu lượt khách vận chuyển, giảm 18,9% so với cùng kỳ năm trước và 65 tỷ lượt khách.km luân chuyển, giảm 18,7%.

Thấp nhất là đường biển đạt 3,9 triệu lượt khách vận chuyển, giảm 20% và 202,4 triệu lượt khách.km luân chuyển, giảm 7,8%. Kế đến, đường sắt đạt 1,2 triệu lượt khách vận chuyển, giảm 54,5% và 528,6 triệu lượt khách.km luân chuyển, giảm 55,8%.

Chia sẻ về khó khăn của các doanh nghiệp vận tải, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho biết, hiện nay, hàng loạt doanh nghiệp trong lĩnh vực vận tải ô tô đang sống "thoi thóp" và đứng trước nguy cơ phá sản.

Nguyên nhân là do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 của Thủ tướng chính phủ, dẫn tới hoạt động vận tải bị ngưng trệ.

"Hiệp hội đã nhiều lần kiến nghị các giải pháp hỗ trợ như giảm lãi suất, giảm, giãn nợ nhưng đến nay nhiều doanh nghiệp chưa được hưởng. Các khoản nợ ngân hàng vẫn chưa thể trả đúng hạn, các chính sách hỗ trợ khác, doanh nghiệp cũng khó tiếp cận", ông Quyền nói.

Cũng theo đại diện một doanh nghiệp vận tải chia sẻ, đơn vị đầu tư 19 xe giường nằm loại 41 giường, 9 xe giường nằm VIP loại 20 buồng riêng (mỗi xe gần 4 tỷ đồng) và hàng chục xe khác để chở khách du lịch.

Hơn 70% tiền mua xe là vay ngân hàng, mỗi tháng Công ty trả cả gốc và lãi đến 540 triệu đồng mà bây giờ vận tải hành khách dừng hoạt động dẫn tới nguồn thu không có. Giờ bán xe cũng chẳng ai mua vì họ mua cũng không biết làm gì.

Doanh nghiệp vận tải "kiệt sức" lao đao nguy cơ phá sản - Ảnh 2.

Phương tiện của các doanh nghiệp vận tải tại Bến xe Nước Ngầm. Ảnh: Dân Việt

Cũng theo Ông Nguyễn Công Hùng, Giám đốc taxi Mai Linh vùng I, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội cho biết, trong 2 năm qua, khi dịch bùng phát, các doanh nghiệp vận tải đã phải đối diện với nhiều khó khăn, doanh thu giảm 80%, không thể có ngay dòng tiền một lúc để trả nợ cho toàn bộ khoản vay được cơ cấu.

Nghiên trọng hơn là 2 tháng vừa qua, hoạt động vận tải hành khách tại Hà Nội đã dừng, khiến cho doanh thu sụt giảm 100%, trong khi đó, các khoản chi phí về bến bãi, lãi vay, đăng kiểm,... doanh nghiệp vẫn phải tự xoay sở để lo chi trả.

Theo ông Hùng, việc Hà Nội tạm dừng hoạt động vận tải khiến cho những tháng quam các doanh nghiệp không có nguồn thu để trả nợ nhưng các ngân hàng lại không thể cơ cấu nợ, và cho vay vì vướng quy định tại các Thông tư 03 của Ngân hàng Nhà nước.

Thông tư 03 được ban hành vào tháng 4/2021, tại thời điểm đó, Ngân hàng Nhà nước chưa lường được đợt dịch lần thứ 4 nghiêm trọng như hiện nay. Thông tư này quy định thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ không vượt quá 12 tháng là không thực tế, với quy định này nhiều doanh nghiệp không thể cơ cấu lại được các khoản nợ.

"Để hỗ trợ kịp thời doanh nghiệp kiến nghị cần sửa quy định này theo hướng thời gian cơ cấu lại trong trường hợp kéo dài thêm một khoảng thời gian trả nợ không vượt quá 36 tháng kể từ ngày cuối cùng của thời hạn cho vay", ông Hùng đề xuất.

Cũng theo ông Hùng, quy định cơ cấu lại thời hạn trả nợ chỉ được thực hiện đến 31/12/2021 trong Thông thư chưa phù hợp. Trước tình hình dịch bệnh hiện nay, doanh nghiệp không thể trả nợ trước 31/12/2021 như quy định. Quy định như vậy gây vướng cho doanh nghiệp và tổ chức tín dụng muốn cứu doanh nghiệp cũng không có đủ cơ sở.

Ngoài ra, việc chỉ cơ cấu các khoản nợ phát sinh trước ngày 10/6/2020 theo Thông tư 03 cũng không còn phù hợp. Việc không thực hiện cơ cấu được sẽ khiến các khoản nợ giải ngân từ ngày 10/6/2020 sẽ bị chuyển nợ xấu và ảnh hưởng đến hoạt động của tổ chức tín dụng. Để gỡ khó cho doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước cho phép các khoản nợ phát sinh trước ngày 1/5/2021 cũng được cơ cấu nợ.



Thế Anh
Cùng chuyên mục