Doanh nghiệp Việt cần gạt bỏ tâm lý e ngại, nghiêm túc tham gia kiện phòng vệ thương mại

An Linh Thứ hai, ngày 18/12/2023 10:25 AM (GMT+7)
"Để ứng phó với những vụ kiện phòng vệ thương mại, bà Thảo cho rằng, doanh nghiệp Việt phải gạt bỏ tâm lý e ngại, phải chủ động và nghiêm túc trong vấn đề tham gia vào các vụ việc…", luật sư Nguyễn Thị Phương Thảo, Phó trưởng Văn phòng Luật IDVN nói.
Bình luận 0

Theo khuyến cáo của Bộ Công Thương, các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu của Việt Nam cần lưu ý tìm hiểu và cập nhật quy định pháp luật của Mỹ, đặc biệt các quy định có ảnh hưởng đáng kể đến việc tiếp cận thị trường như quy định về phòng vệ thương mại, nguồn gốc xuất xứ…

Các cơ quan chức năng của Việt Nam, và các doanh nghiệp bày tỏ mong muốn, Mỹ sớm công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường, bởi điều này sẽ giúp hàng Việt có lợi thế trong các cuộc điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp.

Doanh nghiệp Việt cần gạt bỏ tâm lý e ngại, nghiêm túc tham gia kiện phòng vệ thương mại - Ảnh 1.

6 năm trước, Mỹ chủ yếu điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp; gần đây họ chuyển hướng sang điều tra chống lẩn tránh (LS Nguyễn Thị Phương Thảo cho hay).

Trong các vụ điều tra chống bán phá giá, việc bị coi là nền kinh tế phi thị trường có ảnh hưởng lớn tới các DN. Đơn cử, khi tính toán biên độ phá giá, Mỹ sẽ sử dụng giá trị của một nước thứ 3 được coi là có kinh tế thị trường để tính toán chi phí sản xuất của các DN Việt Nam thay vì dùng dữ liệu do các đơn vị này cung cấp (ví dụ như vụ việc điều tra chống bán phá giá của sản phẩm nhôm ở phía trên). Điều này khiến biên độ phá giá bị đẩy lên rất cao và không phản ánh thực trạng sản xuất của các DN Việt Nam.

Theo luật sư Nguyễn Thị Phương Thảo, Phó trưởng Văn phòng Luật IDVN, đánh giá DN xuất khẩu vào Mỹ gặp nhiều vụ điều tra phòng vệ thương mại. 6 năm trước, Mỹ chủ yếu điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp; gần đây họ chuyển hướng sang điều tra chống lẩn tránh, gian lận xuất xứ, tần suất tăng đáng kể.

Nguyên nhân, bà Thảo chỉ ra là do hàng hóa Việt Nam tạo áp lực cạnh tranh lớn với hàng hóa tương tự của thị trường Mỹ, lượng xuất khẩu của hàng Việt Nam vào thị trường Mỹ gia tăng, trong khi quốc gia bị Mỹ áp thuế lại sụt giảm dẫn đến họ nghi giả mạo xuất xứ…

"Một số mặt hàng như tủ gỗ đang chịu cuộc điều tra liên quan tới chống lẩn tránh, sử dụng bán thành phẩm từ Trung Quốc. Nếu biện pháp chống lẩn tránh không có nhiều hiệu quả thì phía nguyên đơn Mỹ sẽ tính đến đề nghị điều tra chống bán phá giá; hay đá nhân tạo cũng là sản phẩm có nguy cơ cao", bà Thảo chỉ ra.

Để ứng phó với những vụ kiện phòng vệ thương mại, bà Thảo cho rằng, DN Việt phải gạt bỏ tâm lý e ngại, phải chủ động và nghiêm túc trong vấn đề tham gia vào các vụ việc. Ngoài các thông tin liên quan tới tiêu chí kỹ thuật, tiếp cận thị trường thì cần phải chủ động tìm hiểu quy định cơ bản về phòng vệ thương mại tại các quốc gia đó. DN cũng phải thường xuyên theo dõi và cập nhật các thông tin về thị trường.

Tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ mới đây, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cũng nhấn mạnh: Việt Nam đề nghị các doanh nghiệp Mỹ quan tâm đến các DN Việt Nam, góp tiếng nói mạnh mẽ để Việt Nam sớm được công nhận là nền kinh tế thị trường. Đây là cơ sở rất quan trọng để thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư Việt Nam – Mỹ phát triển hiệu quả, bình đẳng, lành mạnh và bền vững.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem