Độc đáo món ăn sáng bánh quẩy chấm cà phê

Bạch Dương Chủ nhật, ngày 17/10/2021 18:00 PM (GMT+7)
Từng là món ăn sáng khá phổ biến thời Sài Gòn xưa nhưng đến nay đã gần như mất bóng, chỉ còn thấp thoáng đâu đó trong một quán cà phê đặc biệt.
Bình luận 0
Độc đáo món ăn sáng bánh quẩy chấm cà phê - Ảnh 1.

Cà phê Đỗ Phủ, còn được biết đến là "cà phê biệt động Sài Gòn". Ảnh: B.D

Bánh quẩy chấm cà phê, món ăn sáng quen thuộc của nhiều người dân Sài Gòn cách đây mấy chục năm, nay xuất hiện tại cà phê Đỗ Phủ, từng là nơi hoạt động của Biệt động Sài Gòn, nằm cuối đường Đặng Dung (quận 1).

Ngày xưa, người Sài Gòn hay dùng bơ để uống với cà phê thay vì dùng sữa đặc. Và phải kể đến loại bơ đồng tiền hay còn gọi là bơ Bretel với mùi thơm cũng rất đặc biệt, tạo thành hương vị nhất định. Nhưng nếu chỉ kết hợp cà phê với bơ thôi thì chưa đủ, cần phải có thêm cái gì đó để cho ra bữa sáng phải thật đậm đà Sài Gòn.

Theo dòng lịch sử xưa, người Hoa đến Sài Gòn có mang theo một món gọi là giò cháo quẩy (bánh quẩy). Kết hợp 3 thứ trên, cà phê, bơ và giò cháo quẩy đã tạo nên một văn phong riêng của người Sài Gòn. 

Người ta dùng phin để pha cà phê bơ. Bơ được trét dưới phin cà phê, khi cà phê chín, nhỏ từng giọt qua lớp bơ mỏng sẽ tạo thành một ly cà phê nguyên chất cùng hương vị thơm ngậy của bơ rất độc đáo.

Cà phê pha xong, đổ một ít ra nắp phin, rồi chấm bánh quẩy.

Anh Trần Vũ Bình, chủ quán chia sẻ, mỗi khi nhâm nhi cà phê cùng bánh quẩy dân dã thì những tiếng rao "Ai bánh quẩy đây" lại hiện về trong anh. Bánh quẩy gắn liền với cuộc sống mưu sinh tất bật của người lao động và giới trí thức Sài Gòn một thời chuộng quẩy chấm cà phê.

"Tôi trân trọng, giữ gìn kỷ niệm này. Mỗi khi có khách đến quán, tôi đều gợi ý họ dùng thử và giới thiệu về lịch sử của món ăn", anh nói. Kỳ công hơn, anh đặt riêng nơi làm bánh quẩy đặc ruột và chỉ sử dụng bơ Bretel cho món ăn sáng này.

Độc đáo món ăn sáng bánh quẩy chấm cà phê - Ảnh 3.

Món bánh quẩy chấm cà phê độc đáo. Ảnh: B.D

Quán cà phê nằm trong ngôi nhà cổ, do vợ chồng ông Đỗ Miễn xây dựng từ những năm 40 của thế kỷ trước. Thời kỳ ấy, bên ngoài vợ chồng ông bán cơm tấm cho những người lính Đại Hàn (Hàn Quốc) sang tham chiến, ở cuộc chiến tranh Việt Nam. 

Thực chất bên trong là cơ sở hoạt động bí mật của lực lượng biệt động Sài Gòn, dưới sự quản lý của ông Trần Văn Lai, để trú ẩn, giao liên, hội họp, giao nhận tài liệu, thư từ giữa lãnh đạo với cán bộ nằm vùng trong thời chiến.

Sau này, vợ chồng ông Đỗ Miễn giao quyền quản lý cho anh Trần Vũ Bình, con trai ông Trần Văn Lai. Tên Đỗ Phủ hiện nay được lấy từ họ của ông Đỗ Miễn và "phủ" nghĩa là nhà, tức nhà của ông chủ họ Đỗ. 

Ngoài việc gìn giữ và kinh doanh, anh Bình còn âm thầm tìm kiếm, sưu tầm thêm những kỷ vật của biệt động Sài Gòn năm xưa.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem