Độc đáo Tết nhảy của người Dao Quần Chẹt ở Thái Nguyên

Hà Thanh - Kiều Hải Thứ hai, ngày 12/02/2024 10:21 AM (GMT+7)
Tết nhảy là hoạt động tinh thần phong phú, đặc sắc mang đậm nét văn hóa đặc trưng không thể thiếu của người Dao Quần Chẹt ở Thái Nguyên. Tết nhảy được tổ chức vào dịp cuối năm với sự tham gia của đông đủ con cháu trong dòng tộc.
Bình luận 0

Theo tục lệ, Tết nhảy chỉ tổ chức tại không gian "nhà cái" (nhà có ban thờ tổ) và cũng được coi như Tết chung của cả vùng, thể hiện lòng thành kính, biết ơn, tri ân công đức của tổ tiên. Tuy nhiên, nếu gia đình trưởng họ không thể tổ chức thì cả họ sẽ họp bàn và chọn ra gia đình có uy tín nhất họ để lo công việc này.

Tết nhảy là một hoạt động văn hóa mang nét đặc trưng của của người Dao Quần Chẹt ở Thái Nguyên. Clip: Hà Thanh

Ở mỗi nơi, mỗi họ Dao lại quan niệm về cách thức và thời gian tổ chức Tết nhảy khác nhau. Trước đây nghi lễ này được tổ chức định kì mỗi năm một lần. Nếu họ Dao nào làm thì phải tổ chức nghi lễ trong ba năm liên tục. Trong cùng một bản, khi có một dòng họ tổ chức lễ Tết nhảy thì các họ khác đều không được làm, dòng họ nào có nhu cầu tổ chức nghi lễ thì phải đợi sau ba năm.

Đây là nghi lễ của một dòng họ tổ chức để cúng tổ tiên dòng họ mình, tất cả mọi công việc được tiến hành tại nhà của ông trưởng họ, nơi có để bàn thờ tổ tiên của cả họ. Mục đích chính của nghi lễ này là để cầu khấn tổ tiên phù hộ cho mọi người trong gia tộc, dòng họ được mạnh khoẻ, mưa thuận gió hòa, cho mùa màng bội thu, gia súc, gia cầm phát triển không bị dịch bệnh…

Độc đáo Tết nhảy của người Dao Quần Chẹt ở Thái Nguyên- Ảnh 1.

Mục đích chính của nghi lễ Tết nhảy là để cầu khấn tổ tiên phù hộ cho mọi người trong gia tộc, dòng họ được mạnh khoẻ, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Ảnh: Hà Thanh

Theo truyền kể, xa xưa, trong chuyến vượt biển tìm đường sống của 12 họ Dao, khi gặp nguy hiểm, cận kề sóng to gió lớn, người Dao trong chuyến thuyền bè bão táp đó đã cầu khấn Bàn Vương và tổ tiên phù hộ cho tai qua nạn khỏi và hứa sẽ làm lễ tạ ơn cứu độ. Lời cầu nguyện linh ứng, từ đó người Dao tổ chức Tết nhảy để thể hiện lòng biết ơn với tổ tiên và Bàn Vương đã cứu mạng ngoài biển khơi, luyện âm binh để bảo vệ cuộc sống gia đình, dòng tộc, cầu xin tổ tiên che chở cho gia đình, bản làng mạnh khỏe, làm ăn tấn tới.

Năm nay, lễ hội Tết nhảy được dòng họ Dương mà đại diện là gia đình ông Dương Trung Sơn (tổ dân phố Tân Lập, thị trấn Quân Chu, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên) tổ chức linh đình sau khoảng 30 năm chưa có điều kiện tổ chức. Lễ Tết nhảy năm nay kết hợp cùng với Tết Nguyên đán, nên có sự tham gia của nhiều anh em dòng họ và bà con hàng xóm.

Độc đáo Tết nhảy của người Dao Quần Chẹt ở Thái Nguyên- Ảnh 2.

Lễ Tết nhảy có sự tham gia của nhiều anh em dòng họ và bà con hàng xóm. Ảnh: Hà Thanh

Chia sẻ với PV Dân Việt, ông Dương Trung Sơn cho biết, lễ hội Tết nhảy đã có từ bao đời nay và được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Trước đây, lễ hội Tết nhảy được tổ chức liên tục trong 3 năm liền, nhưng ngày nay được cải tiến và chỉ tổ chức liên tục trong 3 ngày 3 đêm.

Theo ông Sơn, người Dao Quần Chẹt ở tổ dân phố Tân Lập, thị trấn Quân Chu được chia thành 5 dòng họ gồm: Hai dòng họ Triệu, họ Bàn, họ Đặng và họ Dương, trong đó dòng họ Triệu là dòng họ đông nhất. Lễ hội Tết nhảy được các dòng họ thay phiên nhau làm vào dịp cuối năm thường là vào tháng Chạp trước khi diễn ra Tết Nguyên Đán.

Để tổ chức lễ hội Tết nhảy, các dòng họ trong đồng bào Dao Quần Chẹt sẽ đi xem thầy và lựa chọn ngày đẹp. Sau đó, mọi người chuẩn bị lương thực, thực phẩm tươm tất mất cả một năm trời rồi mới tiến hành tổ chức.

Tết nhảy gồm hai phần chính là lễ và hội đan xen nhau. Các nghi thức lễ có cúng Tết Nguyên đán; cúng chuyển tiếp (cúng từ Tết Nguyên đán sang Tết nhảy).

Để chuẩn bị cho Tết nhảy, gia đình sẽ thiết lập ban thờ, bày biện đồ cúng, khấn mời Bàn vương, thần thánh, tổ tiên về dự lễ, tổ chức cho con cháu học nhảy và đọc sách. Họ sửa sang thay mới ban thờ, làm bánh ống và bánh giầy. Lễ hứa đầu năm là một thủ lợn tượng trưng cho con lợn khoảng 10 – 15kg, 5 chiếc bánh giầy hoặc bánh ống. Nhà nào không có lợn thì thịt một con vịt hoặc ba con gà đặt lên ban thờ cúng tổ tiên để cầu lộc, cầu tài và gánh vác mọi công việc như: Tai họa, trừ tà ác...

Độc đáo Tết nhảy của người Dao Quần Chẹt ở Thái Nguyên- Ảnh 3.

Mọi người chuẩn bị lễ vật và đồ cúng. Ảnh: Hà Thanh

Bàn thờ được đặt đúng góc tường của gian ngoài (gian cửa chính), chính giữa bàn thờ có một bát hương và 2 bức tranh dán trên tường, tượng trưng cho tổ tiên theo từng thứ bậc, như chính cuộc sống của họ. Khi thắp hương cúng tổ tiên đem chiếc ghế gỗ ra để các vật thờ lên đó, theo phong tục ngày Tết họ chỉ cúng thịt và bánh.

Mặc dù đây lễ Tết của gia đình nhưng lại được cả bà con làng xóm trong vùng coi như Tết chung. Trong lễ hội này, tất cả con cháu trong dòng tộc đều quây quần đông đủ cùng bà con làng xóm đến tham gia nhảy múa với nhiều điệu múa truyền thống như múa cờ, múa tế rùa, múa kiếm, múa chuông...

Độc đáo Tết nhảy của người Dao Quần Chẹt ở Thái Nguyên- Ảnh 4.

Con cháu trong dòng tộc quây quần nhảy múa trong lễ Tết nhảy. Ảnh: Hà Thanh

Nghi thức lễ Tết nhảy gồm nhiều phần. Phần khai lễ, vào ngày giờ đã định, thầy mo được mời bắt đầu lập đàn cúng. Sau phép tẩy uế, thầy mo thực hiện nghi lễ mở và treo các bộ tranh thiêng (cờ), bày biện các lễ vật thờ cúng, làm lễ khấn xin được làm Tết Nhảy và kính mời các thần linh, Bàn Vương, gia tiên về dự lễ. Lễ này được thực hiện bằng các điệu múa mời như đưa đường, bắc cầu để đưa đón thần linh, tổ tiên về ăn Tết.

Độc đáo Tết nhảy của người Dao Quần Chẹt ở Thái Nguyên- Ảnh 5.

Phần khai lễ được thực hiện với nghi lễ mở và treo các bộ tranh thiêng (cờ), bày biện các lễ vật thờ cúng. Ảnh: Hà Thanh

Phần chính lễ được bắt đầu từ lễ khai đàn và kết thúc bằng lễ chiêu binh. Xuyên suốt phần chính lễ là các điệu múa, lời hát kết hợp với tiếng chiêng trống rộn ràng cúng lễ rước tượng gỗ.

Lễ khai đàn do thầy mo chủ trì với nội dung trình báo công việc chuẩn bị trước các chư vị thần linh và xin được chính thức cử hành nghi lễ. Sau đó, lễ được bắt đầu bằng các điệu múa nối tiếp nhau. Mỗi điệu nhảy đều tuân thủ chặt chẽ theo truyền thống, có tính tượng trưng, tượng hình cho hành động. Các động tác múa được thực hiện chính xác, liên tục, khéo léo và tinh tế, biểu diễn lặp đi lặp lại nhiều lần cùng với diễn xướng những bài hát cổ xưa kể về nguồn gốc dân tộc Dao, về quá trình người Dao vượt biển, quá trình mưu sinh trên đất mới, dựng vợ gả chồng, sinh con đẻ cái trong từng gia đình. Ẩn chứa trong câu hát, điệu nhảy làm cho người xem có cảm giác mình đang được sống trong một thế giới tâm linh, huyễn hoặc.

Độc đáo Tết nhảy của người Dao Quần Chẹt ở Thái Nguyên- Ảnh 6.

Sau lễ khai đàn, phần lễ được bắt đầu bằng các điệu múa và nhảy nối tiếp nhau. Ảnh: Hà Thanh

Ở phần lễ tiễn đưa, mọi người bắt đầu làm cỗ cúng Bàn Vương, thần thánh và tổ tiên. Trước bàn thờ gia chủ, thầy mo cúng tạ kết thúc Tết nhảy. Nội dung chính của bài cúng là tạ ơn các thần linh, thổ địa, Bàn Vương đã về tiếp nhận và chứng kiến lòng thành của gia chủ trong Tết nhảy. Ngoài cúng tạ ơn, bài cúng cũng cầu xin các thần linh xá tội nếu trong Tết nhảy gia chủ có điều gì sơ suất, cầu mong các thánh thần, Bàn Vương, gia tiên phù hộ cho gia đình, dòng họ, thôn bản sang năm mới được mạnh khỏe, bình an, mùa màng bội thu, chăn nuôi phát đạt.

Kết thúc là điệu múa cờ để tiễn đưa hương hồn tổ tiên trở về với quê cha đất tổ. Các thầy cúng làm phép thu hồi thánh tướng và âm binh của mình trở về nhà. Trong suốt 3 ngày diễn ra nghi lễ, gia đình gia chủ luôn rộn rã tiếng nhạc cụ, tiếng hát của người thực hiện và tiếng nói của người tham dự; chủ nhà mổ lợn, gói bánh, làm cỗ để đãi khách. Họ vừa cúng, vừa uống rượu, ăn cỗ, múa hát thay phiên nhau liên tục trong suốt 3 ngày 3 đêm.

Độc đáo Tết nhảy của người Dao Quần Chẹt ở Thái Nguyên- Ảnh 7.

Trong khi các nghi thức của phần lễ đang diễn ra, chủ nhà sẽ làm cỗ để đãi khách sau mỗi phần nghi thức kết thúc. Ảnh: Hà Thanh

Ông Đặng Lê Minh - Bí thư Đảng ủy thị trấn Quân Chu cho biết, trong những năm qua, cấp ủy chính quyền địa phương rất quan tâm đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo và định hướng về phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc. Đặc biệt trên địa bàn thị trấn Quân Chu có dân tộc Dao với những nét văn hóa đặc sắc lâu đời, tiếp tục được gìn giữ và phát huy như cấp sắc và Tết nhảy. Địa phương cũng có nhiều chính sách, đặc biệt là công tác tuyên truyền, định hướng để bà con gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa này, gắn với du lịch văn hóa sinh thái, tâm linh của địa phương.

Tết nhảy là một hoạt động tổng hợp các loại hình nghệ thuật dân gian như: Nghệ thuật nhảy múa, nghệ thuật âm nhạc và nghệ thuật ngôn từ, kể về công lao tổ tiên đến nghệ thuật tạo hình với các loại tranh thờ, tranh cắt giấy, điêu khắc tượng gỗ.

Tết nhảy của cộng đồng người Dao ở tỉnh Thái Nguyên đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem