Dọc đường tác nghiệp: Cuộc đào thoát khỏi "thủ phủ hàng lậu"

Võ Hồng Nhân Thứ năm, ngày 07/05/2020 09:00 AM (GMT+7)
Những ngày đầu tháng 10/2019, phóng viên NTNN/Dân Việt trong một lần có mặt tại cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) đã tận mắt thấy dòng hàng lậu được xe máy nối đuôi nhau chở từ sau núi về tập trung tại các kho chứa xung quanh trục chính đường vào cửa khẩu.
Bình luận 0

Nhân dịp 36 năm ngày Báo NTNN ra số báo đầu tiên (7/5/1984 - 7/5/2020), PV Báo NTNN kể lại những kỷ niệm khó quên trên hành trình tác nghiệp của họ. Dưới đây là một câu chuyện như vậy.

Những bài test cửu vạn

Sau bước đầu tìm hiểu thông tin, tôi thắc mắc tại sao hàng lậu có thể tuồn vào Việt Nam dễ dàng như thế? Đặc biệt, cung đường nào để những lô hàng giá rẻ, không hóa đơn “tuồn” về Việt Nam trót lọt? Với ý nghĩ phải trả lời được những câu hỏi đó, tìm cho ra con đường hàng lậu vượt biên, tôi vào vai cửu vạn đã thâm nhập vào nơi được mệnh danh là “thủ phủ buôn lậu” miền biên viễn Lạng Sơn.

img

Cung đường sau chùa Tân Thanh là nơi hàng lậu "tuồn" từ Trung Quốc về Việt Nam.

Để có những tư liệu quý đăng tải trên mặt báo, tôi đã nhiều lần có mặt tại các cung đường phía sau chùa Tân Thanh, nơi tập kết hàng lậu từ Trung Quốc về Việt Nam.

Phía sau chùa cũng là nơi có nhiều đường mòn lối mở, cây cối rậm rạp, vắng người qua lại là nơi để cửu vạn cõng hàng. Tại đây luôn tập trung một đội "chim lợn" chốt chặn. Bộ đàm réo liên tục và nhiệm vụ của họ là kiểm tra khi cửu vạn đi qua. Cửu vạn của nhà nào? Bốc hàng từ mốc nào? Mặt mũi ra làm sao đều được nhóm người này nhớ như in.

Không ít lần tiếp cận, trong nhiều vai khác nhau nhưng tôi vẫn liên tục bị phát hiện và được đội quân “chim lợn” hỏi thăm, dọa nạt và áp tải ra khỏi khu vực cửa khẩu Tân Thanh. 

img

Hàng lậu được cửu vạn cõng xuyên đêm, trong đó bao gồm hoa quả và linh kiện.

Sau nhiều lần tác nghiệp bất thành, tôi thấy, chỉ có một cách để vào được cung đường hàng lậu Tân Thanh, đó là làm cửu vạn. Không bỏ cuộc, một thời gian sau tôi xin làm một chân cửu vạn qua một mối người quen giới thiệu, tên thường gọi là Sơn “sẹo”.

Từ đấu mối của Sơn "sẹo", tôi phải trải qua nhiều bài kiểm tra để chứng minh mình không phải công an hay nhà báo rồi mới được gia nhập vào đội quân cửu vạn, bắt đầu hành trình cõng hàng.

Cuộc tháo chạy nơi biên giới

Bắt đầu nhập cuộc, tôi sắm sửa cho mình mút xốp, dây thừng, đây là những vật dụng một cửu vạn cần có.

Để cõng hàng, cánh cửu vạn phải đi hơn 1km đường đồi kèo, dốc thẳng đứng. Do những đường mòn giữa đồi keo rất nhỏ, lại trơn trượt sau mưa cộng với các kiện hàng là linh kiện, quần áo từ 60kg trở lên, nên mỗi lần đến đoạn triền dốc, những cửu vạn mới vào nghề chưa quen địa hình lại phải vác nặng nên việc té ngã diễn ra liên tục.

Trong những chuyến cõng hàng đêm khuya, để có tư liệu cho bài viết, tôi một tay cầm đèn pin dò đường, tay còn lại dùng áo quấn chặt thiết bị quay một cách kín đáo và tác nghiệp. Không ít lần có cơ hội ghi hình, nhưng đội "chim lợn" mắt liên láo quan sát nên những ngày đầu tư liệu thu được không nhiều. 

Những ngày sau đó, tôi chứng kiến cảnh hàng trăm người với giày bảo hộ, bao tải, mảng xốp đeo lưng rầm rập len lỏi trong rừng cây, núi đá sang Trung Quốc nhận hàng về tập kết tại mốc 1089 sau đó cõng xuống chân núi. Từng bao tải hàng to, nặng, đóng chắc chắn được nhóm cửu vạn bê, kéo, cõng qua hàng rào biên giới.

img

Cuộc trốn chạy nơi biên giới.

Trong một lần cõng hàng ban đêm, ngay tại cột mốc 1089, trong quá trình ghi hình, tôi bị “chim lợn” phát hiện. Đối tượng "chim lợn" hô to khi thấy khả nghi: “Có thằng quay phim, cửu vạn tắt đèn ngồi xuống”.

Trong lúc khẩn nguy, tôi nghĩ nếu để bị bắt lại trong cảnh vùng biên này thì không biết số phận mình sẽ đến đâu. Nghĩ thế tôi quẳng gánh hàng nặng trĩu trên vai rồi cứ thế vắt giò lên mà chạy cho thật nhanh. Rất may cánh cửu vạn sau khi nghe "chim lợn" đánh động thì chỉ tắt đèn và dừng lại. Còn tôi cứ thế cắm đầu thục mạng cố gắng thoát thân.

Theo các đường mòn quen trước đó, tôi bỏ chạy khỏi cửa khẩu và nhờ người đón về thẳng Hà Nội. Cũng may khi đó tư liệu trong tay cũng đã đầy đủ.

Sau này tôi mới nghe kể lại, đêm đó, các đối tượng "chim lợn" cũng chia nhau ra để lùng sục kẻ khả nghi là tôi gần suốt đêm. Hoạt động mang vác hàng lậu cũng bị dừng lại.

Không lâu sau, báo đăng hai kì liên tiếp, Ban chỉ đạo 389 Quốc gia vào cuộc, UBND tỉnh Lạng Sơn chỉ đạo, Cục Hải quan Lạng Sơn làm rõ vấn đề được phản ánh trong loạt bài “Hàng lậu xé rào biên giới” đăng tải trên báo NTNN/Dân Việt.

Hình ảnh hai viên đạn dưới đây tôi nhận được sau một thời gian về Hà Nội. Một cửu vạn làm cùng tôi khá thân thiết đã gửi cho tôi món quà với lời nhắn: Sau cuộc đào thoát của mày, hai viên đạn được gửi về cho Sơn "sẹo".

img

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem