Đọc sách cùng bạn: Một tiếng thơ koong keng

Phạm Xuân Nguyên Thứ sáu, ngày 02/06/2023 15:01 PM (GMT+7)
Chào bạn, ta gặp lại nhau. Hôm nay, tôi đưa đến bạn tập thơ "Nghêu sò ca hát" của tác giả Huỳnh Hà Đông.
Bình luận 0

Đây là một tập thơ lạ. Lạ trước hết ở cách trình bày. Một là những bài thơ không có tên, chỉ đánh số theo thứ tự, cả tập là 190 bài. Hai là những bài thơ thường ngắn, tính theo đơn vị dòng, và tất cả đều viết thường. Ba là câu chữ xuống dòng dài ngắn không đều khiến đọc lần đầu dễ vấp vì không biết thơ theo thể loại nào. Khi đọc quen rồi thì mới thấy phần lớn thơ trong tập là thể lục bát nhưng không viết theo cách trên sáu dưới tám, mà ngắt theo cảm xúc. Cũng có một số bài tứ tuyệt thất ngôn hoặc ngũ ngôn nhưng cũng không viết theo kiểu truyền thống.

NGHÊU SÒ HÁT CA

Tác giả: Huỳnh Hà Đông

Nhà xuất bản Đà Nẵng, 2022

Số trang: 126 (khổ 16x24cm)

Số lượng: 1000

Giá bán: 120.000đ

Đây là một bài lục bát của Huỳnh Hà Đông:

98

sông hàn

đêm

hạ

quên trôi, biển buồn vì đợi đơn côi khóc bờ thuyền không neo

để dại khờ ru trên ghềnh đá tinh mờ

hay rêu.

Còn đây là một bài tứ tuyệt:

88

mơ có nào đâu xa

như trưa vừa chợp mắt… ấm trà, anh chiu chắt tôi

nợ với hương hoa.

Tác giả cũng có khi viết lục bát dưới dạng tứ tuyệt để dùng thủ pháp vắt dòng:

12

vầng dương là nắng qua vai, nam

mô tóc mẹ thiên thai lần mò

bể dâu xay xẩm con đò

chiều đơm cỏ vắng nghêu sò hát ca.

Đọc sách cùng bạn: Một tiếng thơ koong keng - Ảnh 2.

Tập thơ "Nghêu sò ca hát" của tác giả Huỳnh Hà Đông. (Ảnh: ST)

Đó là cái lạ hình thức. Nhưng hình thức nào mà chẳng có một nội dung. Nghe rằng Huỳnh Hà Đông chỉ làm thơ trên facebook, có hứng là anh viết luôn lên máy, câu chữ cứ việc sắp xếp theo thi hứng. Lục bát là thể thơ quen thuộc, dễ theo hứng mà đến bằng vần điệu, nhưng thi sĩ viết ra để mặc câu sáu câu tám chen nhau đứng so le, như thế đọc thơ nghe như lời thốt ra tự nhiên, như một câu nói chuyện trò bất chợt. Thơ Huỳnh Hà Đông vì thế lại lạ về nội dung. Nó rất đời lại nhuốm vị thiền của đời chứ không phải thiền kinh sách.

Hãy đọc bài thơ này.

89

ai còn kinh dịch đem ra

đốt

để thấy muôn loài trong nắng thơm

khí đất gió trời cơm cá đó

phúc hoạ là gì dưới

lửa

rơm

ngũ hành cũng vậy đem ra đốt

để thấy ngàn sao thắp ngân hà

cát bụi là ma ta là phật

chúa

cũng vui buồn như cỏ hoa.

Thế là trả hết mọi thứ về không, còn lại con người trần trụi trong tự nhiên, sống tự nhiên nhi nhiên như bản nhiên thể tính của mình. Có vậy ở bên cạnh một thiền sư vẫn thèm thịt chó. Món mộc tồn này ý là nói đời sống bình thường dân dã mà con người có khi vì mải theo những đâu đâu mà khinh thường hoặc quên mất. Người thường sống đời thường đó đã là thiền rồi.

94

bên thầy tuệ sỹ lâu nay mà thèm thịt chó thèm ray

rứt

lòng

kinh

thơ

như lúa người trồng, đậu khuôn, rau muống, tượng đồng ngán

ngao

bây giờ

con

chỉ ước ao được ăn miếng cá như bao dân mình

nam

bụng đói ân tình, chiều qua khất thực lại hình như rau.

Câu kết nói chuyện "khất thực ân tình" đã chuyển bài thơ sang một cung bậc khác: không phải thèm thịt chó, mà thèm một cuộc sống dân dã, đậm tình người.

Huỳnh Hà Đông lấy tên tập thơ đầu tay của mình là "Nghêu sò ca hát" theo nghĩa đó. Cuộc đời của người thơ này cũng có nét lạ. Quê cha Hội An, Quảng Nam, quê mẹ Phủ Lý, Hà Nam. Sinh 1982 tại vịnh biển Liên Chiểu, Đà Nẵng. Sau học phổ thông, lang bạt nhiều nơi kiếm sống. Từng học cơ khí, điêu khắc đá, pha chế đồ uống, học sơn xe ô tô, học trung cấp kế toán. Lúc trẻ có học guitar, mandolin (nên lấy bút danh là Mandolin A Đông), saxophone. Từng ghi danh Nhạc viện Sài Gòn nhưng trượt. Hiện sống với mẹ già. Làm thợ tự do. Toàn bộ thông tin này được ghi ở bìa gấp 2 của tập thơ. Đọc vào ta thấy đây là một con người đã kịp sống đời, có trải nghiệm và chiêm nghiệm. Có phải vì vậy Huỳnh Hà Đông làm thơ là để sống cõi niệm riêng mình.

100

chầm chậm không gian

vừa

mấy niệm, mặt trời đâu đó cuối chiêm bao, bồ đề mấy gốc trong rừng thẳm

ta nằm

nghe sương giá xanh xao.

Đọc thơ Huỳnh Hà Đông dễ xui nhớ tới thơ Bùi Giáng. Kẻ hậu sinh cũng có chút dáng xáo trộn ta bà của bậc tiền bối. Nhưng Bùi quân quậy tưng bừng tới bến hơn Huỳnh sinh. Sự quậy sống của Bùi Giáng đổ lộn cả Đông Tây. Huỳnh Hà Đông lành hơn, đời hơn.

91

thôi về rượu trắng koong keng, dăm hòn vịt lộn buồn ven

sông

dài

như kinh ngậm gió miệt mài, quán quen một góc nhấp vài ba ly

koong keng

trứng lộn mấy bờ nghe như tiếng mõ chùa mờ ven sông.

Cái tiếng koong keng nghe thiệt vui, thiệt lạ. Lạ nhất là cái tiếng ngỡ như tiếng chạm cốc chạm ly trong cuộc nhậu người thơ lại nghe ra được như tiếng mõ chùa. Tu giữa chợ, tu giữa đời là như vậy chứ sao! Thơ Huỳnh Hà Đông là tiếng koong keng đó của nghêu sò hát ca.

Hẹn bạn lần tới với những cuốn sách mới khác.

Hà Nội, 2/6/2023


Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem