"Đòi nợ" bảo hiểm xã hội: Tiền mất tật mang

Minh Nguyệt Thứ sáu, ngày 30/09/2016 15:42 PM (GMT+7)
Nỗi lo “kiện củ khoai” không còn là của ngành bảo hiểm xã hội (BHXH) nữa mà nay đã chuyển sang cho Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam. Vậy nhưng, kể cả khi được trang bị công cụ, được sự hỗ trợ của BHXH thì việc kiện doanh nghiệp tội trốn đóng, nợ đọng BHXH cũng không dễ.
Bình luận 0

Lo bị đuổi việc

Nguyễn Văn H - cán bộ công đoàn không chuyên trách tại một công ty ở Khu công nghiệp Nam Thăng Long (Hà Nội) tỏ ra rất phấn khích vì tới đây công đoàn được tham gia vào khởi kiện doanh nghiệp (DN) khi DN trốn đóng BHXH hoặc tiền công đoàn phí. Mặc dù vậy, anh H cũng tỏ ra băn khoăn, lo lắng bởi đây là việc chưa từng có trong tiền lệ.

img

Giao dịch BHXH tại quận Ngô Quyền (Hải Phòng). Ảnh: T.P

Điều 219 Bộ luật Hình sự (sửa đổi) có quy định về tội trốn đóng BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động. Theo đó, nếu DN vi phạm có thể bị phạt tù lên tới 7 năm, tiền phạt có thể lên tới 1 tỷ đồng.

“Thực sự công đoàn cơ sở chưa từng tham gia khởi kiện DN, giờ nếu tham gia khởi kiện DN thì rất lo. Như bọn mình là cán bộ không chuyên trách, phụ trách công đoàn nhưng lương của bọn mình là do ông chủ DN trả. Đừng nói đến kiện, mà chỉ cần họ (DN) biết được việc bọn mình cung cấp thông tin về tình hình công ty ra bên ngoài thôi là có thể đã bị họ kỷ luật, thậm chí là đuổi việc ngay rồi”- H nói.

Nói về việc khởi kiện, ông Kiều Hùng - Trưởng ban Chính sách pháp luật, Tổng LĐLĐ Hà Nội cho rằng đây không phải là việc đơn giản. “Lý thuyết là BHXH sẽ cung cấp thông tin, cùng với công đoàn tổ chức kiện DN. Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy, người lao động và đại diện công đoàn làm việc trong DN, họ được trả lương và còn đang làm việc tại đó nên họ sẽ không dám đứng ra cung cấp thông tin hoặc ủy quyền khởi kiện. Chính vì lẽ đó điều kiện để khởi kiện được DN tội trốn đóng BHXH là rất khó” – ông Hùng nói.

Cùng chung nỗi lo lắng, bà Đỗ Thị Minh Hường - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ tỉnh Quảng Ninh cũng cho biết đây là vấn đề bức xúc của lao động từ khá lâu. DN trốn đóng BHXH gây khó khăn rất lớn cho người lao động.

“Có những lao động đi làm đầy đủ nhưng bị DN nợ đóng BHXH, đến lúc sinh đẻ không được thanh toán tiền thai sản, hoàn cảnh rất khó khăn. Thậm chí, có những người đến tuổi về hưu vẫn không được hưởng hưu vì công ty nợ BHXH” – bà Hường nói.

Cũng theo bà Hường, sau khi được Tổng LĐLĐ Việt Nam tập huấn, dự kiến đến tháng 12, Công đoàn tỉnh Quảng Ninh sẽ tổ chức làm điểm vụ kiện đầu tiên.

Muôn vàn khó khăn

Theo đuổi một vụ kiện dân sự không chỉ tốn kém mà còn mất rất nhiều thời gian. Không chỉ mất vài ngày mà thậm chí còn theo đuổi vài tháng, vài năm.  Chúng tôi nghĩ rằng đây là một thách thức lớn với tổ chức công đoàn”.

Ông Lê Thanh Quảng -
Phó Trưởng ban Quan hệ
lao động (Tổng LĐLĐ Việt Nam)

Ông Lê Thanh Quảng - Phó trưởng ban Quan hệ lao động (Tổng LĐLĐ Việt Nam) thừa nhận việc công đoàn đứng ra khởi kiện sẽ gặp khó khăn nhiều hơn so với việc để cho BHXH khởi kiện, cả về con người, nguồn lực, thông tin… Theo ông Quảng, chủ tịch công đoàn thường là người làm công ăn lương chứ không phải cán bộ chuyên trách. Do đó, nếu đi kiện chủ DN là việc rất khó khăn, còn nếu giao công đoàn cấp trên cũng rất khó, bởi cán bộ công đoàn có đến hàng trăm việc, không làm xuể.

“Theo đuổi một vụ kiện dân sự không chỉ tốn kém mà còn mất rất nhiều thời gian. Không chỉ mất vài ngày mà thậm chí còn theo đuổi vài tháng, vài năm.  Chúng tôi nghĩ rằng đây là một thách thức lớn với tổ chức công đoàn” – ông Quảng nói.

Theo ông Quảng, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 có hiệu lực từ ngày 1.7 quy định: Công đoàn có quyền khởi kiện và tham gia tố tụng những vụ án lao động. Tuy nhiên, việc triển khai không dễ, nhất là với công đoàn cấp cơ sở. Theo đó, công đoàn cơ sở và công đoàn cấp trên trực tiếp được quyền khởi kiện các vụ án lao động trong trường hợp cần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tập thể người lao động, có quyền khởi kiện vụ án lao động khi được người lao động ủy quyền. Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở cũng có quyền khởi kiện vụ án lao động để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của tập thể người lao động, được người lao động ủy quyền trong trường hợp công đoàn cơ sở không khởi kiện.

Ngoài ra, công đoàn cấp trên cơ sở cũng có quyền ủy quyền cho LĐLĐ tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, công đoàn ngành Trung ương, công đoàn tổng công ty trực thuộc Tổng LĐLĐ Việt Nam khởi kiện vụ án tranh chấp quyền công đoàn về kinh phí công đoàn, BHXH. 

Tuy nhiên theo đánh giá của luật gia Đặng Quang Thắng (Hội luật gia TP.Hà Nội), việc triển khai đưa quy định trên vào đời sống không dễ, nhất là khi những nội dung có liên quan đến tố tụng lao động (khoảng 100 điều khoản) nằm rải rác trong các chương.

Mặc dù quy định này đã có hiệu lực kể từ 1.7, nhưng đến nay vẫn chưa triển khai được. Một trong những nguyên nhân chính là do hệ thống công đoàn cơ sở còn nhiều khó khăn, nguồn cán bộ công đoàn nắm chắc về pháp luật, nhất là pháp luật lao động, pháp luật tố tụng liên quan đến quyền và lợi ích của người lao động còn hạn chế… Chính vì vậy, kiện DN nợ BHXH của tổ chức này khó có thể có những chuyển biến trong một sớm, một chiều. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem