Đối tượng nổ súng cướp tiệm vàng ở Huế có thể bị xử lý thế nào?

Quang Trung Chủ nhật, ngày 31/07/2022 16:03 PM (GMT+7)
Đối tượng nổ cướp tiệm vàng ở Huế đã ra đầu thú sau một thời gian lẩn trốn ở gần nơi xảy ra vụ cướp. Luật hình sự quy định thế nào về hành vi cướp tiệm vàng?
Bình luận 0

Đối tượng nổ súng cướp tiệm vàng ở Huế đã ra đầu thú

Chiều 31/7, đại tá Đặng Ngọc Sơn - Phó Giám đốc Công an tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, lực lượng công an đã bắt giữ đối tượng cướp tiệm vàng ở chợ Đông Ba sau khi vận động thành công nghi phạm ra đầu thú.

Đối tượng này có tên là Quốc, ra đầu thú vào khoảng lúc 14 giờ ngày 31/7.

Đối tượng nổ súng cướp tiệm vàng ở Huế có thể bị xử lý thế nào? - Ảnh 1.

Tiệm vàng ở chợ Đông Ba, nơi xảy ra vụ cướp. Ảnh: T.N.

Trước đó, sau khi dùng súng cướp tiệm vàng, đối tượng Quốc lẩn trốn ở đoạn gần cầu Gia Hội, cách chợ Đông Ba vài trăm mét. Khi bị truy bắt, đối tượng Quốc đã xin được gặp riêng đại tá Đặng Ngọc Sơn - Phó Giám đốc Công an tỉnh Thừa Thiên Huế để trình bày.

Sau đó, đại tá Đặng Ngọc Sơn đã vào nói chuyện, động viên và đối tượng này đã buông súng ra đầu thú. Cơ quan công an đã thu giữ từ đối tượng một khẩu súng AK47.

Trước đó, lực lượng công an ở Thừa Thiên Huế phong tỏa tuyến đường trước chợ Đông Ba, TP.Huế để truy bắt đối tượng cướp tiệm vàng xảy ra ở chợ này.

Dùng sung cướp tiệm vàng bị xử lý thế nào?

Trao đổi với PV Dân Việt, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho biết, hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc nhằm chiếm đoạt tài sản là hành vi cướp tài sản.

Theo thông tin ban đầu, đối tượng đã sử dụng súng để tấn công và chiếm đoạt vàng nên hành vi thỏa mãn dấu hiệu cấu thành của tội "Cướp tài sản" theo quy định tại Điều 168 Bộ luật hình sự 2015.

Theo ông Cường, trong vụ án này, hành vi của đối tượng đã xâm hại đến nhiều khách thể mà pháp luật hình sự bảo vê, có thể xâm hại đến tính mạng, sức khỏe của nạn nhân và xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản.

Bởi vậy, nếu bị truy tố về tội cướp tài sản, đối tượng có thể sẽ bị áp dụng nhiều tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự như sử dụng vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội nên có thể khung hình phạt thấp nhất là phạt tù từ 7 đến 15 năm.

Trường hợp tài sản chiếm đoạt từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng, hình phạt là phạt tù từ 12 đến 20 năm.

Nếu tài sản chiếm đoạt chị giá từ 500 triệu đồng trở lên, khung hình phạt sẽ là phạt tù từ 18 đến 20 năm hoặc tù chung thân. Đây là khung hình phạt cao nhất của tội cướp tài sản.

Ngoài ra, cơ quan điều tra sẽ làm rõ khẩu súng mà đối tượng sử dụng trong vụ án này có phải là vũ khí quân dụng hay không. Sẽ tiến hành giám định đối với khẩu súng này để xác định loại vũ khí, khả năng sát thương của hung khí gây án.

Trong trường hợp có căn cứ cho thấy đây là súng quân dụng, cơ quan điều tra có thể khởi tố thêm đối tượng này về tội "Sử dụng trái phép vũ khí quân dụng" theo quy định tại Điều 304 Bộ luật hình sự 2015.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem