Đồng bằng sông Cửu Long có tỷ lệ nhũng nhiễu thấp nhất cả nước
Nhận định được đưa ra tại hội thảo đánh giá môi trường đầu tư kinh doanh vùng ĐBSCL qua kết quả PCI năm 2019 diễn ra sáng nay (15/6) ở Vĩnh Long.
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Võ Tân Thành – Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, trong công tác cải thiện môi trường kinh doanh, vùng ĐBSCL đã có nhiều nỗ lực đáng kể qua các năm và có nhiều địa phương nằm trong nhóm các tỉnh/thành phố có chất lượng điều hành kinh tế dẫn đầu cả nước.
5 năm liền vừa qua, ĐBSCL đều đứng đầu về điểm số PCI trong 6 vùng kinh tế trên cả nước và đứng đầu rất nhiều chỉ số so với các vùng miền khác.
Trong nhóm 20 tỉnh đứng đầu bảng xếp hạng PCI cả nước, ĐBSCL hiện có 5 vị trí gồm Đồng Tháp, Vĩnh Long, Bến Tre, Long An và Cần Thơ. Trong đó, Đồng Tháp giữ vị trí thứ 2 cả nước trong 3 năm liền. Còn An Giang là tỉnh tăng điểm và hạng nhiều nhất ở ĐBSCL trong năm 2019. Trong khi Vĩnh Long có sự thăng hạng vượt bậc và nằm trong nhóm 5 tỉnh/thành dẫn đầu.
“Điểm chỉ số thành phần của các tỉnh trong vùng cũng có sự cải thiện, đồng đều hơn, cho thấy đã có sự tiến bộ ở tất cả các mảng. Có 5/13 tỉnh trong vùng thường xuyên nằm trong top 20 tỉnh đứng đầu bảng xếp hạng PCI cả nước, cho thấy ĐBSCL được đánh giá có năng lực điều hành ổn định, bền vững…” – ông Thành cho hay.
Phân tích chỉ số thành phần của PCI vùng ĐBSCL, ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng Ban Pháp chế VCCI dẫn ra nhiều điểm sáng của vùng này. Cụ thể như: Tính năng động và tiên phong của chính quyền địa phương, tính cạnh tranh bình đẳng của môi trường kinh doanh được duy trì hai năm qua đứng đầu cả nước.
Về chi phí thời gian trong giải quyết thủ tục hành chính của ĐBSCL cũng tốt nhất trong các vùng. Cán bộ giải quyết công việc hiệu quả và thân thiện với doanh nghiệp (DN) cũng đứng đầu cả nước. Điều kiện tiếp cận đất đai, mặt bằng kinh doanh tốt nhất cả nước, so với các vùng khác, DN ít gặp trở ngại hơn khi tiếp cận đất đai tại ĐBSCL.
Vùng này cũng làm tốt nhất trong các vùng trên khía cạnh giảm thiểu chi phí không chính thức. Tỷ lệ DN trả chi phí không chính thức thấp hơn đáng kể so với các vùng khác, cụ thể, có 45% DN được khảo sát cho biết phải trả thêm các khoản chi phí không chính thức năm 2019, trong khi con số này ở các vùng khác đều trên 50%.
Đặc biệt, hiện tượng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục hành chính tại ĐBSCL cũng ít xảy ra hơn so với các vùng khác. Cụ thể, có 48% DN cho biết có hiện tượng nhũng nhiễu, trong khi con số này ở các vùng khác đều trên 50% (cao nhất là vùng Miền núi phía Bắc và Đông Nam Bộ với 56%)… Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự của ĐBSCL cũng khá tốt so với các vùng khác.
Tuy nhiên, ông Tuấn cũng chỉ ra những điểm cần cải thiện của vùng ĐBSCL như khía cạnh về chi phí gia nhập thị trường; một số địa phương trong vùng cần tiếp tục rút ngắn thời gian giải quyết đăng ký kinh doanh cho DN, giảm chi phí thời gian hậu đăng ký kinh doanh; tiếp tục giảm bớt gánh nặng thanh tra, kiểm tra đối với DN; nâng cao chất lượng dịch vụ hỗ trợ DN…
Đặc biệt, ĐBSCL cần nâng cao chất lượng đào tạo lao động, vì chỉ số này hai năm qua của vùng đứng thấp nhất cả nước.
Theo ông Nguyễn Phương Lam – Giám đốc VCCI Cần Thơ, gần 2 thập niên qua kinh tế vùng ĐBSCL tăng trưởng cao nhưng vẫn khó khăn, thiếu bền vững, hầu như không có đột phá trong tăng trưởng, xuất phát điểm vẫn còn thấp.
Là vùng có lợi thế nông nghiệp nhưng chưa có chính sách ưu tiên cho nông nghiệp. Gần 15 năm, tỷ trọng nông nghiệp trong cơ cấu kinh tế của vùng giảm, nông nghiệp đang bị thu hẹp rất lớn.
Một điểm yếu ‘truyền thống’ của ĐBSCL được ông Lam nhắc đến là nguồn nhân lực, lao động qua đào tạo. Trong nhiều năm qua, ngoại trừ Cần Thơ là thành phố trực thuộc trung ương có cải thiện về chỉ số này, còn lại hầu hết các tỉnh trong vùng đều ở nhóm ‘đội sổ', là cản trở lớn nói chung và trong phát triển DN nói riêng…
Cạnh đó, hạ tầng giao thông cũng là một ‘thế kẹt’ của vùng này, trong khi phải đối mặt với biến đổi khí hậu, nước biển dâng…