Đồng Nai: Cả nước chỉ có vùng này nuôi “tôm leo núi”, thịt dai chắc khác biệt, kéo ao không kịp bán

Trần Đáng Thứ bảy, ngày 22/01/2022 06:03 AM (GMT+7)
Tôm càng xanh ở xã miền núi Trà Cổ (Tân Phú, Đồng Nai) được gọi là “tôm leo núi”. Từ lâu loại tôm leo núi này được thị trường rất ưa chuộng bởi chất lượng thịt thơm ngon, dai chắc khác biệt.
Bình luận 0

Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đồng Nai vừa cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu sản phẩm đặc thù tôm càng xanh xã Trà Cổ.

Đồng Nai: Cả nước chỉ có vùng này nuôi “tôm leo núi” cho chất lượng khác biệt, kéo ao không kịp bán - Ảnh 1.

Nông dân Tổ hợp tác Tôm càng xanh Trà Cổ thu hoạch tôm. Ảnh: Trần Đáng.

Sự khác biệt của tôm càng xanh Trà Cổ

Theo Sở Khoa học-Công nghệ tỉnh Đồng Nai, điều đặc biệt làm nên chất lượng khác biệt của con tôm càng xanh Trà Cổ là do tôm nuôi từ nước suối trên núi chảy xuống.

"Ở Việt Nam chỉ riêng ở Trà Cổ mới nuôi tôm nước ngọt bằng nước suối" - ông Đoàn Tấn Đạt, Phó Giám đốc Sở KHCN tỉnh Đồng Nai khẳng định.

Ngoài điều khác biệt này, để đảm bảo chất lượng tôm sạch, nông dân ở đây nuôi tôm càng xanh theo tiêu chuẩn VietGAP.

Từ đây, nông dân nuôi tôm ở Trà Cổ giữ vững được thị trường và thương hiệu.

Hiện, xã Trà Cổ có diện tích nuôi tôm càng xanh hơn 50 ha.

Xã Trà Cổ cũng đã thành lập HTX Tôm càng xanh Trà Cổ nuôi tôm theo chuẩn VietGAP. Hợp tác xã có 40 hộ tham gia với 35ha diện tích nuôi tôm.

Theo ông Hoàng Văn Bính, Tổ trưởng THT Tôm càng xanh Trà Cổ, từ khi con tôm càng xanh có thương hiệu và mới đây nhận chứng nhận đăng ký nhãn hiệu sản phẩm đặc thù, THT rất muốn mở rộng diện tích nuôi loài "tôm leo núi" này. 

Đồng Nai: Cả nước chỉ có vùng này nuôi “tôm leo núi” cho chất lượng khác biệt, kéo ao không kịp bán - Ảnh 3.

Anh Nguyễn Tấn Tài trộn thức ăn cho tôm càng xanh. Ảnh: Trần Đáng.

Tuy nhiên, do lượng nước suối hàng năm hạn chế, nên không thể mở rộng diện tích nuôi tôm thêm ở xã Trà Cổ.

Tỉnh Đồng Nai đã lên kế hoạch đến năm 2025 phát triển diện tích nuôi tôm càng xanh trên địa bàn tỉnh đạt 100 ha; giá trị sản xuất đạt 25,5 tỷ đồng. Đến năm 2030, tổng diện tích nuôi tôm càng xanh đạt 200 ha, giá trị sản xuất đạt 42 tỷ đồng.

Trong đó, tỉnh Đồng Nai sẽ hình thành các vùng nuôi tôm càng xanh tập trung theo hướng hiện đại. Vận động nông dân ứng dụng khoa học và công nghệ tiên tiến vào nuôi tôm càng xanh, tạo ra khối lượng sản phẩm lớn, chất lượng cao.

Đồng Nai: Cả nước chỉ có vùng này nuôi “tôm leo núi” cho chất lượng khác biệt, kéo ao không kịp bán - Ảnh 4.

Nhờ nuôi tôm bằng nước suối, chất lượng tôm càng xanh Trà Cổ cho chất lượng khác biệt. Ảnh: Trần Đáng.

Giá tôm càng xanh quay đầu, nông dân khấp khởi

Cũng theo ông Bính, hiện nông dân xã Trà Cổ đang thu hoạch tôm càng xanh. Sau thời gian, giá tôm càng xanh sụt giảm do ảnh hưởng dịch Covid-19, giá tôm đã tăng trở lại. Hiện, giá tôm càng xanh thương lái mua tại ao 160.000-180.000 đồng/kg.

Với mức giá này, giá tôm càng xanh vẫn còn thua 5 giá so với trước dịch Covid-19 bùng phát.

Tuy nhiên, theo anh Nguyễn Tấn Tài, một nông dân nuôi tôm, với mức giá này nông dân đã có lời.

Hiện, anh Tài đang nuôi 3ha tôm càng xanh. Với năng suất 2 tạ/sào hiện nay, mỗi năm anh có lời khoảng 500 triệu đồng.

Đồng Nai: Cả nước chỉ có vùng này nuôi “tôm leo núi” cho chất lượng khác biệt, kéo ao không kịp bán - Ảnh 5.

Thương lái thu mua tôm càng xanh. Ảnh: Trần Đáng.

Theo ông Bính, mỗi năm chỉ nuôi được một vụ tôm càng xanh.

Tôm giống được thả vào tháng 4. Tới tháng 9, nông dân thu hoạch tôm cho đến sang Tết Nguyên đán.

Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tân Phú Nguyễn Trọng Lâm cho biết, nhờ nuôi tôm càng xanh nhiều hộ nông dân xã Trà Cổ đổi đời.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem