Đồng Nai: Tỷ lệ người dân nông thôn dùng nước sạch còn thấp do giá bán cao

Nha Mẫn Thứ bảy, ngày 09/07/2022 06:15 AM (GMT+7)
Hiện nay, vùng nông thôn ở Đồng Nai có tỷ lệ người dùng nước sạch còn thấp do người dân sử dụng nhiều nguồn nước như nước giếng đào, giếng khoan, nước mưa song song với nước sạch. Hơn nữa, giá nước sạch cũng cao so với mặt bằng chung thu nhập ở nông thôn nên nhiều người chưa mặn mà.
Bình luận 0

Tỷ lệ người dân nông thôn sử dụng nước sạch còn thấp

Ngày 8/7, tại phiên chất vấn trong kỳ họp thứ 8 HĐND tỉnh Đồng Nai, nhiều đại biểu đã nêu lên các vấn đề liên quan đến nước sạch nông thôn.

Đồng Nai tỷ lệ người dân nông thôn dùng nước sạch còn thấp do giá nước sạch cao - Ảnh 1.

Ông Cao Tiến Sỹ, Giám đốc Sở NNPTNT Đồng Nai trả lời chất vấn về nước sạch cho vùng nông thôn. Ảnh: Tuệ Mẫn

Theo đó, hiện trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đang có 80 công trình cấp nước tập trung được đầu tư bằng nguồn ngân sách. Tuy nhiên, nhiều công trình đã xuống cấp, ngưng hoạt động dẫn đến công suất chỉ đạt hơn 50%. Điển hình như ở huyện Trảng Bom có 4 công trình nhưng chỉ còn 2 công trình hoạt động và hiệu quả không cao.

Do đó, các đại biểu đề nghị Sở NNPTNT Đồng Nai cho biết nguyên nhân và làm rõ trách nhiệm trong công tác quản lý, vận hành, khai thác các công trình cấp nước nông thôn hiện nay. Cũng thông qua đó có giải pháp phát huy hiệu quả các công trình và đáp ứng yêu cầu cấp thiết về nước sạch của người dân nông thôn theo đề án “Cấp nước sạch nông thôn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2021-2025” của UBND tỉnh Đồng Nai.

Trả lời chất vấn, ông Cao Tiến Sỹ, Giám đốc Sở NNPTNT Đồng Nai cho biết, thời gian qua, vấn đề nước sạch nông thôn được Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các cấp chính quyền địa phương quan tâm, bởi đây là lĩnh vực hết sức cần thiết đối với đời sống người dân và sự phát triển bền vững của nông thôn. Chính vì thế, chương trình nước sạch nông thôn đã được tập trung thực hiện trong nhiều năm qua. 

Đồng Nai tỷ lệ người dân nông thôn dùng nước sạch còn thấp do giá nước sạch cao - Ảnh 2.

Tại vùng nông thôn, hiện nay, người dân vẫn dùng chủ yếu là nước giếng khoan để phục vụ sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Tuệ Mẫn

Đồng Nai có tỷ lệ số dân nông thôn được cấp nước sạch đạt chất lượng nước sinh hoạt là 83%. Tuy nhiên, tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch từ các công trình cấp nước tập trung vẫn còn thấp, đến nay chỉ đạt 27%.

“Trên địa bàn tỉnh Đồng Nai hiện có tổng số người dân nông thôn được cấp nước sạch là 317.464 người và con số này ngày càng tăng. Đáng nói, Đồng Nai là tỉnh có địa bàn nông thôn rộng, dân cư sinh sống không tập trung, phân bố thưa thớt, khó khăn trong việc bố trí xây dựng điểm cấp nước tập trung. Vì vậy, tỷ lệ hộ dân sử dụng nước cấp tập trung thấp.

Tại một số khu vực nông thôn, người dân vẫn sử dụng đồng thời 2 nguồn nước (nguồn nước giếng khoan, giếng đào và nước từ công trình cấp nước tập trung), dẫn đến một số công trình không đạt công suất thiết kế, do người dân chỉ sử dụng nước từ công trình vào mùa khô, mùa mưa thường không sử dụng. Bên cạnh đó, giá nước sạch nông thôn vẫn còn cao so với thu nhập, dẫn đến một số hộ dân chưa quan tâm nhiều đến sử dụng nước sạch”, ông Sỹ nhấn mạnh.

Cũng theo ông Sỹ, có nhiều công trình cấp nước đạt hiệu quả cao như nhà máy cấp nước Núi Le, thị trấn Gia Ray, huyện Định Quán, nhà máy cấp nước Tâm - Hưng – Hòa xã Xuân Tâm huyện Xuân Lộc, công trình cấp nước nông thôn xã Phú Vinh huyện Định Quán, công trình cấp nước xã lộ 25, huyện Thống Nhất, công trình cấp nước xã Xuân Thạnh, huyện Thống Nhất, công trình cấp nước sinh hoạt ấp Chợ, xã Suối Nho huyện Định Quán.

Các công trình này đều được đầu tư đồng bộ, có quy mô công suất  lớn, có hệ thống xử lý nước đạt chuẩn theo quy định. Cán bộ và công nhân quản lý, vận hành được đào tạo, tập huấn chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu, hàng năm công trình được duy tu, sửa chữa thường xuyên những hư hỏng.

Đồng Nai tỷ lệ người dân nông thôn dùng nước sạch còn thấp do giá nước sạch cao - Ảnh 3.

Giá nước sạch còn cao so với thu nhập của người dân nông thôn nên họ vẫn ưu tiên dùng nước giếng. Ảnh: Tuệ Mẫn

Bên cạnh đó, theo ông Sỹ có nhiều công trình cấp nước đạt hiệu quả thấp là những công trình có quy mô, công suất nhỏ do cộng đồng, hợp tác xã, tư nhân quản lý, vận hành, cung cấp nước cho những khu, cụm dân cư. 

Tại những công trình này, công nhân quản lý, vận hành công trình chưa được đào tạo, tập huấn về công tác chuyên môn nghiệp vụ nên quản lý, vận hành không đáp ứng yêu cầu. 

Đồng Nai tỷ lệ người dân nông thôn dùng nước sạch còn thấp do giá nước sạch cao - Ảnh 4.

Sở NNPTNT Đồng Nai kiến nghị tỉnh triển khai dự án cấp nước quy mô lớn để đạt hiệu quả cao. Ảnh M.Lan chụp tại dự án thuộc Công ty nước sạch Đồng Nai

Công trình không được duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa thường xuyên dẫn đến nhanh xuống cấp, chất lượng nước không đảm bảo, điển hình như công trình cấp nước ấp 2, ấp 5 xã Thanh Sơn, huyện Định Quán, công trình cấp nước Phú Kiên, xã Phú Bình huyện Tân Phú…

Triển khai các công trình dự án nước sạch quy mô lớn

Trước thực trạng trên Sở NNPTNT Đồng Nai đề xuất tỉnh xây dựng các công trình cấp nước quy mô lớn thay thế công trình cấp nước cũ, hư hỏng, xuống cấp. Ưu tiên sử dụng và đầu tư mở rộng các công trình sử dụng nước mặt, hạn chế sử dụng nước ngầm. 

Các khu vực có tuyến ống chính cấp nước đô thị đi qua đấu nối, mở rộng các tuyến ống nhánh đến các khu vực dân cư. Ưu tiên cấp nước cho vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng ảnh hưởng xâm nhập mặn, vùng cạn kiệt nguồn nước, vùng kinh tế xã hội khó khăn, các vùng tỷ lệ dân cư được cấp nước sạch còn thấp, vùng phát triển mạnh làng nghề.

“Về bố trí nguồn kinh phí đầu tư xây dựng các công trình cấp nước tập trung sẽ dựa theo đề án “Cấp nước sạch nông thôn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2021-2025” của UBND tỉnh đã được phê duyệt. Kinh phí thực hiện giai đoạn 2021-2025 khoảng 1.686 tỷ (trong đó xã hội hóa khoảng 606 tỷ). Hướng đến xây dựng mở rộng mạng lưới đường ống cấp nước đô thị trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, đảm bảo thực hiện đấu nối, cung cấp nước sạch đến các khu vực nông thôn chưa có hệ thống cung cấp nước sạch cho người dân. Đầu tư nâng cấp hệ thống xử lý nước tại các công trình cấp nước sạch nông thôn để đảm bảo đạt QC01-1:2018/BYT hoặc quy chuẩn địa phương”, ông Sỹ nói thêm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem