Đồng Nai: Giá tiêu đang tăng lên xíu xíu nhưng tại sao thuê 250.000 đồng/ngày hái hồ tiêu "bói" vẫn không ra nhân công?

Trần Đáng Thứ năm, ngày 04/03/2021 19:05 PM (GMT+7)
Tại tỉnh Đồng Nai, hồ tiêu đang vào cao điểm thu hoạch, giá tiêu cũng đang tăng xíu xíu, nhưng dù hét giá thuê 250.000 đồng/ngày, công hái lượm vẫn biệt tăm, "bói" không ra lao động mặc dù tình hình dịch Covid-19 khiến việc ít người nhiều.
Bình luận 0

Năm nay, năng suất hồ tiêu không những đạt thấp, giá cả cũng chìm sâu tận đáy. Giá tiêu hôm nay 4/3 tại các vùng trồng tiêu trọng điểm tỉnh Đồng Nai đã tăng thêm 1.000 đồng/kg so với đầu tuần. Một số nơi giá tiêu đã vượt mốc 56.000 đồng/kg và kì vọng có thể tăng cao hơn.

Dịch Covid-19, việc ít người nhiều, thuê 250.000 đồng/ngày hái lượm hồ tiêu, bói không ra lao động - Ảnh 1.

Vụ hồ tiêu năm nay, nhà vườn trồng tiêu tỉnh Đồng Nai bói không ra công hái lượm.

Khó khăn chồng chất khó khăn, nhiều nhà vườn đang "đau đầu" khi vườn hồ tiêu đã chín rộ nhưng nguồn nhân công thuê hái không có.

Hiện, giá nhân công được bà con nông dân trồng tiêu ở Đồng Nai thuê từ 230.000-250.000 đồng/ngày. Mặc dù giá cả cao ngất ngưỡng và nhiều ưu đãi khác nhưng nhân công rất khó thuê.

Tại nhiều vườn tiêu, nhiều hộ chỉ thuê mướn được 2-3 nhân công thu hái lác đác giữa vườn tiêu đang chín rộ.

Theo tính toàn của bà con nông dân, một vườn nếu có 3-4 công trồng tiêu thì mỗi ngày cũng chỉ hái được 30-40 kg tiêu. Trong khi, chi phí bỏ ra gần 800.000-900.000 đồng. Với giá bán tiêu thấp như hiện nay, nhà vườn chỉ huề vốn hoặc thua lỗ chứ không có lời.

Tại xã Bàu Cạn (huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai), ông Vũ Thanh Trưởng, một nông dân trồng hồ tiêu lâu năm cũng rất lo âu với việc không thuê mướn nhân công khi vườn hồ tiêu đang chín rộ.  

Dịch Covid-19, việc ít người nhiều, thuê 250.000 đồng/ngày hái lượm hồ tiêu, bói không ra lao động - Ảnh 2.

Sợ thất thu do thiếu hụt công hái lượm, chủ vườn hồ tiêu mua lưới hứng hạt tiêu rơi.

 "Hiện, trước mắt phải vận động hết công nhà đi hái tiêu, chứ chờ tìm được lao động ngoài mong manh lắm", ông Trưởng rầu rĩ nói.

Xã Lâm San (huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai) có diện tích hơn 2.000ha hồ tiêu. Theo bà con trồng hồ tiêu tại đây, những năm trước, nguồn nhân công dồi dào chỉ cần thuê ở địa phương hay về các tỉnh miền Tây tìm là có.

Nhưng, hiện đa số các lao động trong độ tuổi đều tìm đến các công ty, xí nghiệp để có mức thu nhập ổn định, khiến nguồn nhân công thời vụ này thiếu nghiêm trọng.

Chị Linh Phật Minh (xã Lâm San, huyện Cẩm Mỹ) chia sẻ, nhà tôi có gần 1ha hồ tiêu đang chín rộ, nhưng không kiếm được người hái. Tiêu năm nay không chỉ thất, giá cả cũng không được cao, trong khi đó nhân công thuê cao quá mà cũng không thuê được.

"Nói chung nản lắm, giờ gia đình đành phải  phải mua lưới về trải khắp vườn để hứng hạt rụng tránh thất thu", chị Minh bộc bạch.

Để giải quyết tình trạng thiếu công hái lượm tiêu, nhiều nhà vườn đành mua lưới về trải khắp vườn để tận thu hạt tiêu rụng tránh thất thoát.

Ông Trương Đình Bá, Chủ tịch nông dân xã Lâm San (huyện Cẩm Mỹ) cảnh báo, thiếu nhân công thu hoạch tiêu sẽ ảnh hưởng đến vụ kế tiếp của những năm tiếp theo. Vì không thu hoạch để hạt hồ tiêu tự rụng sẽ làm suy cây và sự hồi phục rất chậm.

Dịch Covid-19, việc ít người nhiều, thuê 250.000 đồng/ngày hái lượm hồ tiêu, bói không ra lao động - Ảnh 3.

Nông dân trồng hồ tiêu đang chất chồng khó khăn khi giá, năng suất thấp lại thiếu hụt gắt gao công hái lượm.

"Mấy năm giá tiêu thấp nên nhiều bà con không đầu tư chăm sóc vườn khiến  cây đã kiệt. Nay để chín rụng càng làm cho cây yếu hơn và sẽ làm giảm năng suất, dịch bệnh cho những năm tiếp theo. Thật sự, tình cảnh bà con trồng tiêu đang rất khó khăn", ông Bá than thở.

Theo Sở NNPTNT tỉnh Đồng Nai, tỉnh hiện có khoảng 12.000ha hồ tiêu. Đây là cây trồng thuộc chủ lực của tỉnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem