Đồng Nai: Khó tìm mua lưới, cước vì là hàng không thiết yếu, vào vụ trồng rau mới, nông dân làm thế nào?

Nguyên Vỹ Thứ ba, ngày 17/08/2021 08:47 AM (GMT+7)
Việc vận chuyển nông sản ở Đồng Nai dễ dàng hơn và giá các loại rau củ quả đã nhích dần lên. Tuy nhiên, sau đợt cao điểm hỗ trợ tiêu thụ, rau củ quả Đồng Nai lại đối diện nhiều nỗi lo mới.
Bình luận 0

Vận chuyển đã thông thoáng hơn nhưng...

Ông Vũ Văn Vương - Giám đốc HTX SX TM DV Nông nghiệp Trường An ở xã Xuân Phú, huyện Xuân Lộc cho biết, đơn vị chuyên cung cấp các loại rau ăn lá, rau ăn quả. Tổng sản lượng HTX Trường An cung cấp khoảng 10 tấn/ngày.

Ông Vương kể, khoảng 1 tuần trước, rau củ không tiêu thụ kịp, một phần sản lượng còn lại trên vườn phải nhổ bỏ. Vài ba ngày nay, các xã viên đã xuống lứa mới.

Nông dân ở huyện Tân Phú, Đồng Nai chăm sóc rau, được canh tác theo quy trình an toàn. (Ảnh: Phước Bình)

Nông dân ở huyện Tân Phú, Đồng Nai chăm sóc rau, được canh tác theo quy trình an toàn. (Ảnh: Phước Bình)

Giá củ các loại cũng bắt đầu tăng nhẹ. Hiện HTX Nông nghiệp Trường An đang bán tại vườn bầu bí với giá 10.000 đồng/kg; khổ qua 12.000 đồng/kg.  Rau rau ăn lá bình quân từ 7.000-8.000 đồng/kg.  

"Điều đáng mừng là nông sản làm ra đã gửi hàng đi TP.HCM và nội tỉnh Đồng Nai dễ dàng hơn rất nhiều", ông Vương nói. 

Tại xã Phú Lâm, huyện Tân Phú, HTX Trúc Lâm cũng chuyên các loại rau ăn lá. Ông Lê Công Thành - Giám đốc HTX cho biết, đến nay các khó khăn đã được sở ngành các cấp hỗ trợ giải quyết tốt.

HTX nhờ công ty vận tải bỏ mối cho cửa hàng Bách Hóa Xanh ở Đồng Nai hoặc đưa xuống quận 6 (TP.HCM) tương đối thuận lợi. 

Giá bán và sản lượng đều được HTX ký hợp đồng từ trước với khách hàng nên bây giờ đang vận hành suôn sẻ.

"Nếu được Sở NNPTNT, Sở Công Thương tiếp tục giới thiệu thêm đơn vị thu mua, HTX sẽ mở rộng thêm diện tích trồng", ông Thành chia sẻ.

Xã viên Hợp tác xã rau an toàn Trúc Lâm đang chăm sóc vườn rau. (Ảnh: Bá Lợi)

Xã viên Hợp tác xã rau an toàn Trúc Lâm đang chăm sóc vườn rau. (Ảnh: Bá Lợi)

Ở huyện Thống Nhất, HTX rau sạch Tân Yên là 1 trong 5 mô hình cánh đồng lớn. HTX được huyện Thống Nhất hỗ trợ xây dựng từ chuỗi cung ứng khép kín cho đến xây dựng thương hiệu và mã vạch hàng hóa.

HTX Tân Yên đang là đơn vị tiêu thụ phần lớn lượng rau trồng tại cánh đồng rau Tân Yên có diện tích hàng trăm ha.

Bà An Tú Anh - Giám đốc HTX Rau sạch Tân Yên cho biết, năng lực của HTX có khả năng cung ứng khoảng 10 tấn rau các loại mỗi ngày. Thường thị trường tiêu thụ của HTX là các bếp ăn công nghiệp, chợ đầu mối và xuất khẩu.

Thế nhưng dịch Covid-19 khiến HTX chịu ảnh hưởng nghiêm trọng. Đầu tháng 7, khi xã Gia Tân 3 bị phong tỏa, HTX phải nhổ bỏ khoảng 10 tấn rau.

Cuối tháng 7, lượng rau ngoài đồng của các xã viên khoảng 100 tấn đang vào kỳ thu hoạch nhưng không có nơi tiêu thụ.

Bà Anh cho biết, đến thời điểm hiện tại, việc vẫn vận chuyển hàng hóa nông sản đã bình thường trở lại. Thông thương thuận lợi nên giá rau củ cũng tăng lên nhẹ.

 Giá bầu bí các loại từ mức 7.000 đồng/kg vài ngày trước, nay đã tăng lên 10.000-12.000 đồng/kg. Đây là mức giá giúp nông dân có lời.

"Tuy nhiên, HTX đang lo lắng các mặt hàng rau củ quả ở địa phương sắp bước vào đợt căng thẳng mới vì không có hàng để bán", bà Anh cho biết.

 ...Rau củ quả Đồng Nai lại đối diện nỗi lo mới 

Theo bà Anh, lúc này, nhiều nông dân chán nản, không muốn xuống giống tiếp vụ mới.

"Tôi đích thân đi khảo sát một vùng thì thấy đến 50% diện tích rau trong vùng đang bỏ trống. Lượng rau hiện nay HTX đang bán là của những nông dân còn rau trên đồng", bà Anh kể.

Mô hình sản xuất của HTX rau Tân Yên ở huyện Thống Nhất. (Ảnh: Hải Quân)

Mô hình sản xuất của HTX rau Tân Yên ở huyện Thống Nhất. (Ảnh: Hải Quân)

Theo bà Anh, đây là hệ quả tâm lý từ đợt khủng hoảng lần trước khi nông sản không tiêu thụ được, phải đổ bỏ.

Bây giờ nhiều nông dân, phần thì mất vốn, phần thì đang lo sợ không biết thị trường có tiếp tục biến động hoặc khi nào thì xảy ra biến động nên không tiếp tục trồng lứa rau mới.

HTX rau sạch Tân Yên có hợp đồng mua bán nên sản lượng vẫn đang duy trì ổn định chứ nông hộ tự do đang gặp nhiều khó khăn.

Để đáp ứng đủ lượng rau khoảng 10 tấn/ngày, HTX vẫn phải mở rộng liên kết với các nông hộ bên ngoài.

"Nhưng bây giờ, trồng rau ăn lá thì dễ. Còn thuyết phục nông dân trồng rau ăn quả mới là khó", bà Anh kể.  

Hiện nông dân rất khó tìm mua được các loại dụng cụ như cây tầm vông, lưới, cước... để làm giàn leo cho rau ăn quả. 

Bởi những mặt hàng này không thuộc nhóm hàng thiết yếu nên không được phép mở bán do Đồng Nai đang phải giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ để phòng chống dịch Covid-19.

Theo bà Anh, nhưng dụng cụ như cây tầm vông, lưới, cước... để làm giàn leo, giờ đây rất ít người bán. (Ảnh minh họa: Nguyên Vỹ)

Theo bà Anh, những dụng cụ như cây tầm vông, lưới, cước... để làm giàn leo, giờ đây rất ít người bán. (Ảnh minh họa: Nguyên Vỹ)

Ngay cả với rau ăn lá, muốn giữ được độ tươi ngon cũng phải mua đá lạnh bỏ vào thùng để ướp rồi mới giao hàng. Nhưng đá lạnh không phải hàng thiết yếu, rất khó tìm mua. Mà hiện tại địa phương đang hạn chế người dân ra đường do dịch Covid-19.

"Tất cả những thứ không thiết yếu đó là để tạo ra nông sản thiết yếu, đến giờ vẫn tiếp tục gây ra nhiều khó khăn cho HTX và nông dân", bà Anh nói. 

Tại HTX Rau an toàn Suối Cát 2, huyện Xuân Lộc, nhiều nông dân cũng đang lo lắng vì sản phẩm làm ra không có nơi tiêu thụ ổn định.

Ông Nguyễn Thanh Hồng - Giám đốc HTX Rau an toàn Suối Cát 2 kể, vừa qua Sở NNPTNT đã hỗ trợ giải quyết được cho HTX một chuyến hàng.  

Tuy nhiên số lượng này cũng không thấm vào đâu so với sản lượng rau củ quả mà HTX làm ra.

Vườn rau của HTX Rau an toàn Suối Cát 2, huyện Xuân Lộc. (Ảnh: Hải Đình)

Vườn rau của HTX Rau an toàn Suối Cát 2, huyện Xuân Lộc. (Ảnh: Hải Đình)

HTX Rau an toàn Suối Cát 2 có quy mô sản xuất gần 15ha, mỗi ngày cung ứng khoảng 1,5-2 tấn rau củ quả các loại.

Huyện Xuân Lộc hiện có khoảng 40 HTX nông nghiệp, 45 tổ hợp tác, 360 câu lạc bộ năng suất cao và 213 trang trại chăn nuôi, trồng trọt… Khối lượng nông sản của huyện Xuân Lộc là rất lớn.

HTX Rau an toàn Suối Cát 2 vẫn mong rằng các cấp ngành tạo thêm điều kiện để HTX có nơi bán hàng bình ổn giá.

"Việc này vừa tạo điều kiện cho xã viên tiêu thụ sản phẩm vừa giúp người tiêu dùng tiếp cận được nguồn sản phẩm với giá cả phải chăng", ông Hồng đề nghị.

Theo ông Trần Lâm Sinh - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Đồng Nai, ngành nông nghiệp vẫn đang theo dõi, cập nhật sản lượng nông sản đến thời kỳ thu hoạch để tổ chức hỗ trợ tiêu thụ cho nông dân, HTX.

Sở NNPTNT sẽ tiếp tục phối hợp cùng Sở Công thương cung cấp thông tin diễn biến thị trường nông sản đến các tổ chức, cá nhân, HTX, tổ hợp tác, trang trại và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

"Đồng thời bám sát tình hình thời tiết và diễn biến thị trường để hướng dẫn các HTX, tổ hợp tác, trang trại kịp thời điều chỉnh thời vụ, giống, chuyển đổi cơ cấu cây trồng", ông Sinh chia sẻ.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem