Đồng Nai: Sắp hoàn thành chợ nông sản sạch khủng với 500 gian hàng

Trần Đáng Thứ bảy, ngày 17/06/2017 14:04 PM (GMT+7)
Khá nhiều chuỗi nông sản sạch đang được tỉnh Đồng Nai tích cực xây dựng nhằm cung ứng cho Chợ đầu mối nông sản Dầu Giây vừa mới đưa vào hoạt động.
Bình luận 0

Theo Sở NNPTNT tỉnh Đồng Nai, trong “Chuỗi cung ứng rau củ quả an toàn vào chợ đầu mối Dầu Giây (tại xã Xuân Thạnh, huyện Thống Nhất) giai đoạn 2017 - 2020”, bước đầu sẽ  thực hiện với 15 loại nông sản như: rau, nấm các loại, quýt, bưởi, sầu riêng, chôm chôm…  Các loại rau củ quả này từ khâu sản xuất đến sơ chế phải đạt tiêu chuẩn GAP, VietGAP và các tiêu chuẩn tương đương.

Nông dân hồ hởi

Ông Mai Thanh Triều – Tổ trưởng tổ hợp tác cây rau (ấp 1 xã Xuân Tây, huyện Cẩm Mỹ) cho biết, hiện 28 hộ thành viên tổ hợp tác đã ký cam kết tham gia chuỗi cung ứng rau an toàn cho Chợ đầu mối Dầu Giây. “Thời gian tới chúng tôi sẽ phải sản xuất rau ăn lá, dưa leo an toàn. Chúng tôi đang háo hức đưa sản phẩm của tổ hợp tác vào Chợ đầu mối Dầu Giây để đầu ra sản phẩm được ổn định, giá cả tốt giúp bà con nông dân tăng thu  nhập và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng”- ông Triều thổ lộ.

img

 Đoàn liên ngành tỉnh Đồng Nai khảo sát HTX Rau an toàn Lộc Tiến (Xuân Lộc) nhằm cung ứng rau sạch cho chợ đầu mối Dầu Giây. ảnh: T.Đ

Theo ông Hong A Ốn -  thành viên tổ hợp tác, ông đang trồng 1ha cải dưa, mỗi vụ thu hoạch khoảng 60 tấn. Tuy sản lượng cao nhưng thu nhập từ vườn cải dưa khá bấp bênh, giá cả trồi sụt tùy theo từng thời điểm, dao động 1.000 - 5.000 đồng/kg. Ông Ốn cho rằng mình vẫn còn may mắn vì lượng cải dưa được thương lái thu mua hết, trong khi nhiều hộ gần đó mất trắng vì không có ai thu mua. Chính vì thế, khi Ban lãnh đạo tổ hợp tác vận động tham gia sản xuất rau an toàn cung ứng vào Chợ đầu mối Dầu Giây, với giá cả và đầu ra ổn định, gia đình ông liền lập tức tham gia.

 Nếu như trong chuỗi cung ứng nông sản sạch cho Chợ đầu mối Dầu Giây, nông dân huyện Cẩm Mỹ tập trung sản xuất chủ yếu rau củ quả, thì nông dân huyện Thống Nhất – một địa phương có số lượng lợn lớn nhất Đồng Nai, lại tập trung xây dựng đàn lợn sạch. Ông Hoàng Bá Thành (xã Quang Trung) –hộ nuôi lợn tiêu chuẩn VietGAP cho biết, tình hình tiêu thụ lợn khó khăn trong thời gian qua đang làm cho nông dân điêu đứng, nhiều người thậm chí phá. Nếu việc cung ứng lợn sạch cho Chợ đầu mối Dầu Giây ổn định thì người chăn nuôi mới yên tâm sản xuất. “Việc Chợ đầu mối nông sản Dầu Giây đi vào hoạt động là tín hiệu đáng mừng cho việc tiêu thụ lợn của bà con tại đây. Tôi đã sản xuất lợn sạch vài năm nay rồi, nên giờ chỉ việc đăng ký tham gia chuỗi cung ứng cho chợ” - ông Thành phấn khởi.

Xây dựng thương hiệu chợ nông sản an toàn

Chợ đầu mối nông sản Dầu Giây được khởi công xây dựng vào tháng 11.2016 trên diện tích khoảng 2ha với tổng kinh phí đầu tư gần 50 tỷ đồng. Giai đoạn 2, chợ sẽ mở rộng thêm hơn 7ha, quy mô tăng thêm 500 điểm kinh doanh, cùng với khu sơ chế, chế biến các mặt hàng nông sản, hệ thống kho lạnh…  và có cả trung tâm kiểm nghiệm, khu chiếu xạ với tổng vốn đầu tư khoảng 172 tỷ đồng. Hiện chợ đã đi vào hoạt động giai đoạn 1 với 216 ô, vựa, ki-ốt (rộng từ 16-32m2), cơ sở hạ tầng hoàn thiện. 

Sở NNPTNT tỉnh Đồng Nai cho biết, dự kiến sản lượng các mặt hàng nông sản sạch cung cấp cho chợ đầu mối Dầu Giây trong năm 2017 sau khi chợ chính thức đi vào hoạt động là hơn 440.000 tấn. Mục tiêu đề ra, đến cuối năm 2020, trên 50% sản lượng rau củ quả của tỉnh sẽ được tiêu thụ tại chợ này.

Theo UBND huyện Cẩm Mỹ, với lộ trình xây dựng vùng nguyên liệu rau củ quả an toàn cung ứng vào chợ Dầu Giây giai đoạn 2017 – 2020, trong năm 2017, huyện Cẩm Mỹ thực hiện vùng nguyên liệu trên 138ha, sản lượng cung ứng dự tính hơn 1.900 tấn. Đến năm 2020, vùng nguyên liệu rau củ quả an toàn của huyện sẽ có tổng diện tích 500ha, cho sản lượng dự tính hơn 7.300 tấn.

Trong khi đó, tại huyện Thống Nhất, UBND huyện đã xây dựng Kế hoạch Phát triển chăn nuôi áp dụng quy trình VietGAP và triển khai liên kết chuỗi cung ứng thịt lợn trên địa bàn huyện. Ông Ngô Thanh Tùng – Trưởng phòng NNPTNT hyện cho biết, hiện huyện có 22 tổ hợp tác (hơn 600 hộ) sản xuất lợn VietGAP. “Dự kiến, năm 2018 chợ đầu mối Dầu Giây sẽ tiếp nhận lợn sạch, nông dân chăn nuôi lợn VietGAP trên địa bàn đang rất háo hức chờ đến thời điểm đó để bán heo” - ông Tùng thông tin.

Ông Phan Minh Báu – Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Đồng Nai cho biết, sẽ có các giải pháp đồng bộ nhằm tạo ra các chuỗi liên kết sản xuất và cung ứng tiêu thụ, nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm an toàn để cung ứng cho Chợ Dầu Giây. Qua đó xây dựng thương hiệu Chợ Dầu Giây thành chợ đầu mối nông sản an toàn. /.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem