Đông Nam bộ: Trồng thứ cây ra trái trông như "hạt lúa khổng lồ", nông dân trúng đậm

Nguyễn Vy Thứ bảy, ngày 06/02/2021 13:15 PM (GMT+7)
Qua mấy mùa biến động giá cả nông sản, cây ca cao vẫn lặng lẽ vươn mình trên dải đất đỏ miền Đông Nam Bộ. Chẳng những không cần giải cứu, hạt ca cao và sản phẩm chế biến từ ca cao vẫn đều đặn lên thuyền xuất ngoại.
Bình luận 0

Năm 2020 được xem như mùa thắng lớn của ca cao. Từ ca cao hữu cơ tới sản phẩm Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) 5 sao, nỗ lực của những nông dân, doanh nghiệp khắp miền Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu… góp phần đưa danh tiếng ca cao Việt Nam đi xa.

Thêm mùa bội thu

Những ngày này, đi qua các huyện Định Quán, Trảng Bom..., hương hoa ca cao thơm mát khắp không gian. Trong vườn, hoa đang trổ và trái đã đậu khắp từ thân tới cành. "Nguyên liệu cho xuất khẩu đó" - chị Lý Thị Mai (ở xã Gia Canh, Định Quán, Đồng Nai) giới thiệu rồi mời tôi ly ca cao mới pha còn ấm hơi nước.

Tatnien/ Mùa thắng lớn của cây ca cao - Ảnh 1.

Đoàn một Sở Thương nghiệp của Thái Lan tham quan mô hình liên kết trồng ca cao ở Đồng Nai. Ảnh: Nguyễn Vy

Đưa tôi xem bịch sản phẩm bột ca cao nguyên chất, chị Mai niềm nở: "Chuẩn 5 sao đầu tiên ở Đồng Nai đó nghen! Nhờ có công ty liên kết, bao tiêu và chế biến sản phẩm xuất khẩu, hạt ca cao tụi tôi làm giờ đi Nhật, đi Hàn rồi". Đây là bịch ca cao bột mà chị mua lại từ Công ty Trọng Đức để đãi khách, vừa tiện giới thiệu sản phẩm xuất xứ từ... chính vườn nhà mình.

Còn chuẩn 5 sao mà chị vừa nói là chuẩn cao nhất dành cho sản phẩm đạt chứng nhận OCOP ở Đồng Nai.

Chị Mai kể, hồi đó trồng lai rai dăm ba chục cây mà cũng hồi hộp vì không biết trái chín rồi bán cho ai. Thế mà đã 5 năm rồi, vườn cây ca cao vẫn tăng thêm diện tích. Đến giờ, chị có 2ha và năng suất cũng tăng dần từng năm.

"Chuẩn 5 sao đầu tiên ở Đồng Nai đó nghen! Nhờ có công ty liên kết, bao tiêu và chế biến sản phẩm xuất khẩu, hạt ca cao tụi tôi làm giờ đi Nhật, đi Hàn rồi".

Chị Lý Thị Mai

Ông Đoàn Minh Tuấn - Phó Giám đốc HTX Ca cao Định Quán giải thích, cây ca cao càng lâu năm thì cho năng suất càng cao vì cây khỏe, ít sâu bệnh. So với cây tiêu, cây điều vốn nhiều bấp bênh thì thu nhập từ ca cao ổn định hơn. 

Vì thế, ngày càng có nhiều hộ chuyển đổi sang trồng ca cao. Xã Gia Canh hiện có 43 hộ nông dân trồng ca cao là thành viên HTX. Đây cũng là địa bàn xây dựng mô hình cánh đồng lớn cây ca cao. Lại được doanh nghiệp hỗ trợ sản xuất, bao tiêu nên các câu lạc bộ, HTX sản xuất ca cao dần hình thành khắp tỉnh Đồng Nai.

Như ở HTX An Viễn (huyện Trảng Bom), đến nay đã có 86 hộ tham gia trồng ca cao dưới tán điều, với diện tích gần 50ha.

Ông Đường Minh Giang - Giám đốc HTX kể, 1ha ca cao trồng xen, nông dân chỉ đầu tư khoảng 50 triệu đồng. Sau 3 năm đầu cho trái bói, năm thứ 4 thì mỗi ha thu được khoảng 20 tấn trái tươi. Từ năm thứ 5 trở lên có thể thu từ 40 - 50 tấn, lợi nhuận đạt trên 100 triệu đồng/ha/năm. 

Bà con khi tham gia mô hình này được Nhà nước và doanh nghiệp hỗ trợ nhiều chi phí, như giảm 50% tiền điện; 30% hệ thống nước tưới; 50% cây giống và 20% phân bón.

"Chừng đó thôi là đã đỡ biết bao nhiêu tiền túi rồi. Nông dân thấy sản phẩm của mình có người đại diện ký kết với doanh nghiệp để đảm bảo đầu ra, không bị tư thương ép giá nên yên tâm sản xuất" - ông Giang nói.

Ở xã Xà Bang (huyện Châu Đức, Bà Rịa-Vũng Tàu), ông Trịnh Văn Thành kể, từ những năm 2000, cây cà phê bị già cỗi, năng suất thấp nên người dân muốn chuyển đổi cây trồng hiệu quả hơn. 

Được Trường ĐH Nông Lâm (TP.HCM) hướng dẫn kỹ thuật, ông Thành mang cây ca cao về chia sẻ cho bà con trong vùng. Thấy ca cao phát triển tốt, năm 2005, ông Thành quyết định thành lập Công ty TNHH Ca cao Thành Đạt để bao tiêu sản phẩm, xuất đi nước ngoài. Đến nay, Thành Đạt đã liên kết 220 hộ nông dân với tổng diện tích 125ha ca cao.

Ông Huỳnh Văn Hòa - nông dân tham gia mô hình liên kết này cho biết, bà con được công ty hướng kỹ thuật trồng rồi thu mua toàn bộ sản phẩm với giá thấp nhất là 5.000 đồng/kg trái tươi hoặc 60.000 đồng/kg hạt khô. 

Khi giá lên, sản phẩm sẽ được thu mua với giá thị trường để bảo đảm lợi nhuận. Cuối năm 2020, Chi hội Nông dân nghề nghiệp trồng ca cao ở xã Xà Bang được thành lập do ông Hòa làm chi hội trưởng. Đây là mô hình điểm được Trung ương Hội Nông dân chọn để đầu tư để phát triển chuỗi liên kết ca cao của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.

Mở rộng xuất khẩu

Tatnien/ Mùa thắng lớn của cây ca cao - Ảnh 3.

Sản phẩm ca cao đạt tiêu chuẩn 5 sao OCOP ở Đồng Nai. Ảnh: Nguyễn Vy

Ông Lương Văn Tự - Chủ tịch Vicofa cho biết, năm 2012, cả nước trồng 25.700ha ca cao, đến năm 2020 chỉ còn khoảng 5.000ha. Diện tích ca cao giảm mạnh ở các tỉnh như Bến Tre, Tiền Giang, Đăk Lăk, Bình Phước, Lâm Đồng... "Nhưng tại Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, cây ca cao vẫn giữ được chỗ đứng riêng và ngày càng ổn định. Các công ty chế biến ca cao thông qua liên kết vùng nguyên liệu sạch đang góp phần khẳng định chất lượng ca cao Việt Nam" - ông Tự chia sẻ.

Theo ông Trịnh Văn Thành, từ năm 2019, công ty đã xuất nhiều tấn hạt ca cao sang Nhật. Năm 2020, ông nghiên cứu đẩy mạnh sản xuất chocolate và xuất luôn cho đối tác. Đến cuối năm, chuyến hàng gần 2 tấn chocolate với 15 sản phẩm của công ty tiếp tục lên đường xuất ngoại. "Đây là những tấn chocolate organic đầu tiên của Bà Rịa-Vũng Tàu xuất sang thị trường Nhật Bản theo con đường chính ngạch" - ông Thành cho hay.

Năm 2020, dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhưng Thành Đạt vẫn hoàn thành kế hoạch kinh doanh. Đây là động lực để công ty này tự tin hướng tới mục tiêu mới trong năm 2021. Trọng tâm là tiếp tục tục mở rộng vùng trồng thông qua liên kết với nông dân, xây dựng quy trình sản xuất đạt chuẩn quốc tế; mở rộng thêm thị trường xuất khẩu sang châu Âu, Mỹ… "Sau khi biết sản phẩm của công ty đạt chứng nhận Organic, 2 đối tác này đã đặt hàng với số lượng từ 12-15 container/năm. Năm 2021, công ty đặt mục tiêu tăng sản lượng 20-30% so với năm 2020" - ông Thành chia sẻ.

Còn với ca cao Trọng Đức ở tỉnh Đồng Nai, sau 2 năm thực hiện Chương trình OCOP, bột ca cao nguyên chất 3 trong 1 của công ty là sản phẩm đầu tiên và duy nhất đến nay đạt tiêu chuẩn 5 sao. 

Ông Đặng Tường Khanh - Giám đốc công ty kể, đây là kết quả của nhiều năm liền xây dựng chuỗi liên kết từ vùng nguyên liệu sạch đến đầu tư chế biến sâu. Để sản phẩm ca cao tham gia sân chơi quốc tế, Trọng Đức đã mất hơn 10 năm xây dựng những vùng chuyên canh với hàng trăm ha cây ca cao được cấp chứng nhận UTZ ở vùng Đông Nam Bộ và Tây Nguyên. 

Đến năm 2015, Trọng Đức hợp tác với Ca Cao Ken Co.,Ltd, một doanh nghiệp lớn của Nhật để xuất khẩu chocolate và các sản phẩm từ ca cao ra thị trường thế giới.

Theo Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (Vicofa), tuy sản lượng hạt ca cao Việt Nam còn khiêm tốn, chỉ khoảng 5.500 tấn so với 4,8 triệu tấn của thế giới nhưng hạt ca cao từ Việt Nam được công nhận là có chất lượng lên men tốt. Điều này đến từ kế hoạch phát triển bài bản cũng như điều kiện khí hậu đặc trưng của nước ta. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem