Đồng NDT suy yếu kỷ lục sau 11 năm: Đòn trả đũa ông Trump của Trung Quốc?
Tỷ giá NDT xuyên ngưỡng tâm lý 7 sau khi Trump tuyên bố áp thuế 300 tỷ USD hàng hóa
Tỷ giá NDT/USD thủng ngưỡng 7 sáng 5.8
Xung đột chiến tranh thương mại thúc đẩy các nhà đầu tư đổ xô vào tài sản an toàn, đồng Yên Nhật đã tăng lên mức cao nhất trong 7 tháng vừa qua. Ngược lại, tỷ giá đồng NDT đã xuyên ngưỡng 7 NDT/ USD, giao dịch ở mức 7,1097 NDT/ USD. Đây là diễn biến lớn nhất của đồng NDT trong năm nay, sau khi quyết định áp thuế 300 tỷ USD hàng hóa của ông Trump đang đẩy chiến tranh thương mại leo thang nhanh chóng. “Tác động của thương chiến Mỹ Trung đang trở nên vô cùng đáng quan ngại” - ông Masashi Hashimoto, nhà phân tích tiền tệ cao cấp tại MUFG Bank cho biết.
Sự sụp đổ của đồng NDT diễn ra sau khi Bắc Kinh tuyên bố sẽ trả đũa Mỹ sau quyết định đột ngột áp thuế 300 tỷ USD hàng hóa nước này. Động thái này khiến giới truyền thông Trung Quốc liên tục đặt câu hỏi có nên tiếp tục vòng đàm phán thương mại đã sụp đổ từ hồi tháng 5 và mới được nối lại gần đây.
“Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc PBOC giờ đây đang cố gắng ngăn chặn sự sụp đổ của đồng NDT. Dường như PBOC không cố gắng hạ giá đồng NDT để chống lại tác động của thuế quan Mỹ như những gì ông Trump cáo buộc. Sự sụt giảm giá trị đồng NDT bắt nguồn từ việc bán tháo hàng loạt” - ông Masashi tiếp tục. Nhưng không phải ai cũng đồng tình với nhận định của ông về sự suy yếu đáng ngờ của đồng NDT.
Bán tháo hàng loạt hay biện pháp trả đũa mới của Trung Quốc?
Dễ thấy, đây là lần đầu tiên tỷ giá NDT xuyên thủng ngưỡng 7 kể từ hồi tháng 5.2008. Các nhà phân tích kinh tế từ Bloomberg lại cho rằng sự suy yếu của đồng NDT là dấu hiệu cho thấy ngân hàng Nhân dân Trung Quốc cho phép một chính sách tiền tệ lỏng lẻo hơn sau hành động áp thuế của Mỹ.
Động thái phá giá đồng NDT xuyên ngưỡng 7 cho thấy các nhà hoạch định chính sách Mỹ “cuối cùng cũng sẵn sàng sử dụng tỷ giá hối đoái như một công cụ trong thương chiến Mỹ Trung” - Khoon Goh, nhà nghiên cứu phụ trách các vấn đề châu Á từ Ngân hàng ANZ nhận định. “Ngân hàng Trung Ương đã cho biết hôm 5.8 rằng việc tiền tệ sụt giá trong 7 ngày qua là do chủ nghĩa bảo hộ”. Khoon Goh cũng hy vọng PBOC rồi sẽ hành động để duy trì đồng NDT ở mức ổn định, ngăn chặn sự giảm giá quá mức của đồng NDT sau mức suy yếu 1,5% vào sáng nay.
Khoon Goh (Ngân hàng ANZ):
Câu hỏi đặt ra giờ đây là chính quyền Bắc Kinh sẽ cho phép đồng NDT suy yếu đến mức nào.
Việc FED bỏ ngỏ kỳ vọng cắt giảm lãi suất trong những tháng cuối năm và Trump bất ngờ áp thuế 10%, chính quyền Trung Quốc đã phá giá đồng NDT trong nỗ lực kích thích trong ngắn hạn, giảm bớt áp lực lên thị trường tiền tệ Châu Á.
Frances Cheung (nhà chiến lược vĩ mô Châu Á tại Westpac Banking Corp):
Các nhà chức trách Trung Quốc có thể sẽ nhúng tay nếu đồng NDT phá giá quá nhanh
Đồng NDT suy yếu có thể sẽ không có nhiều tác dụng trong việc hạn chế các ảnh hưởng của thuế quan, trong trường hợp mức thuế suất cao.
Bên cạnh việc phá giá đồng NDT, PBOC có thể sẽ đưa ra nhiều chính sách nới lỏng, kích cầu hơn nữa để hỗ trợ tăng trưởng.
Gao Qi (chiến lược gia tiền tệ tại Scotiabank):
Nếu tỷ giá đồng NDT lên ngưỡng 7,2; các cơ quan quản lý sẽ phải vào cuộc để ngăn chặn sự hỗn loạn của thị trường.
Thật khó để dự đoán khi nào tiền tệ ngừng mất giá vì đợt suy yếu này được châm ngòi bởi thuế quan của Trump. Các động thái tiếp theo của Trump sẽ ảnh hưởng lớn đến diễn biến tiếp theo.
Tommy Xie (chuyên gia kinh tế tại Ngân hàng OCBC):
Không có một ngưỡng rõ ràng, nhưng thị trường đang dự đoán tỷ giá NDT có thể lên tới 7,2 - 7,3 NDT/ USD.
Điều này phụ thuộc vào cách Trung Quốc thiết lập tỷ giá và ổn định thị trường. Nếu tỷ giá trở về 6,99 trong vài ngày tới, thị trường có thể sẽ ổn định trở lại.
Ken Cheung (chiến lược gia tiền tệ cao cấp tại Mizuho Bank):
Có vẻ như sau động thái tăng thuế, sự suy yếu tiền tệ đang phản ánh đòn trả đũa ăn miếng trả miếng cũng như sự đình trệ của đàm phán thương mại.
PBOC ít có động lực duy trì đồng NDT ổn định trong thời gian tới.
Zhou Hao (nhà kinh tế tại Commerzbank):
Câu hỏi quan trọng nhất trong thời điểm này là liệu Trung Quốc có muốn vũ khí hóa tiền tệ để trả đũa Mỹ trong bối cảnh thương chiến leo thang hay không.
Vẫn còn nhiều nghi vấn về vấn đề này, nhưng động thái phá giá tiền tệ mới đây có lẽ phản ánh việc Bắc Kinh đang cho phép chính sách tiền tệ nới lỏng để chống lại những tác động tiêu cực từ thương chiến.
Christy Tan (nhà phân tích chiến lược thị trường tại Ngân hàng Nhà nước Úc):
Tỷ giá NDT nội địa và hải ngoại đều xuyên ngưỡng 7, như một phần trong kế hoạch thích ứng với mức thuế quan mới của Donald Trump.
Các nhà chức trách Trung Quốc sẽ chỉ ổn định tỷ giá một khi thị trường hỗn loạn, xảy ra sự bán tháo đồng loạt trong các loại giao dịch.