Đồng tiền tham nhũng dễ ngụy trang và chuyện "nộp tiền thoát tội"

Đức Hiển Thứ năm, ngày 21/07/2022 15:42 PM (GMT+7)
Việc nhiều quan chức vừa hô hào chống tham nhũng, vừa công khai giàu có xa hoa một cách bất thường ai cũng thấy nhưng không dẹp được. Làm sao để mỗi đồng tiền bất chính không còn được nguỵ trang, không có ai dám vừa hô hào chống tham nhũng vừa sống vương giả bằng tiền tham nhũng, thì niềm tin mới được củng cố.
Bình luận 0

Đề xuất của Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao Lê Minh Trí về việc "nộp tiền khắc phục hậu quả để không bị xử lý hình sự trong các vụ án tham nhũng đã gây tranh luận xôn xao và kéo dài suốt gần cả tháng nay. 

Trước đó, chiều 22/6, sau 3 ngày xét xử và nghị án, TAND cấp cao tại Hà Nội đã giảm án cho bị cáo Nguyễn Đức Chung từ 8 năm tù còn 5 năm tù về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, sau khi gia đình ông Chung nộp thêm 15 tỉ đồng, nâng tổng số tiền đã nộp lên 25 tỉ đồng, để khắc phục hậu quả. Số tiền này đúng bằng với con số mà tòa sơ thẩm buộc ông Chung phải bồi thường. Tương tự, gia đình Nguyễn Trường Giang và Võ Tiến Hùng cũng nộp thêm tiền để khắc phục toàn bộ hậu quả, với số tiền lần lượt là 7,1 tỉ đồng và 4 tỉ đồng.

Do phát sinh diễn biến mới như đã nêu, đại diện VKSND Cấp cao tại Hà Nội đề nghị HĐXX giảm án cho cả ba bị cáo.

Thế nhưng sau đó, một phát biểu của Viện trưởng VKSND TC Lê Minh Trí về vấn đề này đã gây tranh luận. 

Phát biểu tại hội nghị toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hôm 30/6/2022, Viện Trưởng VKSND TC Lê Minh Trí đề xuất cho phép các trường hợp sai phạm khắc phục hậu quả để không bị xử lý hình sự, theo hướng tăng phòng ngừa, giảm xử lý hình sự mà thay thế bằng khởi kiện dân sự và tạo điều kiện cho chủ thể sai phạm khắc phục hậu quả.

Theo ông Trí, làm như vậy sẽ thu hồi được tài sản thất thoát, tham nhũng và nâng cao việc khắc phục hậu quả do người vi phạm sẽ chủ động khắc phục để không bị xử lý hình sự nữa, "mà chúng ta cũng không phải băn khoăn nhiều việc phải xử lý nhiều cán bộ, đồng chí của mình".

Đề xuất của ông Lê Minh Trí được đưa ra trong bối cảnh các quan chức bị xử lý vì tham nhũng thời gian qua là khá nhiều, và theo Bộ Tư pháp thì cả nước còn gần 80.000 tỉ đồng phải thi hành trong các vụ án tham nhũng, kinh tế.

Trước mắt cần thấy, những ý mà ông Lê Minh Trí nêu không hoàn toàn mới. Khoản 3 Điều 40 Bộ Luật Hình sự 2015 quy định không thi hành án tử hình nếu người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ...

Đồng tiền tham nhũng dễ ngụy trang và chuyện "nộp tiền thoát tội" - Ảnh 2.

Phát biểu của Viện trưởng Viện KSNDTC Lê Minh Trí đã gây nhiều tranh luận.

Từ khi áp dụng điều luật này,  cựu bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son là một trong những người đầu tiên được nhẹ tội nhờ nộp tiền. Dù rằng bị cáo Nguyễn Bắc Son thoát án tử không phải do được áp dụng theo nghĩa gốc của điều luật, vì chuyện khắc phục hậu quả không phải xảy ra sau khi bị kết án tử, mà việc khắc phục được thực hiện ngay khi phiên toà sơ thẩm đang diễn ra.  Trước ý nguyện của ông Son và gia đình, tòa đã cho dừng phiên xử, tạo điều kiện cho gia đình ông Son  nộp đủ 66 tỉ đồng tiền tham nhũng. Từ đó, tòa đã tuyên phạt ông mức án chung thân với nhận định "gia đình ông Nguyễn Bắc Son đã thay mặt nộp 66 tỉ đồng, tiền nhận hối lộ được khắc phục nên không cần thiết áp dụng hình phạt tử hình như VKS đề nghị".

Vào năm 2020, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao có Nghị quyết số 03/2020 hướng dẫn việc áp dụng một số điều của BLHS. Theo đó, chỉ cần trong quá trình tố tụng, người phạm tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ đã chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ và đã hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn thì không áp dụng mức cao nhất của khung hình phạt mà người phạm tội bị truy tố, xét xử. 

Trước đó nữa, khi thảo luận tại Quốc Hội về dự án Luật hình sự sửa đổi 2015, những nội dung như trên cũng từng được đề cập

Phát biểu của ông Lê Minh Trí và vấn đề "nộp tiền thoát tội", vì vậy, không phải hoàn toàn mới, nhưng nó vẫn gây tranh luận.

Thứ nhất, việc này có làm mất tác dụng răn đe? Dư luận lo ngại nếu luật cho phép nộp tiền mà thoát xử lý hình sự sẽ ảnh hưởng đến tính răn đe, phòng ngừa chung trong công cuộc phòng, chống tham nhũng. Bởi khi có ý định tham nhũng, quan tham sẽ nghĩ nếu bị phát hiện, họ chỉ cần nộp lại từ 3/4 tài sản tham nhũng thì đã có thể thoát án tử hình. Chưa kể, có thể các kẽ hở về mặt kỹ thuật trong việc đánh giá mức độ thiệt hại sẽ khiến thiệt hại được đánh giá thấp hơn thực tế. Như vậy kể cả khi nộp tiền rồi, người phạm tội vẫn còn một khoản để sống vương giả khi đã thoát tội.

Cạnh đó, đề xuất theo hướng thay khởi tố hình sự bằng khởi kiện dân sự để "tránh việc phải xử đồng chí của mình" mới là nguồn cơn cảm xúc gây ra những tranh luận mạnh mẽ. Bởi các ý kiến ngược lại cho rằng việc nhà nước với quyền lực chuyên chính của mình, lại phải đi kiện kẻ tham nhũng là vô lý; là xoá nhoà ranh giới giữa hình sự và dân sự; là biến hành vi phạm tội thành hành vi tranh chấp tài sản giữa quan tham và nhà nước.

Thứ hai, phải phân hoá mức độ khắc phục thiệt hại. Pháp luật không thể chỉ là một phép tính, mà nó phải là một bài toán phức tạp, có đánh giá tổng thể, so sánh tương quan. Trong đó cần phân tích mức độ khác nhau của việc tự giác khai báo và nộp lại tiền tham nhũng trước khi bị phát hiện; nộp tiền khắc phục và tự hợp tác trong quá trình điều tra; khắc phục trong quá trình xét xử và sau khi bản án có hiệu lực. 

Bởi, không chỉ là vấn đề nộp lại tiền tham nhũng, những thời điểm khác nhau của việc hợp tác và khắc phục phản ánh các mức độ khác nhau của nhận thức và tính chất nguy hiểm, ý chí thực hiện tội phạm của người có hành vi tham nhũng.

Ngoài những vấn đề vừa nêu, việc "đồng tiền tham nhũng quá dễ nguỵ trang" cũng cần được tính đến. Việc nhiều quan chức vừa hô hào chống tham nhũng, vừa công khai giàu có xa hoa một cách bất thường ai cũng thấy nhưng không dẹp được. Làm sao để mỗi đồng tiền bất chính không còn được nguỵ trang, không có ai dám vừa hô hào chống tham nhũng vừa sống vương giả bằng tiền tham nhũng vì sợ hãi bị phát hiện, thì niềm tin mới được củng cố, tạo nền tảng và động lực cho công cuộc chống tham nhũng. Để làm được điều đó còn cần sự phát triển hạ tầng pháp lý và kỹ thuật nhằm giam đồng tiền tham nhũng không cho lưu thông trước khi giam kẻ tham nhũng.

Và cuối cùng, phải rà soát để sửa luật. Công cuộc phòng chống tham nhũng đã được khởi động từ lâu bởi Đảng và Chính quyền. Quan điểm cũng rất rõ ràng trong các Nghị quyết, văn kiện. Hai năm trước, nó tiếp tục được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục quán triệt tại Hội nghị Toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2013-2020 (diễn ra ngày 12-12-2020) là: "Đi đôi với tập trung chỉ đạo công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế - xã hội và phòng, chống tham nhũng cũng được đẩy mạnh, từng bước hoàn thiện cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để bảo đảm "không thể", "không dám", "không muốn", "không cần" tham nhũng".

Tuy nhiên đến nay, cơ chế ấy vẫn chưa được hoàn thiện ở mức đủ đáp ứng các yêu cầu của cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng. Vì thế nó gây ra nhiều cách hiểu sau phát biểu của viện trưởng Lê Minh Trí, dù những điều ông nói không hoàn toàn mới!


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem