Ý dân về thị trưởng Hà Nội

Nhà báo Nguyễn Như Mai Thứ ba, ngày 28/06/2022 15:44 PM (GMT+7)
Mấy vị thị trưởng Hà Nội những năm gần đây đều là những gương mặt làm cho người dân mất tin tưởng. Phải chăng quy trình chọn thị trưởng ấy chưa thật phù hợp, còn có lỗ hổng: Ấy là chưa lắng nghe ý kiến người dân?
Bình luận 0

1. Mấy vị thị trưởng Hà Nội những năm gần đây đều là những gương mặt làm cho người dân mất tin tưởng. Một ông tướng cảnh sát lại để công ty Nhật Cường lộng hành,  thủ phạm chạy thoát và chính mình ăn cắp bí mật nhà nước để che chắn.Chưa nói đến việc lợi dụng chức quyền để làm giàu bất chính. Một ông tiến sĩ khoa học mà dung túng một doanh nghiệp Việt Á vô danh tiểu tốt, bắt toàn dân phải chịu ngoáy mũi.

 2. Vị thị trưởng Hà Nội vừa bị cách chức là ông Chu Ngọc Anh. Ghế thị trưởng đang bỏ trống. Hẳn Trung ương Đảng , Quốc hội và Chính phủ đang "nhức đầu" tìm người thay thế vào "ghế nóng" này. Còn người dân Hà Nội và cả nước cũng đang nóng lòng đợi xem vị đó sẽ là ai.

Hà Nội, Thủ đô của cả nước có vị trí vô cùng quan trọng. Cho nên chọn người đứng đầu là việc hệ trọng. Phải theo đúng "quy trình" rất nghiêm ngặt. Nhưng tại sao quy trình ấy lại đem đến hậu quả như ta đã thấy. 

Như "quy trình" chọn ông Chu Ngọc Anh vừa qua.       

Trong khi ông Nguyễn Đức Chung vướng vào vòng lao lý, thì ông Chu Ngọc Anh đang là bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ được cử về . Ông được Hội đồng nhân dân Hà Nội bỏ phiếu tán thành 100%.Cũng như bây giờ, khi ông Chu Ngọc Anh vào trại giam,  các vị hội đồng lại nhất trí 100% bãi chức.           

Xem ra, về hình thức thì rất dân chủ. Nhưng thực tế, ngay từ khi nghe tin ông Chu sắp được cử về làm thị trưởng chưa công bố, thì đã rộ lên dư luận về  ông này. Không rõ "trên" có nghe, có biết?            

Vậy, phải chăng cái quy trình chọn thị trưởng ấy chưa thật phù hợp, còn có lỗ hổng: Ấy là chưa lắng nghe ý kiến người dân?             

Vị trí của Thủ đô và vai trò của người đứng đầu quan trọng như thế nào, ta có thể tham chiếu xưa và nay để biết thêm.

3. Thời Trần, Thăng Long là một đơn vị hành chính đặc biệt được coi trọng. Điều này trước hết thể hiện ở việc lựa chọn người đứng đầu cơ quan hành chính nơi đây. Bấy giờ, người đứng đầu cơ quan hành chính một lộ được gọi là An phủ sứ. Muốn được làm An phủ sứ Thăng Long, trước hết phải trải qua làm An phủ sứ một lộ nào đó, rồi thăng lên làm An phủ sứ Thiên Trường (quê hương của các vua Trần), sau về kinh làm ở Thẩm hình viện trông coi pháp luật, rồi mới được làm An phủ sứ Kinh sư.

Một trong những người đứng đầu cơ quan hành chính của Thăng Long những năm đầu sau chiến thắng Nguyên Mông lần thứ ba (cũng là lần cuối cùng) là Trần Thì Kiến. Ông người làng Cự Xạ, Đông Triều (nay thuộc Quảng Ninh), vốn là môn khách của Đức Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn. Ông nổi tiếng là vị quan thanh liêm, chính trực, xét việc công bằng, đúng lẽ, hành sự quang minh chính đại khi còn làm An phủ sứ lộ Yên Khang (nay thuộc Ninh Bình) và Thiên Trường (Nam Định). Nhờ đó ông được thăng làm Kiểm pháp quan trông coi pháp luật ở kinh. Vua Trần đã ban cho ông cái hốt, trên ghi bài minh có những câu: "Thái Sơn trinh cao/ Tượng hốt trinh liệt"...

(Nghĩa là Thái Sơn rất cao, Hốt ngà rất cứng - ý muốn nói ông là một pháp quan rất cương trực). 

Một người như thế khi nhậm chức An phủ sứ Kinh sư (1297) chắc chắn đã có được nhiều đóng góp cho Kinh thành Thăng Long, nhất là trong việc bài trừ các tệ nạn vẫn thường xuất hiện sau chiến tranh, khi người ta dễ có tư tưởng ăn chơi hưởng lạc.

Hơn 40 năm sau, chức An phủ sứ Kinh sư được đổi thành Đại doãn Kinh sư. Vị Đại doãn đầu tiên của Kinh thành Thăng Long là Nguyễn Trung Ngạn (1289-1370).

Ông người làng Thổ Hoàng, huyện Thiên Thi (nay thuộc Hưng Yên). Trước khi trở thành người đứng đầu cơ quan hành chính của Thăng Long, Nguyễn Trung Ngạn từng làm An phủ sứ các tỉnh Thanh Hoa, Nghệ An. Ông cũng từng được giao nhiều trọng trách khác như chép sử ở Quốc sử viện, trông coi việc thực thi pháp luật...

Nổi tiếng là một vị quan tài đức, thanh liêm, chính trực, ông đã có nhiều đóng góp trong việc trị an Kinh thành Thăng Long. Ông cũng được coi là một nhà lập pháp, khi cùng Trương Hán Siêu biên soạn hai bộ luật quan trọng của nước ta dưới thời Trần là "Hoàng triều đại điển" và "Hình thư" (1341). Đại điển là những quy định chung của Nhà nước về công tác tổ chức hành chính, thể chế chính trị. Hình thư là bộ luật quy định về việc xét xử ngục tụng. Với hai bộ luật này, luật pháp thời Trần đã đạt tới trình độ tương đối hoàn bị...

Trên đây là một số gương mặt xuất sắc của Thăng Long dưới thời Trần. Họ không chỉ là những người có công lao đặc biệt đối với triều đại mình, mà còn có những đóng góp vô song đối với dân tộc. Tên tuổi họ mãi mãi được ghi tạc trong lịch sử và là niềm tự hào của đất nước nói chung, Thăng Long nói riêng.

Chẳng nói đâu xa, lịch sử thời hiện tại, các ông thị trưởng Trần Văn Lai, Trần Duy Hưng lại được dân quý trọng, để danh thơm mãi về sau.

4. Đành rằng, mỗi quốc gia, mỗi chế độ có "quy trình" chọn quan chức nói chung và thị trưởng nói riêng. Nhưng chung quy lại, đó phải là người vì nước, vì dân, như ta thường nêu khẩu hiệu vì nhân dân phục vụ. Xin nêu một trường hợp ở nước ngoài mà tôi biết, để tham khảo. Để biết cũng rất nên, dù không thể bắt chước.  

Ý dân và mong ước về vị thị trưởng Hà Nội - Ảnh 3.

Cựu Thị trưởng Nenshi đến thăm triển lãm của nữ họa sỹ trẻ người Việt. Ảnh: Tác giả cung cấp.

Calgary là một thành phố trẻ của Canada. Thành phố này bao gồm 14 khu vực dân cư, nhưng không phải đơn vị hành chính quận, huỵện. Thị trưởng không phải do chính quyền trung ương cử xuống, mà do dân trực tiếp bầu. Ứng viên phải trình bày cương lĩnh của mình và tham gia tranh cử.

Cách đây vài năm khi tôi có dịp sang Calgary, thì thị trưởng là ông Naheed  Nenshi, người gốc Ấn Độ, nhập cư từ đời cha. Ông này tốt nghiệp đại học ở Calgary, học thạc sĩ ở Mỹ.         

Tòa thị chính vẻn vẹn có 15 quan chức. Ngoài thị trưởng, còn 14 vị ủy viên đại diện cho 14 vùng cũng do dân bầu ra. Biên chế đơn giản chỉ có vậy, nhưng trực tiếp giải quyết mọi việc từ chuyện đại sự cho đến sự vụ cụ thể. Tôi biết một trường hợp như thế. Một cư dân người Việt xin cải tạo nhà ở, tách ra thành hai hộ. Thành phố cắm biển thông báo tại chỗ xem ai có thắc mắc gì không. Đến hẹn, gia chủ được mời đến tòa thị sảnh trình bày phương án trước 15 vị hội đồng (có thể nhờ luật sư). Sau khi nghe mấy chuyên gia phản biện, hội đồng nhất trí chấp nhận. Tất cả chỉ diễn ra trong 15 phút, được truyền hình trực tiếp công khai. Công dân nào muốn đến dự cũng được.           

Đi dọc theo một con phố, thấy các số nhà nối tiếp nhau tuần tự. Khu đất nào chưa xây cũng đã được đánh số sẵn. Không có chuyện "phá vỡ quy hoạch".        

Ông Nenshi được tại nhiệm liên tục 3 nhiệm kỳ. Ông sống giản dị, gần dân. Trong lễ hội năm mới của cộng đồng người Việt, tôi được gặp và chụp ảnh với ông khi ông đến thăm triển lãm của một cháu gái. 

Ông không tơ hào của dân, được người dân tín nhiệm. Tuy nhiên, năm ấy, ông hăng hái cổ súy cho việc Calgary đăng cai tổ chức Olympics Mùa đông. Ông lên truyền hình phân tích nhiều cái lợi cho thành phố lắm. Nhưng dân phản đối, vì cho rằng thành phố sẽ phải bù đắp chi phí bằng tiền thuế dân đóng góp. Trưng cầu dân ý, ông bị thất bại, phải xin lỗi người dân.

Tháng 10 năm 2021, Calgary tiến hành bầu cử thị trưởng mới. Có 27 ứng viên tham gia tranh cử. Người thắng cử là nữ tiến sĩ Jyoti  Gandek, cũng người gốc Ấn Độ, sinh năm 1969 tại London. Đây cũng là lần đầu tiên thị trưởng Calgary là một phụ nữ.

5.  Thể chế mỗi nước có thể khác nhau. Nhưng tất cả đều để phục vụ nhân dân, như nhà nước ta vẫn thường nêu khẩu hiệu: Dân biết, Dân bàn, Dân làm, Dân kiểm tra. Tức là mọi việc được diễn ra công khai.            

Hiện nay, ta chưa thể áp dụng cách cho dân lựa chọn và bầu ra thị trưởng . Song, nếu được trung ương xét cử như hiện hành, thì cũng cần và có thể công khai cho dân được biết. Có nhiều cách tham khảo, lắng nghe ý dân. Chẳng hạn cần phản ánh trung thực, khách quan dư luận của nhân dân để Đảng biết.

Trước khi được thông qua Hội đồng nhân dân, người được phân công cần phải trình bày chương trình sẽ làm gì cho Hà Nội trong vai trò của mình. Chương trình đó cần công khai cho toàn dân biết trên các phương tiện truyền thông và tiếp xúc với dân, đối thoại với dân, không phải chỉ với cử tri được chọn. Hội đồng nhân dân phải thực sự đại diện cho nhân dân.       

Khi các quan chức bị mắc tội, không thấy họ xin lỗi Dân. Phải chăng họ quên mất lời hứa của mình, quên mất trách nhiệm trước Nhân dân!



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem