Dòng tiền tiếp tục bị suy giảm và thâm hụt, Vietnam Airlines dự kiến lỗ “khủng” 14.526 tỷ năm 2021
Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines – Mã: HVN) vừa công bố tài liệu đại hội cổ đông thường niên 2021 tổ chức vào sáng nay 14/7.
Vietnam Airlines kế hoạch thua lỗ tăng 30% so với năm 2020
Theo tài liệu gửi tới cổ đông, Ban lãnh đạo Vietnam Airlines đánh giá môi trường vĩ mô năm 2021 có một số yếu tố thuận lợi như nền kinh tế Việt Nam được dự báo tiếp tục tăng trưởng, tỷ giá hối đoái ổn định và diễn biến theo hướng tích cực cho các hãng hàng không.
Tuy vậy, các khó khăn là rất lớn do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp với các đợt bùng phát mới và các biến thể của virus SARS-CoV-2.
Trong khi đó, chiến dịch tiêm chủng vaccine trên thế giới cũng chậm hơn so với kỳ vọng ban đầu.
Cũng do ảnh hưởng của dịch bệnh, kinh tế toàn cầu có những dấu hiệu suy thoái, thu nhập người dân bị ảnh hưởng sẽ khiến nhu cầu đi lại sa sút trong dài hạn.
Tại Việt Nam, hai đợt bùng phát dịch bệnh xuất hiện đúng vào các giai đoạn cao điểm Tết và trước kỳ nghỉ 30/4 – 1/5 rồi kéo dài sang cả cao điểm hè đã tác động hết sức tiêu cực tới hoạt động sản xuất kinh doanh của các hãng hàng không.
Giá dầu năm 2021 dự kiến tăng cao, trung bình cả năm khoảng 70,4 USD/thùng, khiến cho chi phí của Vietnam Airlines tăng thêm 700 tỷ so với năm 2020.
Từ đó, đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động của hãng hàng không quốc gia này. Trong 6 tháng đầu năm, lỗ công ty mẹ dự kiến khoảng 9.823 tỷ đồng, lỗ hợp nhất khoảng 10.788 tỷ, chỉ số tài chính thay đổi theo hướng tiêu cực và rủi ro.
Cả năm 2021, Vietnam Airlines lên kế hoạch tổng doanh thu hợp nhất 37.364 tỷ đồng, giảm gần 12% so với năm ngoái, lỗ sau thuế hợp nhất 14.526 tỷ đồng, tăng 30% so với số lỗ kỷ lục 11.178 tỷ của năm 2020.
Trong đó, lỗ sau thuế của công ty mẹ dự kiến tăng tới 47%, lên 12.908 tỷ đồng trong năm 2021 này.
Giả sử Vietnam Airlines hoàn thành kế hoạch tăng vốn thêm 8.000 tỷ đồng trong năm nay thì với số lỗ khổng lồ như trên, vốn chủ sở hữu cuối năm vẫn sẽ âm.
Các mục tiêu kinh doanh nói trên được Vietnam Airlines đặt ra dựa trên các giả định.
Thứ nhất, Vietnam Airlines hoàn thành kế hoạch bán 11 tàu bay A321 sản xuất năm 2004 và 2007-2008.
Hai là, cải thiện doanh thu trung bình trên các chuyến bay nội địa, khai thác chuyến bay hàng hóa, hồi hương, bán combo cách ly tự nguyện.
Ba là, Chính phủ cho phép mở cửa cho khách du lịch đến Phú Quốc, áp dụng thí điểm hộ chiếu vắc xin.
Bốn là, hoàn thành mục tiêu đàm phán đối tác thuê mua tàu bay, cung cấp dịch vụ sửa chữa bảo dưỡng tàu bay, động cơ, các giải pháp cắt giảm chi phí tự thân năm 2021 dự kiến sẽ giúp tiết kiệm khoảng 6.800 tỷ đồng.
Năm là, các chính sách hỗ trợ của chính phủ về chi phí cất hạ cánh, điều hành bay, thuế bảo vệ môi trường, điều chỉnh khấu hao và phân bổ chi phí sửa chữa bảo dưỡng theo đề xuất, các loại thuế, phí khác.
Cuối cùng, đó là hoàn thành giải ngân gói hỗ trợ 12.000 tỷ đồng của Chính phủ.
Nếu không đáp ứng được các giả định trên, kết quả kinh doanh của Vietnam Airlines có thể sẽ còn tiêu cực hơn kế hoạch.
Dòng tiền tiếp tục bị suy giảm và thâm hụt
Ngoài kinh doanh thua lỗ, theo Ban lãnh đạo Vietnam Airlines, do năng lực sản xuất vẫn được sử dụng ở mức thấp, thị trường chưa có dấu hiệu phục hồi, tình hình tài chính của tổng công ty cả năm 2021 dự kiến gặp nhiều khó khăn như dòng tiền tiếp tục bị suy giảm và thâm hụt.
Dự kiến đến cuối kỳ, dư tiền tại công ty mẹ là 806 tỷ đồng, tiếp tục sụt giảm trên 60 tỷ so với năm 2020. Hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu tăng từ 5,39 lần lên 11,31 lần. Kéo theo đó, khả năng thanh toán nợ ngắn hạn cũng giảm về mức 0,12 lần từ mức 0,15 lần của năm 2020.
Trong bối cảnh đó, Vietnam Airlines dự kiến bán 11 tàu A321 cũ nhằm bổ sung dòng tiền và thu nhập. Tuy nhiên, trước tình hình của đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, thị trường vẫn đang phải đối mặt với tình trạng dư thừa tàu bay khiến cho việc thực hiện thanh lý 11 tàu bay A321 CEO trong năm nay có thể bị ảnh hưởng tiêu cực.